Tại sao EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ mà người dân phải gánh giùm tiền điện?

Có câu 'kinh doanh lời ăn lỗ chịu', vì vậy trước thông tin giá điện sắp tới có thể gánh thêm khoản lỗ của EVN khiến nhiều người băn khoăn: 'Tại sao EVN lỗ mà người dân phải gánh tiền điện giùm?'. Trong khi đó, Bộ Công Thương lý giải, theo quy định của Luật Giá, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý.

Dự thảo mới nhất sửa đổi Quyết định 24 của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó đáng chú ý có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Giá bán điện cần có lợi nhuận hợp lý

Cụ thể, công thức tính giá điện bình quân ngoài các chi phí của khâu phát, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ còn tính thêm các yếu tố gắn với giá thành sản xuất như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ. Các thông số mới được bổ sung sẽ lấy căn cứ trên báo cáo tài chính được kiểm toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Công thức tính giá bán lẻ bình quân có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Công thức tính giá bán lẻ bình quân có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Đánh giá tác động của sự thay đổi trên, Bộ Công Thương cho biết, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định kết quả kiểm tra giá thành kinh doanh điện là một trong những cơ sở để xây dựng phương án giá bán điện bình quân. Giá điện các năm qua đã được EVN xây dựng và Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát trên cơ sở đảm bảo có xem xét đến kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm quá khứ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ, trong công thức tính giá bán lẻ điện bình quân chưa thể hiện rõ mối liên hệ này. Mặt khác, do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới đã tăng cao từ giữa quý I/2022, dẫn đến làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu nhập khẩu hoặc có giá nhiên liệu tham chiếu theo giá thị trường.

Chi phí mua điện tăng cao nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (đã tính đến các khoản doanh thu và thu nhập khác từ hoạt động cho thuê cột điện và hoạt động tài chính).

Giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước 2022, gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN. Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4/5/2023 (là mức tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định số 24 và thấp hơn so với kết quả tính toán) đã giải quyết một phần khó khăn cho tình hình tài chính và dòng tiền của EVN.

Bộ Công Thương cho rằng, với việc kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 bị lỗ và chi phí năm 2023 tiếp tục bị dồn tích do mức điều chỉnh giá điện chưa đủ thu hồi chi phí đầu vào hình thành giá, trong khi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể về việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch, gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương dẫn Luật Giá năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định nguyên tắc định giá của Nhà nước là “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Như vậy, căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, Bộ Công Thương nêu quan điểm, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Lo giá điện tăng sốc vì sự thay đổi

Góp ý với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, việc lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện).

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện cho phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, EVN có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện để báo cáo Bộ Công Thương xem xét, tính bổ sung vào giá bán lẻ điện, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về điện lực và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, hàng năm, Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra chi phí giá thành (chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN); việc rà soát, kiểm tra, phê duyệt các chi phí này do Bộ Công Thương thực hiện.

Mặt khác, qua rà soát Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không có quy định nội dung về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định với nội dung này. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị bỏ nội dung trên.

Thực tế, ngoài khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng trong năm 2022 do biến động quá cao của giá nhiên liệu cho phát điện, EVN còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.

Như vậy, lỗ sản xuất kinh doanh 2022 và chênh lệch tỷ giá của EVN dồn từ các năm chưa được hạch toán lên khoảng hơn 40.000 tỷ đồng. Trong khi giá bán đầu ra tăng 3% từ ngày 4/5 chưa thể giúp EVN bớt căng thẳng về dòng tiền. Ước tính với giá điện tăng 3%, EVN thu khoảng 8.000 tỷ đồng trong 7 tháng cuối năm 2023, mức này bằng 1/5 số lỗ và chênh lệch tỷ giá ghi nhận của EVN.

Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại, nếu tính thêm khoản lỗ, giá điện có thể được điều chỉnh tăng sốc trong thời gian tới, chưa kể tính minh bạch của các khoản lỗ trên. Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR), việc bổ sung và hạch toán các khoản lỗ treo lại của EVN trong công thức tính giá cần được đánh giá kỹ lưỡng, trong đó cần làm rõ vai trò của EVN khi đánh giá, dự báo về xu hướng giá, hoạt động quản lý, đàm phán mua điện của các nhà cung cấp để góp phần giảm lỗ.

Theo ông Việt, trong bối cảnh suy giảm tổng cầu thế giới, nếu để giá điện tăng sốc sẽ tác động rất lớn tới doanh nghiệp và người dân, do đó cần tránh tăng giá điện quá mạnh nếu bổ sung các khoản lỗ của EVN trong công thức tính giá.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tai-sao-evn-lo-hang-chuc-nghin-ty-ma-nguoi-dan-phai-ganh-gium-tien-dien-1095094.html