Lý do Ấn Độ đưa ra là con tàu quá cũ, thay vào đó, họ triển khai chương trình đóng tàu sân bay nội địa và tiếp nhận chiếc INS Vikramaditya được hoán cải từ tàu tuần dương hàng không cũ mua từ Nga.
Tuy nhiên giới phân tích chỉ ra rằng, lý do thực sự của việc từ chối là do chi phí mua tiêm kích F/A-18E/F từ Mỹ quá cao, vượt quá khoản dự chi cho tàu sân bay của Ấn Độ lúc đó.
USS Kitty Hawk có khả năng triển khai tối đa tới 85 máy bay các loại, trong đó có 40 tiêm kích hạm F/A-18E/F, khi cần thiết có thể tăng thêm tới hơn 50 chiếc.
Như vậy để duy trì hoạt động thường xuyên tàu sân bay này New Delhi sẽ phải mua khoảng 60 chiếc F/A-18E/F. Trước đó Ấn Độ đã buộc phải mua 45 chiếc MiG-29K, trong khi tàu sân bay nước này mua từ Nga chỉ có khả năng triển khai 24 chiếc.
Giá thị trường thời điểm 2008 của F/A-18E/F vào khoảng 61 triệu USD/chiếc, số tiền Ấn Độ phải bỏ ra sẽ vào khoảng 3,6 tỷ USD cho 60 chiếc F/A-18E/F.
Chính vì điều này mà Ấn Độ đã thẳng thừng từ chối lời đề nghỉ của Mỹ để nhận chiếc tàu sân bay INS Vikramaditya Nga với chi phí bỏ ra chỉ 974 triệu USD theo thỏa thuận của hai nước trước đó.
Nhưng cũng từ đây mà cơn thử thách đối với Ấn Độ đã bắt đầu. Thay vì năm 2008 họ được nhận tàu sân bay theo thỏa thuận từ Nga thì mãi tới cuối năm 2013 Ấn Độ mới được nhận con tàu này. Lúc này giá trị hợp đồng đã lên tới 2,35 tỷ USD thay vì 974 triệu USD.
Chưa hết Ấn Độ vẫn phải bỏ ra tới 2,2 tỷ USD cho 45 chiếc MiG-29K để chúng có thể hoạt động trên con tàu sân bay mới tiếp nhận từ Nga.
Như vậy để INS Vikramaditya hoạt động, Ấn Độ đã phải chi số tiền lên tới 4,55 tỷ USD. Một cái giá "khá chát" cho một tàu sân bay cũ cải biên và chỉ có lượng giãn nước chỉ 44.500 tấn.
Thay vì rẻ hơn so với việc nhận tàu sân bay Mỹ thì Ấn Độ đã phải trả một số tiền lớn hơn nhiều và tàu sân bay INS Vikramaditya với MiG-29K cũng bị đánh giá yếu hơn tàu sân bay USS Kitty Hawk với tiêm kích F/A-18E/F.
Nếu so sánh với USS Kitty Hawk trọng tải lớn hơn 82.200 tấn thì INS Vikramaditya 44.500 tấn lép vế hoàn toàn. Tàu sân bay Mỹ sử dụng hệ thống đường băng với máy phóng hơi nước hiện đại và cho phép máy bay tiêm kích hạm có thể mang tải trọng vũ khí lớn hơn nhiều.
Trong khi những tiêm kích hạm F/A-18E/F của Mỹ có tải trọng tối đa lên tới hơn 8 tấn thì MiG-29K lại chỉ có tải trọng hơn 6 tấn. Ngoài ra dùng máy phóng hơi nước giúp tầng suất cất cánh cao hơn nhiều so với cất cánh kiểu nhảy cầu.
Tàu sân bay này của Mỹ được hạ thủy vào năm 1960 và đi vào biên chế một vài năm sau đó. Trong khi đó chiếc Đô đốc Gorshkov tiền thân của tàu INS Vikramaditya được đóng vào năm 1987.
Điều đặc biệt nếu như tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ hoạt động liên tục và được đại tu thường xuyên thì chiếc Đô đốc Gorshkov của Nga trước khi được cải tiến thành INS Vikramaditya lại có 8 năm bị "bỏ xó" trong cảnh mùa đông khắc nghiệt. Cuối cùng là số máy bay triển khai trên tàu Mỹ cũng lớn hơn gấp đôi so với tàu Nga.
Rõ ràng tuổi đời cao của USS Kitty Hawk không phải là điểm yếu trong quyết định của Ấn Độ, thứ nhất tàu vẫn đang hoạt động thời điểm Mỹ đề nghị tặng, thứ hai chất lượng đóng tàu chiến của Mỹ vẫn vào loại tốt nhất thế giới. Nhiều chiếc tàu chiến của Mỹ sau khi loại biên cũng rất khó để đánh chìm do kết cấu quá chắc chắn.
Nếu có được tàu sân bay USS Kitty Hawk, hải quân Ấn Độ sẽ sở hữu tàu sân bay mạnh nhất châu Á, mạnh hơn rất nhiều so với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện tại.
USS Kitty Hawk nhập biên chế năm 1961 và đã trải qua 3 lần đại tu vào năm 1977, 1982 và 1998.
USS Kitty Hawk có chiều dài 326m, sường ngang 80m, mớn nước 12m. Để cơ động tàu được trang bị khối động cơ 280.000 mã lực. Với động cơ này giúp tàu sân bay di chuyển với tốc độ 61km/h, tầm hoạt động 19.000 km.
Thủy thủ đoàn và phi công lên đến 5.624 người. Để phòng thủ, tàu sân bay Mỹ được trang bị nhiều lớp vũ khí bao gồm tên lửa Sea Sparrow, RIM-116, Phalanx CIWS...
Tàu có thể trang bị tối đa 85 máy bay các loại. Đây là tàu sân bay mạnh nhất của Mỹ trước khi lớp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ra đời.
Ngày nay khi INS Vikramaditya đi vào hoạt động với phi đội tiêm kích MiG-29K không được như kỳ vọng, dự án tàu sân bay tự đóng trong nước thì liên tục trễ hẹn do vướng mắc về công nghệ, điều này khiến Ấn Độ nhìn sang siêu tàu sân bay USS Kitty Hawk với niềm tiếc nuối lớn.
Việt Hùng