Tại sao Facebook và Instagram chặn tin tức ở Canada?
Meta đã lên kế hoạch cắt quyền truy cập tin tức trên Facebook và Instagram đối với tất cả người dùng ở Canada sau khi luật mới yêu cầu các ông lớn công nghệ (Big Tech) phải trả tiền cho các tổ chức báo chí có hiệu lực.
Một trong những lý do mà Meta đa ra là tin tức không có giá trị kinh tế đối với công ty, và người dùng của họ không sử dụng các nền tảng của họ để xem tin tức. Trước đó, Canada đã đề xuất dự luật trên sau khi các nhà xuất bản tin tức cáo buộc rằng các Big Tech đã “bóp nghẹt báo chí” trong thị trường quảng cáo trực tuyến.
Tại sao các Big Tech phản đối dự luật?
Quốc hội Canada đã thông qua dự luật có tên là Bill C-18", hay Đạo luật Tin tức Trực tuyến, nhằm yêu cầu các Big Tech trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức ở nước này. Nó buộc các nền tảng như Facebook và Google phải đàm phán các thỏa thuận thương mại và trả tiền cho các nội dung báo chí xuất hiện trên các nền tảng công nghệ này.
Cả Meta và Google đã cảnh báo rằng họ sẽ rút quyền truy cập vào các bài báo trên nền tảng của họ ở Canada nếu luật được thông qua mà không sửa đổi. Facebook cho biết các liên kết đến các bài báo chiếm ít hơn 3% nội dung trên nguồn cấp dữ liệu của người dùng và các nhà báo được hưởng lợi từ việc đăng tác phẩm của họ trên nền tảng truyền thông xã hội.
Google đã lập luận rằng luật của Canada rộng hơn luật được ban hành ở Úc và châu Âu, đồng thời đặt giá cho các liên kết tin tức được hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Google đã đề xuất sửa đổi là lấy việc hiển thị nội dung tin tức, thay vì các liên kết, làm cơ sở thanh toán; đồng thời chỉ định rằng chỉ những tổ chức báo chí tuân thủ các tiêu chuẩn báo chí mới đủ điều kiện nhận thanh toán.
Điều gì đã xảy ra khi đạo luật tương tự ở Úc có hiệu lực?
Google và Facebook cũng đã đe dọa cắt giảm dịch vụ của họ sau khi Úc trở thành quốc gia đầu tiên ban hành luật tương tự vào năm 2021. Cuối cùng, cả hai đã đạt được thỏa thuận với các tổ chức báo chí và truyền thông của Úc sau khi luật được sửa đổi.
Trong cuộc chiến, Facebook cũng đã cắt quyền truy cập vào các trang tin tức của Úc trên nền tảng của họ và chỉ khôi phục chúng sau khi chính quyền Úc nhượng bộ.
Tuy nhiên, trong năm sau khi luật có hiệu lực, Meta và Google đã trả khoảng 200 triệu đô la Úc (134 triệu USD) hàng năm cho các hãng tin của Úc, theo một báo cáo từ cơ quan quản lý cạnh tranh của Úc.
Tác động toàn cầu của nó có thể sẽ như thế nào?
Các nhà lập pháp đang thúc đẩy các quy tắc tương tự ở bang California, quê hương của Meta và tại Quốc hội Mỹ. Meta cho biết họ kiếm được 40% doanh thu, tương đương 117 tỷ đô la vào năm ngoái, ở Mỹ, Úc, Canada và một số thị trường trọng điểm khác.
Bởi vậy, nếu Meta hay Google không thể thay đổi được đạo luật tin tức nói trên ở Canada, gã khổng lồ công nghệ có thể phải đối mặt với số phận tương tự ở Mỹ.
Vào năm 2022, các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra một phiên bản sửa đổi của dự luật nhằm giúp các tổ chức tin tức dễ dàng đàm phán chung với các nền tảng như Google và Facebook.
Chính phủ New Zealand cho biết vào năm 2022, họ cũng sẽ đưa ra luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Google hay Facebook phải trả tiền cho các tổ chức báo chí và truyền thông ở nước này về nội dung tin tức địa phương xuất hiện trên nguồn cấp dữ liệu của họ.
Hoàng Hải (theo Reuters)