Tại sao đường ống Nord Stream-1 Nga lại chọn tuabin phương Tây?
Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và phương Tây đang diễn ra quyết liệt, vậy tại sao đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-1 của Nga, lại chọn tuabin phương Tây?
Vào ngày 25/7, Gazprom công ty khai thác và bán khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Nga đã thông báo rằng, một tuabin do công ty Siemens (Đức) chế tạo, tại trạm nén "Portovaya" sẽ ngừng hoạt động.
Vì vậy, kể từ ngày 27/7, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua Nord Stream-1 (Dòng chảy Phương Bắc số 1)", sẽ không vượt quá 33 triệu mét khối mỗi ngày, bằng khoảng 20% công suất truyền dẫn của đường ống này.
Trước đó, Gazprom đã cắt giảm công suất đường ống xuống còn 40%, sau khi một tuabin được gửi đến Canada để bảo dưỡng, nhưng không được trả lại vì lệnh cấm vận đối với Nga.
Vậy những tuabin lớn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đường ống này? Tại sao đường ống này của Nga lại sử dụng tuabin sản xuất ở phương Tây?
Tờ Kommersant của Nga ngày 26/7 đưa tin, hiện tại Nga vận hành tổng cộng 8 tổ máy nén khí (bao gồm tuabin và máy nén) tại trạm máy nén Portovaya, trong đó có 6 tuabin Siemens SGT-A65 (dựa trên thiết kế của động cơ máy bay Rolls) và 2 tuabin SGT-A35 có công suất yếu hơn.
Ở chế độ bình thường, trạm này phải có 6 tuabin hoạt động, 5 trong số đó đang hoạt động và 1 ở chế độ dự phòng sẵn sàng. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Nord Stream-1" là đường ống dẫn khí đốt chính nối trực tiếp từ Nga sang Đức và châu Âu, qua Biển Baltic.
Các tuabin tại Trạm máy nén khí Portovaya, có nhiệm vụ tăng áp suất khí đốt cho đoạn chạy dưới đáy Biển Baltic, từ Portovaya (gần Vyborg) qua Biển Baltic đến bờ biển Gravesvall German (gần Đức).
Hãng tin DW của Đức cho biết, vì tuabin từ lâu đã trở thành vấn đề chính trị lớn giữa Nga với châu Âu và Mỹ; vì vậy, các công ty Nga, đã được chính phủ Nga giao nhiệm vụ thiết kế và chế tạo các tuabin mới công suất lớn, để thay thế các thiết bị cũ của nước ngoài.
Năm 2017, một tuabin nguyên mẫu được phát triển ở Nga, nhưng đã thất bại trong các cuộc thử nghiệm.
Wetham, chuyên gia về tua bin hơi và khí tại Đại học RWTH Aachen ở Đức cho biết, việc phát triển các tua-bin lớn đòi hỏi rất nhiều tiền, với chi phí ban đầu lên tới hàng trăm triệu USD.
Ông Wetham nói thêm rằng, Nga có công nghệ chế tạo tuabin cho nhà máy điện, mặc dù nó không phải là công nghệ mới nhất, lớn nhất hoặc hiệu quả nhất; nhưng điều quan trọng là liệu Nga có thể dựa trên công nghệ này, để chế tạo ra các tuabin lớn, hay phát minh ra những tuabin mới?
Ngoài chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) khổng lồ, việc phát triển các tuabin mới, có công suất lớn, đòi hỏi sự phát triển khoa học chuyên sâu và thử nghiệm lâu dài.
Matthias Zellinger, chuyên gia của Liên đoàn chế tạo máy Đức cho biết, các tuabin khí lớn ngày nay là một trong những loại máy phức tạp nhất và các rào cản kỹ thuật để gia nhập thị trường này rất cao. Hiện thị trường toàn cầu cho các tuabin lớn, hiện đang nằm trong tay bốn nhà sản xuất lớn ở các nước G7.
Ngoài những trở ngại về kỹ thuật và tài chính, còn có những rủi ro thương mại trên con đường phát triển các tua-bin như vậy.
Zellinger cho biết, nhu cầu tuabin đã giảm xuống còn khoảng 100 chiếc một năm. Đó là lý do tại sao GE và Siemens đang tìm cách cắt giảm hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực sản xuất tuabin lớn.
DW phân tích: Điều này có nghĩa là các nhà phát triển tuabin của Nga phải đối mặt với một thị trường đang thu hẹp với tình trạng thừa công suất trầm trọng. Tuy nhiên, Chính phủ Nga không kỳ vọng các kỹ sư sẽ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh quốc tế, mà Nga quan tâm hơn đến thị trường nội địa.
Tuy nhiên Bộ Năng lượng Nga cho biết, nhu cầu đối với các tuabin công suất lớn của Nga không quá cao, chỉ từ một đến ba chiếc mỗi năm. Do vậy, từ góc độ kinh tế, việc Nga đầu tư nghiên cứu và sản xuất từ 1 đến 3 tuabin lớn mỗi năm cho thấy, đây sẽ là một hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Nhưng trên quan điểm chính trị và ngoại giao, Nga phải độc lập trong chế tạo các tuabin lớn, để không còn cảnh phụ thuộc vào phương Tây; đồng thời có thể xuất sang một số quốc gia "không thân thiện" với phương Tây như Iran.