Tại sao giá cà phê sôi sục từ đầu tháng 8-2022?

Thị trường cà phê trong nước sôi sùng sục khi giá chạm mức cao nhất tính từ hơn 6, 7 năm nay đạt quanh 50 triệu đồng mỗi tấn, tương đương với 2.100 đô la Mỹ/tấn.

Thời gian gần đây, người trong thị trường cà phê xuất khẩu cho biết giá trong nước không nhất thiết phải “vâng lời” sàn phái sinh London. Tuy vậy, tác động của nhiều yếu tố từ nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới là Việt Nam đã làm dậy sóng giá trên sàn kỳ hạn này.

Thật vậy, chỉ trong vòng hai tuần đầu tháng 8, tính trên giá đóng cửa, giá cà phê robusta phái sinh sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, tăng 241 đô la Mỹ/tấn (2.020-2.261 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 11-2022). Sàn arabica New York đồng thanh tương ứng, giá cùng thời kỳ giao dịch cũng tăng 12,40 cts/lb (222,40-210 cts/lb) hay tăng 273 đô la/tấn.

Giải mã đợt tăng

Có lẽ cần nói ngay rằng giá cà phê trên hai sàn phái sinh robusta và arabica tăng mạnh đợt vừa qua chẳng phải vì sản lượng cà phê thế giới giảm. Brazil đã thu hoạch gần hết cà phê niên vụ 2022-2023. Tính đến cuối tuần trước, chừng 90% diện tích cà phê đã được hái xong. Nếu dựa trên mức ước báo sản lượng của nhà môi giới và tư vấn Safras&Mercado (Brazil), hiện nước sản xuất đứng đầu thế giới đang có trong tay gần 55 triệu bao cà phê (cả robusta lẫn arabica) tính trên con số 61,1 triệu bao dự báo cho niên vụ 2022-2023 do đơn vị này đưa ra. Cũng cần hiểu rằng còn khá nhiều người tin sản lượng niên vụ mới của Brazil có thể lớn hơn, một số phóng tới trên 70 triệu bao.

Diễn biến 5 năm lượng tồn kho cà phê đạt chuẩn (nguồn CTA)

Diễn biến 5 năm lượng tồn kho cà phê đạt chuẩn (nguồn CTA)

Chỉ khi tồn kho đạt chuẩn (certified stocks) trên sàn arabica giảm nhiều, giá cà phê mới bắt đầu có biến động mạnh và lần này là có lợi cho người trồng.

Cà phê đạt quy chuẩn chất lượng và đóng gói theo yêu cầu của các sàn giao dịch mới được quyền đấu giá trên sàn. Chính vì vậy, lớp tồn kho này thường được các nhà kinh doanh và môi giới dùng để làm giá trên sàn tùy theo lượng sàn báo nhiều hay ít.

Thế mà, tính từ đầu niên vụ đến nay, không chỉ mức tồn kho đạt chuẩn arabica mà của robusta cũng giảm. Cụ thể tính đến 11-8 tồn kho đạt chuẩn robusta London là 97.860 tấn và arabica New York giảm còn 571.905 bao hay 34.314 tấn. Đây là mức thấp nhất tính từ hơn 23 năm qua của sàn arabica. Còn so với đầu kỳ 01 tháng 10-2021, bấy giờ tại London là 122.900 tấn và New York là 2.076.557 bao hay 124.593 tấn.

Nhiều người cứ tưởng đợt tăng giá vừa qua là do dịch Covid-19 kéo dài và giá cước tàu biển còn cao. Những tác động vừa kể tuy có nhưng chưa phải là trực tiếp cho đợt tăng giá khá chớp nhoáng vừa qua trên hai sàn cà phê.

Giá hàng thực tránh quan hệ với giá niêm yết

Trước tiên, tin báo hàng cà phê đạt chuẩn arabica lưu kho tại châu Âu được các nhà kinh doanh chuyển sang bán tại thị trường tự do ở Mỹ làm dậy sóng thị trường. Tại đây, thay vì các nhà kinh doanh châu Âu phải bán theo giá chuẩn của sàn với những ràng buộc giấy tờ và thủ tục nghiêm ngặt mà lại chủ yếu ở mức trừ rất rẻ, thì họ bán cho các nhà rang xay Mỹ – những người đang sẵn sàng mua với giá cao hơn cả hàng chục, thậm chí hàng trăm đô la mỗi tấn. Thị trường hấp dẫn ấy đã kéo tồn kho arabica giảm không phanh. Người này lôi kéo người khác đưa hàng đi, nay tồn kho đạt chuẩn arabica giảm đã quá mức báo động.

Thường thị trường báo động đỏ khi tồn kho giảm về mức một triệu bao tức 60.000 tấn. Giá chỉ lao đao trở lại khi tồn kho đạt chuẩn tăng lên dần một cách bền vững. Hiện sàn arabica báo cho biết đang có gần 200.000 bao đang chờ kiểm định chất lượng đạt chuẩn. Như vậy, một khi số lượng cà phê đạt chuẩn tăng đều trở lại trong chừng năm bảy ngày, thì rủi ro giá xuống là không tránh khỏi trên sàn New York.

Không như arabica, lượng cà phê robusta đạt chuẩn cũng giảm nhưng theo cách riêng. Người trên thị trường thấy giá sàn này chỉ tăng nhanh trong những ngày cuối của tuần thứ hai tháng 8-2022 khi London mất con số 100.000 tấn. Tuy vậy, cơ hội cho lượng cà phê đạt chuẩn robusta tăng hiện còn rất bấp bênh. Nguồn cung ứng cà phê loại này từ Việt Nam đang ít dần. Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 7 năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu gần 114.000 tấn, giảm 17% so với tháng 6 trước đó.

Cung ứng hạn chế có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Lượng cà phê còn tồn trong tay nhà vườn ít do Việt Nam đã đến cuối vụ nên hạn chế cà phê đưa vào kho London. Nhưng nguyên nhân này vẫn chưa thuyết phục bằng thực tế giá cà phê xuất khẩu hiện nay từ Việt Nam lên rất cao. Nếu như đầu năm 2022, nhiều nhà xuất khẩu trong nước bán với giá trừ 450/400 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB), thì hiện nay giá thực tế xuất khẩu cho loại 2, tối đa 5% đen bể đạt ngang bằng thậm chí cộng 20 đô la/tấn cao hơn so với giá niêm yết. Nếu lấy giá đóng cửa London ngày 12-8, mức giá xuất khẩu tính theo đô la là 2.281 đô la và theo tiền Việt Nam là chừng 54,75 triệu đồng/tấn.

Với mức này, không ai dám đưa hàng sang đấu giá trên sàn vì giá bán quy định là trừ 30 đô la/tấn điều kiện người bán trả cước tàu và bảo hiểm (CIF). Khi giá xuất khẩu ở mức trừ vài ba trăm đô la trở lên, phí tổn còn chịu được, nhưng nếu xuất bán cho sàn theo thực tế hiện nay, nhà kinh doanh phải lỗ đến 400-500 đô la/tấn.

Nhiều nhà kinh doanh quốc tế cho biết thà bán hàng tại chỗ còn hơn đưa qua sàn thêm lỗ.

Chính vì thế, thị trường cà phê robusta trong nước và trên sàn robusta London dự kiến sẽ còn nhiều chộn rộn theo chiều hướng vững và khả năng ra năm 2023 càng tách dần khỏi ràng buộc về giá của sàn này, nhất là khi giá đầu vào sản xuất và tái đầu tư còn rất cao.

Nguyễn Quang Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tai-sao-gia-ca-phe-soi-suc-tu-dau-thang-8-2022/