Tại sao Chung kết AFF Cup không chỉ có một trận mà lại có lượt đi lượt về?
Khán giả đã quen với việc gần như giải bóng đá nào cũng chỉ có một trận Chung kết. Nhưng sau khi ĐT Việt Nam thắng ĐT Thái Lan trong trận Chung kết lượt đi AFF Cup 2024, chúng ta sẽ còn phải đá trận lượt về. Tại sao ở AFF Cup lại có 2 trận Chung kết như vậy thay vì một?
Ở hầu hết các giải bóng đá trên thế giới, khán giả có thể thấy dù Tứ kết, Bán kết có lượt đi lượt về nhưng trận Chung kết thì chỉ có một. Lý do là vì trong một giải đấu, nhất là các giải đấu lớn, thì Chung kết là một sự kiện rất đặc biệt, và việc chỉ có một trận Chung kết chính là để nhấn mạnh tính đặc biệt đó, khi không đội nào có lợi thế cả.
Trong trận Chung kết duy nhất, cả hai đội bóng sẽ phải tung hết tinh hoa, trí tuệ, sức lực, không phụ thuộc vào lợi thế sân vận động, thời tiết, cổ động viên…, không thể “giấu bài cho lượt về” hay gì cả. Và sức hút rất lớn của một trận Chung kết duy nhất còn nằm ở chỗ cả hai đội đều cần một chút may mắn ngẫu nhiên nữa.
Vậy tại sao AFF Cup lại có Chung kết lượt đi và lượt về?
Theo những người am hiểu bóng đá thì ở một giải đấu mà các đội tham gia ở tương đối gần nhau thì việc Chung kết có lượt đi và lượt về cũng được, do việc đội này đi đến sân của đội kia có thể còn tiện hơn việc phải chọn một sân trung lập rồi 2 đội cùng tới đó. Hơn nữa, ở sân trung lập, có thể không nhiều khán giả của 2 đội đá Chung kết tới cổ vũ được. Vì vậy, với giải bóng đá của Đông Nam Á, việc có trận Chung kết lượt đi và lượt về ở quốc gia của 2 đội đá Chung kết là dễ hơn cho cả các fan và các nhà tổ chức.
Ngoài ra, có một lý do về kinh tế là nguồn thu lớn từ các trận Chung kết ở AFF Cup có lẽ là từ vé chứ không phải từ bản quyền truyền hình, nên việc tổ chức trận Chung kết lượt đi và lượt về sẽ thu hút số lượng khán giả nhiều hơn, tức là nguồn thu tăng.
Trận Chung kết lượt về AFF Cup 2024 giữa ĐT Thái Lan và ĐT Việt Nam sẽ diễn ra vào 20h ngày 5/1 trên sân Rajamangala ở Bangkok (Thái Lan).