Tại sao điểm thi nhảy nhót?

Liên quan đến những bất thường sau phúc khảo bài thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thái Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) của tỉnh đã bị đình chỉ công tác để phục vụ thanh tra. Vụ việc này khiến dư luận băn khoăn về sự minh bạch trong chấm thi và chất lượng tuyển sinh đầu vào bậc THPT hiện nay.

Thời gian qua, sức ép tuyển sinh lớp 10 tại nhiều địa phương luôn là vấn đề được quan tâm. Thực tế cho thấy, tại Hà Nội và TPHCM tuyển sinh vào lớp 10 còn “nóng” hơn cả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ). Hiện chỉ có một số địa phương xét tuyển vào lớp 10 như Cà Mau, Đồng Tháp, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai… trong khi phần lớn các tỉnh, thành vẫn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10.

Tỉnh Thái Bình phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ tháng 3/2024. Trong kỳ thi này, các thí sinh thi 3 môn: Toán và Ngữ văn (tự luận), Tiếng Anh (trắc nghiệm). Ngày 16/6, sau khi kết thúc kỳ thi và công bố điểm thi, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên một số trường THCS trong tỉnh Thái Bình đã bất ngờ và bức xúc bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài của thí sinh. Rất nhiều thí sinh đã đề nghị phúc khảo bài thi. Thống kê cho thấy có gần 2.000 lá đơn phúc khảo của những phụ huynh khác thắc mắc về kết quả điểm thi vào lớp 10 năm 2024 tại Thái Bình. Và kết quả phúc khảo điểm thi đã khẳng định nhiều bài thi của thí sinh bị chấm sai. Sau khi phúc khảo, điểm các môn, đặc biệt là môn Toán, Văn chênh lệch rất cao so với điểm số chấm trước đó. Đơn cử như có thí sinh điểm thi môn Toán được 3 điểm nhưng sau khi phúc khảo, kết quả đạt 9 điểm. Thậm chí, có thí sinh từng đạt giải Nhì môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng chỉ được 5,5 điểm, kết quả phúc khảo của thí sinh được 9,5 điểm…

Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ thanh tra việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn. Hiện phụ huynh ở tỉnh Thái Bình và dư luận rất mong chờ kết quả thanh tra rõ việc, rõ vi phạm.

Trên thực tế, tiêu cực thi cử suy cho cùng không phải là chuyện riêng của kỳ thi nào. Những tiêu cực như chúng ta đã và đang thấy chứng tỏ quy trình thi cử còn có kẽ hở. Từ đó có thể nhìn ra một vấn đề lớn hơn là công tác tổ chức thi vẫn chưa thực sự nghiêm túc. Hơn thế, những vụ việc tiêu cực thi cử lặp lại sẽ dẫn tới sự mất lòng tin của người học, của dư luận với môi trường giáo dục.

Cho dù mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp ở bậc học THCS đã được đặt ra từ lâu, nhưng theo phân tích từ các chuyên gia, do cách làm hình thức, làm nửa vời… nên vẫn có tới hơn 90% học sinh và phụ huynh muốn con em mình học tiếp lên bậc THPT. Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành giáo dục trong việc cải tiến thi cử. Song những sự cố sau các kỳ thi đã cho thấy, không phải ai cũng thực sự làm hết trách nhiệm với công việc mà mình được giao phó. Quy chế thi cử, quy định, quy trình có tốt và chặt chẽ đến mức nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu người thực hiện cố tình vi phạm. Trong khi hoạt động cốt lõi của giáo dục là dạy và học, thi cử vốn là hoạt động phái sinh để đánh giá hiệu quả của quá trình đó. Công tác khảo thí tốt sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên thực chất hơn, chứ không thể quyết định chất lượng giáo dục.

Năm 2024 - 2025, học sinh lớp 9 sẽ là lứa đầu tiên thi vượt cấp lên lớp 10 THPT theo chương trình GDPT mới. Giờ đây, năm học mới đã cận kề, thầy trò nhiều địa phương đều ngóng phương án thi lớp 10, vì chương trình GDPT 2018 mới có sự khác biệt so với chương trình GDPT 2006 trước đây. Nhưng đến thời điểm này, học sinh, phụ huynh vẫn chưa thể hình dung phương án thi ra sao. Một số Sở GDĐT cho biết, lý do đến thời điểm này địa phương chưa có phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình mới vì chờ hướng dẫn chung của Bộ GDĐT.

PGS.TS Đặng Quốc Thống - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho rằng, khi xây dựng chương trình mới, ngành giáo dục cần chủ động cả phương án thi để các địa phương, nhà trường chủ động, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” sẽ gây áp lực lớn cho học sinh và phụ huynh, nhất là trong bối cảnh kỳ thi tuyển lớp 10 của các thành phố lớn có lượng thí sinh dự thi rất đông và tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tai-sao-diem-thi-nhay-nhot-10287096.html