Tại sao cổ phiếu nhà phân phối Xiaomi ở Việt Nam tăng hơn 500%?
CEO Đoàn Hồng Việt cho rằng nguyên tắc diễn biến của giá cổ phiếu là đi theo đà tăng trưởng doanh nghiệp và năm 2020 là lúc nhà đầu tư đã nhìn ra Digiworld.
“Với việc trở thành siêu cổ phiếu năm 2020, Digiworld đã đem đến sự phồn vinh cho tất cả cổ đông chúng tôi. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ông Đoàn Hồng Việt và ban lãnh đạo cũng như toàn thể nhân viên Digiworld” là chia sẻ đầu tiên của nhà đầu tư trong phần thảo luận tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 6/4 của Digiworld.
Có lẽ tất cả cổ đông công ty này đều có chung tâm trạng phấn khởi như nhà đầu tư trên khi giá cổ phiếu tăng hơn 500% trong 1 năm qua. Đóng cửa phiên 6/4, cổ phiếu DGW của Digiworld giao dịch ở vùng giá 124.700 đồng.
Một năm trước, thị giá DGW chưa đến 20.000 đồng. Từ ngày lên sàn vào tháng 8/2015 đến trước tháng 6/2020, giá cổ phiếu này thậm chí chưa bao giờ vượt nổi mốc 30.000 đồng.
‘Nhà đầu tư đã nhìn ra Digiworld’
Chia sẻ với Zing, Tổng giám đốc Digiworld Đoàn Hồng Việt cho rằng sở dĩ cổ phiếu công ty tăng hơn 5 lần trong năm qua vì nhà đầu tư trước đó chưa nhận ra Digiworld. Những năm trước, dù tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 40-50%, giá cổ phiếu công ty chỉ loanh quanh mức 20.000 đồng.
Theo ông Việt, giá chứng khoán sẽ dao động theo hình sin tương quan với đường biểu diễn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Do đó, khi lợi nhuận một công ty tăng trưởng tốt thì cổ phiếu cũng sẽ đi lên theo đà này.
Vì vậy, mục tiêu quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp là giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận. “Kỳ vọng 10 năm tới của chúng tôi là tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Chuyện gì đến sẽ phải đến khi công ty tăng trưởng như vậy. Đây cũng là áp lực khi quy mô ngày càng lớn”, ông Việt chia sẻ với cổ đông.
Năm ngoái, Digiworld đạt doanh thu 12.700 tỷ, tăng 47% so với năm liền kề và lợi nhuận sau thuế 267 tỷ, tăng tới 62%. Bình quân 5 năm gần nhất, tốc độ tăng trưởng kép của công ty là 35% mỗi năm. Ông Việt cho rằng trong năm 2020 khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lớn đi lùi, Digiworld vẫn có tốc độ tăng trưởng cao cũng có thể là yếu tố được nhà đầu tư đánh giá cao.
Về kế hoạch 2021, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu 15.200 tỷ, cao hơn 20% so với 2020 và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ, tăng 12%. Ông Việt chia sẻ sau quý I, doanh thu ước tính của công ty đã đạt 5.000 tỷ, tăng 117% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế của 3 tháng đầu năm dự kiến là 105 tỷ, tăng 133% so với quý I/2020. Như vậy, kết quả quý I của Digiworld đã hoàn thành 1/3 chỉ tiêu cả năm.
Digiworld là một trong 3 nhà phân phối sản phẩm công nghệ (ICT) lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp phân phối độc quyền sản phẩm Xiaomi ở thị trường trong nước. Từ đầu năm 2021, Digiworld còn bắt đầu phân phối các sản phẩm của Apple tại Việt Nam.
Chia cổ tức cổ phiếu để nhà đầu tư dễ tiếp cận hơn
Với thị giá hơn 120.000 đồng, định giá cổ phiếu DGW theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cơ bản mỗi cổ phần) đang ở mức hơn 19 lần. Còn P/E hiện tại của VN-Index khoảng gần 18 lần, theo VNDS.
Ông Việt cho rằng định giá của Digiworld không hề cao so với mặt bằng chung. Lý do là P/E của DGW tương đồng với thị trường nhưng năm vừa qua công ty tăng trưởng hơn 50% trong khi nhiều doanh nghiệp trên sàn chỉ tăng 5-7%.
Ngoài ra, CEO Digiworld nhấn mạnh nhà đầu tư cần quan tâm chỉ số PEG ngoài P/E. PEG là định giá cổ phiếu dựa trên tỷ lệ P/E chia tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mỗi cổ phiếu. PEG của DGW đang thấp hơn 1 và ông Việt cho rằng như vậy định giá cổ phiếu vẫn còn thấp.
Năm nay, Digiworld có kế hoạch chia cổ tức lên tới 110% bao gồm 10% tiền mặt (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng) và 100% bằng cổ phiếu. Như vậy, mỗi cổ đông của Digiworld sẽ được nhận số cổ phiếu thưởng đúng bằng lượng cổ phần đang sở hữu. Vốn điều lệ công ty theo đó cũng sẽ tăng gấp đôi.
Theo ông Việt, việc chia cổ tức cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông mà giúp thị giá cổ phiếu DGW thấp hơn. Nhà đầu tư sẽ có cảm giác giá cổ phiếu rẻ đi và qua đó thanh khoản giao dịch có thể tăng lên.
CEO này cho rằng việc giá cổ phiếu tăng cao sẽ có lợi cho nhân viên khi được mua cổ phiếu thưởng (ESOP) với giá chỉ 10.000 đồng. Nhân viên công ty sẽ nhận được khoản chênh lệch rất cao từ giá mua ưu đãi và giá thị trường, qua đó gắn bó với công ty. “Còn với cá nhân tôi, giá cổ phiếu tăng không có ý nghĩa nhiều vì tôi đâu bán ra”, ông Việt nói với Zing.
Ông Việt đồng thời nhấn mạnh công ty không có mục tiêu chào bán cổ phần khi giá cao. Có những đối tác muốn đầu tư vào Digiworld nhưng doanh nghiệp phải cân nhắc họ có thể đem lại lợi ích gì. “Digiworld còn tiền mặt nhiều, đủ tài chính để tăng trưởng 40-50%/năm nên chưa có nhu cầu huy động vốn”, ông Việt cho hay.