Tại sao chúng ta ám ảnh với vòng một?

Nhà văn hóa học Sarah Thornton từng cho rằng bất kỳ nỗi ám ảnh nào với bộ ngực đều là viển vông và đáng ghê tởm, nhưng mọi thứ thay đổi sau khi cô cắt bỏ ngực của mình.

Cách đây 6 năm, một ngày trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực để phòng ung thư, tác giả và nhà văn hóa học Sarah Thornton đã để ngực mình được tự do. Cô đi bơi trong một hồ bơi ngoài trời ở Khu vực Vịnh San Francisco và cởi phăng áo bikini, để bộ ngực cỡ 34B của mình bồng bềnh trong nước và đắm mình dưới nắng.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cô chia sẻ đã nói lời tạm biệt với bộ ngực của mình. "Tôi từng coi chúng chỉ là bộ ngực ngu ngốc, không liên quan, chẳng quan trọng", Thornton nói.

Là một nhà hoạt động nữ quyền tự xưng, cô từng cho rằng bất kỳ nỗi ám ảnh nào với bộ ngực đều là viển vông và ghê tởm, được thúc đẩy bởi nhu cầu nông cạn và làm hài lòng ánh nhìn của đàn ông.

Bộ ngực của chính Thornton cũng chính là nguyên nhân khiến cô trở thành nạn nhân của hai vụ quấy rối tình dục thời thiếu niên. Đến 10 năm trước, chúng lại trở thành nguồn cơn cho nỗi sợ hãi khác: Ung thư vú di truyền trong gia đình. Sau nhiều lần được thúc giục và thử nghiệm, việc loại bỏ một phần cơ thể mà cô không đặc biệt gắn bó có vẻ là cách phòng ngừa dễ thực hiện.

Nhưng cô đã khám phá ra nhiều thứ khi cắt bỏ cặp ngực của mình.

Bert và Ernie, Glenda và Brenda

Sau khi cắt bỏ ngực thật, Thornton thực hiện cấy ghép cặp ngực giả. Nhưng vài tháng sau, cô thấy "những kẻ mạo danh silicone" hoàn toàn xa lạ và vô tri, tới mức cô phải đặt tên cho từng bên túi ngực là Bert và Ernie. Tất cả cảm xúc của cô "chỉ là mớ hỗn độn xung quanh những gì đã mất và thứ đã đạt được".

"Bert và Ernie thực sự kỳ lạ đối với tôi - chúng to hơn bao giờ hết, chúng cứng và tôi không còn cảm giác ở núm vú nữa", cô nói.

Đó là lúc Thornton nhận ra cô chưa đánh giá hết tầm quan trọng của bộ ngực của mình.

 Thornton đã khám phá ra nhiều thứ sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực cách đây 6 năm. Ảnh: Jessica Christian / The Chronicle.

Thornton đã khám phá ra nhiều thứ sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật cắt bỏ ngực cách đây 6 năm. Ảnh: Jessica Christian / The Chronicle.

Cuộc khám phá của Thornton về ý nghĩa văn hóa của bộ ngực đã trở thành nội dung cho cuốn sách mới của cô, mang tên "Tits Up: What Sex Workers, Milk Bankers, Plastic Surgeons, Bra Designers, and Witches Tell Us About Breasts", được xuất bản vào ngày 7/5.

Thornton nói cô viết cuốn sách để giúp phụ nữ đánh giá lại bộ ngực của mình theo những cách tích cực. "Thực ra, tôi rất muốn đàn ông đọc cuốn sách này vì rất nhiều người trong số họ nghĩ rằng họ thực sự biết về ngực", cô nói.

Nữ tác giả chia sẻ sau khi hoàn thành cuốn sách vào tháng 11/2023, cô đã thực hiện một cuộc phẫu thuật khác. Cô đã loại bỏ Bert và Ernie, thay thế bằng Glenda và Brenda.

"Điều hay ho về Glenda và Brenda so với Bert và Ernie, là chúng nhỏ hơn, thoải mái hơn nhiều. Tôi thích những 'bé' ngực bây giờ. Tôi có thể mặc một số áo khoác cũ. Tối qua, tôi đã mặc một chiếc áo khoác mà tôi không thể mặc kể từ trước khi phẫu thuật lần đầu tiên", Thornton kể.

Thái độ của cô về bộ ngực của con người cũng hoàn toàn thay đổi.

Tình dục hóa bộ ngực

"Các nghiên cứu cho thấy hầu hết phụ nữ ở Mỹ đều không hài lòng với bộ phận này trên cơ thể mình. Và những ngày này tôi nghĩ 'Mọi người đang đùa tôi à?'. Đây là biểu tượng của phụ nữ và nó ở ngay dưới khuôn mặt của chúng ta, ở phía trước và ở giữa", cô chia sẻ sự biến chuyển trong góc nhìn của mình.

Trong cuốn sách của mình, Thornton lưu ý rằng phần lớn sự không hài lòng mà phụ nữ cảm thấy bắt nguồn từ áp lực họ phải có một bộ ngực phù hợp với ý tưởng cụ thể về sức hấp dẫn.

 Sự thiếu hài lòng của phụ nữ đối với bộ ngực của mình có thể xuất phát từ áp lực phải có bộ ngực đẹp theo tiêu chuẩn. Ảnh: @kyliejenner/Instagram.

Sự thiếu hài lòng của phụ nữ đối với bộ ngực của mình có thể xuất phát từ áp lực phải có bộ ngực đẹp theo tiêu chuẩn. Ảnh: @kyliejenner/Instagram.

Vào đầu thế kỷ XX, không phải ngực, đôi chân phụ nữ mới là thứ được tôn sùng nhiều nhất. Phụ nữ đã mặc váy dài suốt thế kỷ XIX, đến thế kỷ XX đã có sự thay đổi căn bản trong trang phục nữ giới - đôi chân của họ đã lộ ra sau Thế chiến thứ nhất. Nhưng lúc đó người ta cũng chỉ thường nhìn thấy từ đầu gối trở xuống.

Đôi chân của nữ diễn viên, vũ công kiêm ca sĩ Betty Grable (sinh năm 1916, mất năm 1973) đã được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Đó một phần là chiêu trò quảng cáo, nhưng cũng bởi đó là tài sản của bà.

Mọi thứ thay đổi sau Thế chiến thứ hai. Có sự thay đổi trong ảnh bìa của Hollywood và cách xuất bản tạp chí. Nhưng điều rất quan trọng là sự gia tăng của sữa bột trẻ em.

"Bạn có thể thấy có mối tương quan giữa các sản phẩm thay thế sữa mẹ và xu hướng tình dục hóa bộ ngực, bởi vì nếu một đứa trẻ sở hữu một bộ ngực, điều đó sẽ làm gián đoạn quyền sở hữu bộ ngực của đàn ông".

Xu hướng tình dục hóa bộ ngực trong thời đại ngày này cũng dẫn đến sự phổ biến của phẫu thuật nâng ngực. Nhưng sự ám ảnh của con người đối với bộ ngực to đã có sự thay đổi.

"Tôi không nghĩ (ngực) to là tốt nhất nữa. Tôi có thể nói rằng phẫu thuật bơm ngực đã đạt đỉnh điểm vào năm 2007, có cảm giác bộ ngực siêu to khổng lồ bây giờ trông đã lỗi thời", nữ tác giả phân tích.

Theo Thornton, ngày nay, xu hướng phẫu thuật ngực cũng nghiêng nhiều hơn về tầng lớp lao động.

Ví dụ, trong một nghiên cứu, một bộ phận phụ nữ thuộc tầng lớp lao động ở Anh coi ngực giả như một hình thức tiêu dùng mang lại cho họ địa vị và tín hiệu rằng họ là phụ nữ độc lập, luôn thu hút ánh nhìn của nam giới. Tương tự như vậy, một nhóm phụ nữ Brazil vươn lên từ nghèo khó muốn mọi người biết rằng họ bơm ngực như một biểu hiện của thành tựu tài chính.

Ngực phụ nữ trong các nền văn hóa

Toàn bộ quan điểm cho rằng ngực to là tiêu chuẩn sắc đẹp lý tưởng đặc biệt có ở người Mỹ và có thể lan rộng khắp châu Mỹ.

Nhưng ở nơi khác, ví dụ châu Á, tục bó ngực đã có lịch sử rất lâu đời. Và những người phụ nữ quyến rũ nhất đều có bộ ngực phẳng. Có thể thấy điều đó trong trang phục của một geisha Nhật Bản.

"Ở Châu Phi, tôi tham khảo một tác phẩm điêu khắc của bộ tộc Dogon, nhưng bạn cũng có thể thấy điều này trong truyền thống thẩm mỹ của các bộ lạc khác: kiểu ngực giống dao găm, phần ngực nhọn hướng xuống dưới, là tiêu chuẩn sắc đẹp và nó hoàn toàn liên quan đến việc cho con bú", Thornton phân tích.

Những người sống ở vùng khí hậu nóng bức không có xu hướng che ngực, dù nam hay nữ, và ngực không bị tình dục hóa trong các nền văn hóa đó. Vú được tôn vinh chủ yếu nhờ chức năng dinh dưỡng và miễn dịch. Và tính khêu gợi của nó là một kiểu "nhập khẩu đồi trụy".

 Bộ ngực còn là sợi dây kết nối giữa người mẹ và em bé sơ sinh. Ảnh: Emily Ratajkowski/Instagram.

Bộ ngực còn là sợi dây kết nối giữa người mẹ và em bé sơ sinh. Ảnh: Emily Ratajkowski/Instagram.

Trong cuốn sách của mình, Thornton cũng đề cập đến những truyền thuyết và biểu tượng liên quan đến bộ ngực trong nhiều tôn giáo lớn.

"Ở miền Nam Ấn Độ, người ta quan niệm núm vú là con mắt thứ 3. Điều đó cực kỳ hấp dẫn, bởi vì tôi đã không nhận ra núm vú của mình có tri giác và sống động như thế nào cho đến khi tôi mất hết mô vú và các dây thần kinh dẫn đến núm vú cũng bị cắt đứt".

Chúng ta cũng biết rằng mối quan hệ giữa mẹ và con hoàn toàn là mối quan hệ mang tính giao tiếp - nước bọt, nhiệt độ cơ thể của trẻ sơ sinh và mọi thứ về trẻ sơ sinh trong quá trình bú sữa đều nằm trong một vòng phản hồi với cơ thể người mẹ và sữa mẹ sẽ điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ sơ sinh.

Kiểu giao tiếp giữa các cá nhân qua bộ ngực này đã được xác nhận bởi các nghiên cứu y học. "Một học giả về sữa mà tôi có nhắc trong cuốn sách gọi đây là 'giao tiếp vật chất'. Tôi thực sự thực sự yêu thích thuật ngữ đó", Thornton nói.

Đinh Phạm

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tai-sao-chung-ta-am-anh-voi-vong-mot-post1476656.html