Tại sao Chủ tịch Eximbank Cao Xuân Ninh ủy quyền cho Phó Chủ tịch Yasuhiro Saitoh?
Việc ủy quyền này đã diễn ra từ cách đây hơn nửa tháng nhưng thị trường chỉ mới 'phát hiện', thông qua một chi tiết tại Nghị quyết số 362/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 8/7/2019 của HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã chứng khoán: EIB).
Nghị quyết số 362 trên thực ra không nhằm để công bố hay thông qua việc ủy quyền trên (mà để giải quyết cho ông Nguyễn Ngọc Hà – Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Kế toán tài chính - nghỉ việc theo nguyện vọng). Tuy nhiên, phần căn cứ của Nghị quyết này có dẫn “Giấy ủy quyền của ông Cao Xuân Ninh – Chủ tịch HĐQT cho ông Yasuhiro Saitoh – Phó Chủ tịch HĐQT ngày 26/6/2019”.
Nhờ đó, công chúng mới biết rằng hơn nửa tháng qua, người thực hiện quyền Chủ tịch HĐQT Eximbank (một phần hoặc toàn bộ) là Phó Chủ tịch Saitoh.
Thông tin này ngay lập tức gây chú ý với thị trường, bởi lẽ, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank thời gian qua luôn là tâm điểm tranh chấp giữa các nhóm quyền lực – vốn đang đầy bất đồng.
Nghị quyết số 362 vô tình hé lộ chi tiết ủy nhiệm của Chủ tịch Eximbank Cao Xuân Ninh cho Phó Chủ tịch Yasuhiro Saitoh. (Ảnh: Internet)
Ông Cao Xuân Ninh khi bất ngờ nhận ghế vào ngày 22/5/2019, theo Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT, vẫn được tin rằng chỉ là một “giải pháp trung gian” trong bối cảnh các nhóm cổ đông lớn - nhóm hậu thuẫn bà Lương Thị Cẩm Tú, nhóm hậu thuẫn ông Lê Minh Quốc, nhóm cổ đông ngoại (SMBC, VOF, Mirae Asset) và cả nhóm đã được nhận diện của đại gia Tuấn “Thành Công”, cũng như các nhóm chưa thực sự lộ diện – không có tiếng nói chung.
Vị thế đó của ông Ninh khiến thông tin ủy quyền vừa rồi càng đáng quan tâm hơn với thị trường.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Ninh lại phải ủy quyền (?); Việc ủy quyền này chỉ là tạm thời hay còn có ý nghĩa “sâu, rộng” hơn (?).
Sáng nay (10/7), trao đổi với VietTimes qua điện thoại, một lãnh đạo Ban điều hành Eximbank xác nhận thông tin ông Cao Xuân Ninh đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch người Nhật Yasuhiro Saitoh. Vị này cho biết ông Cao Xuân Ninh tạm nghỉ ít ngày vì lý do sức khỏe nên mới có việc ủy quyền trên.
Thông tin này cũng được xác nhận với VietTimes bởi hai Thành viên trong HĐQT đương nhiệm của Eximbank vào sáng cùng ngày. Trong đó, một vị cho biết bệnh “đau bao tử” (đau dạ dày) của ông Ninh trở nặng nên phải đi nước ngoài (Hong Kong) để khám và điều trị. “Cái đó bình thường, vì lý do sức khỏe thôi mà” – ông nói qua điện thoại với PV VietTimes.
Trước câu hỏi ông Cao Xuân Ninh có kế hoạch khi nào sẽ trở lại công việc, vị này cho hay “có lẽ là hết tuần này”.
Để làm rõ hơn, VietTimes đã liên hệ tới số điện thoại cá nhân của ông Cao Xuân Ninh (do ông Ninh trực tiếp cung cấp cho PV bên lề phiên ĐHĐCĐ Eximbank hôm 21/6/2019) nhưng tổng đài thông báo là số điện thoại này không liên lạc được.
Có phải ông Cao Xuân Ninh đã nộp đơn xin từ chức Chủ tịch HĐQT?
Một nguồn tin khác ở Eximbank khi được hỏi về sự việc ủy quyền của ông Cao Xuân Ninh không xác nhận chính thức nhưng cũng không phủ nhận thông tin xin rút của Chủ tịch Eximbank. Đáng chú ý, thị trường sáng nay bắt đầu xuất hiện thông tin ông Cao Xuân Ninh nộp đơn xin từ chức Chủ tịch Eximbank.
“Ông Ninh cho biết mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông/ cổ đông còn tiếp diễn chưa thể dung hòa. Trên cơ sở lợi ích của Eximbank, ông Cao Xuân Ninh đề nghị HĐQT chấp thuận cho từ chức Chủ tịch HĐQT để Eximbank tìm kiếm một Chủ tịch mới phù hợp, được toàn bộ Thành viên HĐQT nhất trí thông qua, nhằm giúp đưa Eximbank vượt qua khủng hoảng”, một tờ báo mới đưa.
Ông Cao Xuân Ninh đang chủ tọa phiên ĐHĐCĐ Eximbank hôm 21/6/2019.
Thông tin trên, nếu có, cũng không hẳn là không có lý. Sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank là điều đã được nhìn thấy từ lâu.
Tại phiên ĐHĐCĐ năm 2019 lần 2 bất thành vào cuối tháng trước – dù có sự tham dự của các cổ đông đại diện tới gần 94% cổ phần có quyền biểu quyết (có thể hiểu là đã là có sự hiện diện của tất cả các nhóm cổ đông lớn) – nhưng đã không thể tiến hành, vì quy chế tổ chức đại hội không được cổ đông thông qua (với tỷ lệ phủ quyết lên đến 55%). (
đọc thêm: ĐHĐCĐ Eximbank lại... "vỡ")
Ngay tại đại hội, vị đại diện của cổ đông chiến lược Nhật Bản - SMBC (chiếm 15% vốn điều lệ Eximbank) - đã tuyên bố rõ về việc bỏ phiếu phủ quyết, bởi 2 lẽ: (1) Không tín nhiệm Chủ tọa đoàn; (2) Không tin Ban kiểm phiếu.
Ngoài lá phiếu phủ quyết đã được nhận diện của nhóm SMBC nêu trên, chưa rõ gần 40% lá phiếu phủ quyết còn lại là của nhóm hay các nhóm cổ đông lớn nào.
Nên nhớ, bắt đầu từ sau Tết âm lịch Kỷ Hợi, Eximbank bắt đầu xuất hiện một nhóm cổ đông lớn đầy tham vọng, với đại diện nổi bật là ông chủ Tập đoàn Thành Công – doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn, vị đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực lắp ráp và phân phối ô tô mang thương hiệu Huyndai. (
đọc thêm : Thêm một đại gia lộ diện trong “game” Eximbank: Ông Tuấn “Thành Công“)
Một nhóm cổ đông khác nữa cũng được cho là đang âm thầm nhận chuyển nhượng lại phần cổ phần Eximbank của nhóm Hoàn Cầu/Nam Á.
Dĩ nhiên, nếu vào từ sau Tết âm lịch, thì đến nay, theo Điều lệ, họ chưa đủ 6 tháng để các nhóm cử đại diện vào HĐQT.
Đồng ý là không thiếu “kỹ thuật” để xử lý rào cản trên nhưng có lẽ, họ cũng không việc gì phải “sốt ruột”. Các nhóm cựu trào càng bộc lộ, họ càng có cơ hội quan sát và xếp trận.../.