Không quân Ấn Độ IAF từng là một trong những lực lượng không quân được trang bị tốt nhất ở châu Á, nhưng khả năng hoạt động của lực lượng này đã liên tục suy giảm trong hai thập kỷ qua.
Từ duy trì đủ 42 phi đội vào năm 2002, IAF giảm xuống chỉ còn 30 phi đội vào năm 2021. Việc bổ sung thêm hai phi đội chiến đấu cơ Rafale, cũng không giúp giải quyết được nhiều vấn đề thiếu hụt máy bay.
Đây là nguyên nhân tạo ra sự mất cân bằng về khả năng chiến đấu của không quân giữa Ấn Độ và hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan; và nếu xảy ra một cuộc chiến trên hai mặt trận cùng lúc, có thể khiến quân đội Ấn Độ đến thất bại.
Nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ấn Độ, dẫn đến những hạn chế về tài chính cho IAF, là nguyên nhân chính cản trở mọi nỗ lực hiện đại hóa lực lượng này.
Đến năm 2024, Ấn Độ dự kiến sẽ cho loại biên những phi đội tiêm kích MiG-21 Bis cuối cùng và sự thay thế sẽ chỉ gồm một vài phi đội máy bay hạng nhẹ Tejas do Ấn Độ tự chế tạo; điều này sẽ làm giảm thêm sức mạnh của IAF.
Việc bổ sung 36 máy bay phản lực Rafale (hiện đang tiến hành), đang được ca tụng như một thành tựu quan trọng, có thể làm nghiêng cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực? Nhưng các chuyên gia cho rằng, khẳng định như vậy là hơi “ảo tưởng”.
Bộ chỉ huy Chiến khu Tây Bộ của Trung Quốc, nơi được cho là sẽ đối đầu với Ấn Độ trong một cuộc chiến có thể xảy ra, được biên chế cứng hơn 200 máy bay chiến đấu (cả hiện đại và kiểu cũ). Khi tình huống chiến tranh với Ấn Độ, Trung Quốc có thể điều máy bay từ các khu vực khác đến tăng cường.
Mặt khác, 350 máy bay chiến đấu của Pakistan cũng đặt ra một thách thức đáng kể và mối đe dọa tổng hợp từ cả hai phía, có thể tạo ra một tình thế áp đảo cho Ấn Độ.
Hơn nữa, Trung Quốc và Pakistan sử dụng số lượng máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm (AWACS) nhiều hơn Không quân Ấn Độ. Nên nhớ, máy bay AWACS giúp nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của máy bay chiến đấu trong bất kỳ trận không chiến nào; trong khi máy bay tiếp dầu nâng cao tầm hoạt động của chúng.
Trong hai thập kỷ qua, Chính phủ Ấn Độ đã ít chú ý đến tầm quan trọng của những chiếc AWACS, và với cách tiếp cận lấy lực lượng Lục quân làm trọng tâm để bảo vệ quốc gia, yêu cầu của lực lượng không quân đã bị gạt ra ngoài.
Nhà phân tích các vấn đề chiến lược của Ấn Độ Abhijit Iyer Mitra cho rằng, IAF cũng cần “soi” lại chính họ, khi có những đòi hỏi không nhất quán và không có một chiến lược rõ ràng. Đặc biệt là đòi hỏi trang bị những chiến đấu cơ quá với khả năng chịu đựng của nền kinh tế Ấn Độ.
“Trong bất kỳ lực lượng không quân hiện đại nào, khoản đầu tư đầu tiên là con người chứ không phải là vũ khí. Việc đầu tư vào vũ khí phải bắt kịp với đầu tư vào con người. Nhưng IAF làm hoàn toàn ngược lại”, ông Abhijit phân tích thêm.
Các chuyên gia khác thì cho rằng, việc Ấn Độ tập trung quá mức vào lực lượng Lục quân, với tư cách là lực lượng tuyến đầu bảo vệ đất nước, là lý do khiến IAF ít được chú ý đến.
Ngoài những lý do trên, còn những lý do khác nữa liên quan đến sức mạnh của IAF, chẳng hạn như việc phân bổ ngân sách, việc quan liêu liên quan đến mua sắm, thiếu quyết đoán và những thứ khác.
Các chiến trường trên thế giới đã thay đổi. Theo các nhà phân tích quân sự, các cuộc chiến tranh hiện đại sẽ diễn ra ít hơn với các lực lượng trên bộ và nhiều hơn bởi các vũ khí trên không. Do đó, trọng tâm sẽ phải được chuyển sang hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của lực lượng không quân.
Nhưng khả năng sẵn sàng chiến đấu của không quân Ấn Độ ngày càng giảm sút và là mắt xích yếu nhất của lực lượng vũ trang nước này. Đây là vấn đề đau đầu của lãnh đạo Quân đội nước này. Nguồn ảnh: ArmForce.
Ấn Độ tiếp nhận 5 chiến đấu cơ Rafale từ Pháp với tham vọng, đưa lực lượng không quân vượt tầm khu vực, vươn lên tầm thế giới. Nguồn: Vietnamplus.
Tiến Minh