Một trong những điều trớ trêu về cán cân quân sự trên bán đảo Triều Tiên là hiện nay, Hàn Quốc sử dụng nhiều xe tăng Nga hiện đại hơn Triều Tiên; nhưng đây là yếu tố do lịch sử để lại.
Vào đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga phải nhận khoản nợ 1,5 tỷ USD mà Hàn Quốc đã cho Liên Xô vay trước đó. Một thỏa thuận xử lý nợ đã được thực hiện, Nga sẽ đưa một số loại vũ khí, để đổi lấy việc Hàn Quốc giảm 50% số nợ trước kia, trong đó có xe tăng T-80U, thuộc loại hiện đại nhất của Liên Xô.
Một câu hỏi thú vị đặt ra là Quân đội Hàn Quốc, vốn được tổ chức theo kiểu Quân đội Mỹ, nhưng lại sử dụng vũ khí khác hệ; trong khi hiện nay, T-80U không hiện đại bằng xe tăng K1-A1 và K1-A2, nhưng tại sao Hàn Quốc vẫn sử dụng số vũ khí mà Nga đã gán nợ trước kia?
Hiện nay ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã sản xuất được đạn pháo cho xe tăng của họ, kể cả đạn xuyên giáp dưới cỡ; nhưng đạn của T-80U, Hàn Quốc vẫn phải nhập khẩu từ Nga, nếu chiến tranh xảy ra, nếu Nga ngừng cung cấp đạn cho Hàn Quốc, rất có thể số xe tăng T-80U này chỉ là đống sắt không hơn, không kém.
Trong khi đó, xe tăng K2 do Hàn Quốc chế tạo là một trong những loại xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất trên thế giới, sở hữu nhiều tính năng hiện đại mà T-80U không có; nhưng hiện nay, số T-80U vẫn là phương tiện bọc thép quan trọng trong biên chế của Quân đội Hàn Quốc.
Hiện nay, số T-80U cũng không giành được sự tin tưởng quân đội Hàn Quốc, không chỉ phải nhập đạn, mà còn các loại phụ tùng thay thế, Hàn Quốc vẫn phải nhập khẩu từ Nga (trừ xích T-80U hiện Hàn Quốc tự sản xuất); vì vậy lãnh đạo Quân đội Hàn Quốc đang xem xét loại bỏ T-80U để cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên T-80U cũng có những ưu điểm so với xe tăng của Hàn Quốc chế tạo, đó là động cơ của T-80U có hiệu suất tăng tốc tốt hơn và có trọng lượng nhẹ hơn các loại động cơ xe tăng hiện có trong biên chế của Quân đội Hàn Quốc, do xe sử dụng động cơ là loại tuabin khí; nhưng loại động cơ này cũng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn.
Do xe tăng Liên Xô có thiết kế truyền thống nhỏ bé, nên xe thường có trọng lượng nhẹ, cho T-80U khả năng cơ động tốt với địa hình đối núi ở Hàn Quốc; nhưng chiều ngược lại, bên trong xe T-80U thường chật chội, kém tiện nghi hơn so với K1-A1 và K2; ngoài ra, T-80U còn kém hơn xe tăng nội địa, cả về độ chính xác và khả năng xuyên phá của đạn pháo.
Tuy nhiên, những người phê phán tăng T-80U phải nắm vững lịch sử; nên nhớ rằng, phải đến tận đến năm 2001, phiên bản nâng cấp của xe tăng K1 là K1-A1 mới đưa vào biên chế trong Quân đội Hàn Quốc; còn nếu so sánh T-80U với phiên bản K1, là loại xe tăng tiên tiến nhất cùng thời điểm với số T-80U nhập biên vào quân đội Hàn Quốc, thì T-80U có tính năng kỹ chiến thuật vượt xa các phiên bản K1 do Hàn Quốc chế tạo. Ảnh: Xe tăng K1-A1 của Hàn Quốc.
T-80U sử dụng pháo 125 mm, trong khi đó phiên bản K1 sử dụng pháo 105 mm; giáp phòng hộ của T-80U cũng tiên tiến hơn của K1, và T-80U là loại xe tăng tiên tiến nhất trên Bán đảo Triều Tiên khi chúng mới xuất hiện.
Mặc dù hiện nay xe tăng T-80U không còn là loại tiên tiến nhất trong Quân đội Hàn Quốc, nhưng không thể phủ nhận được vai trò của nó trong một giai đoạn lịch sử nhất định; chính T-80U là nhân tố đóng góp cho sự thành công của dự án K2 Black Panther khi nó còn ở giai đoạn sơ khai.
Trong một so sánh kỹ thuật thuần túy, T-80U tụt lại phía sau K1A1 và K1A2 khi các phiên bản nội địa của Hàn Quốc nhận được sự nâng cấp thường xuyên. Xe tăng T-80U vẫn sử dụng kính nhìn toàn cảnh ngày/đêm PNK-4S, trong khi đó K1-A1 và K2 đều sử dụng kính ảnh nhiệt, cho quan sát chiến trường trong mọi điều kiện, kể cả trong khói bụi.
Với khả năng của nền công nghiệp quốc phòng, Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện đại hóa xe tăng T-80U, nhưng vì đây là mẫu xe tăng khác hệ, nên Hàn Quốc không có ý định nâng cấp số xe tăng T-80U hiện có. Cùng với đó là chi phí bảo trì và khai thác xe tăng sử dụng động cơ tuabin quá tốn kém, do vậy Hàn Quốc khả năng khai thác hết niên hạn số xe tăng này và tiến hành loại khỏi biên chế và chỉ sử dụng loại xe tăng do nền công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.
Video Hàn Quốc viện trợ cho Việt Nam nhiều tàu Quân sự để bảo vệ chủ quyền - Nguồn: QPVN
Tiến Minh