Tại sao học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10?

Phụ huynh và giáo viên cho rằng, việc học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 là một thiệt thòi rất lớn cho các thí sinh.

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa mới ban hành chỉ có 4 trường hợp học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10. Đối với học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố của Hà Nội nằm ngoài nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 THPT công lập. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không được cộng điểm ưu tiên sẽ gây thiệt thòi cho một số thí sinh khi các em đã rất nỗ lực trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.

Là một phụ huynh có con đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn Vật lý, anh Thanh Tùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, để được có mặt trong danh sách đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố, trước đó, các con và thầy cô ở trường và quận đã có nhiều buổi ôn luyện rất vất vả.

"Trải qua vòng trường, đỗ vòng quận và nằm trong danh sách 10 bạn đại diện của quận đi thi cấp thành phố, các con đã phải đi ôn luyện nhiều buổi tập trung do phòng giáo dục và đào tạo quận tổ chức. Thời điểm đó, ngoài việc vẫn phải theo học các môn học ở trường như bình thường thì các con phải "cày" ngày đêm cho môn thi đội tuyển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những phụ huynh có con đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố như tôi cảm thấy rất đáng tiếc không chỉ với học sinh mà cả với nhà trường nơi các con đang theo học khi không có chính sách ưu tiên, khuyến khích với những đối tượng học sinh này khi thi vào lớp 10 (cả chuyên và không chuyên)", anh Thanh Tùng chia sẻ.

"Nếu có các chính sách cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố sẽ động viên các em nhiều hơn bởi các em không chỉ đầu tư mất rất nhiều thời gian mà còn rất nhiều nỗ lực. Hơn nữa, những học sinh đoạt giải đều là những học sinh được tuyển chọn kỹ, có năng lực và các con xứng đáng được động viên sau thời gian dài đầu tư ôn luyện", chị T. Vân Trang – phụ huynh có con đoạt giải Nhì học sinh giỏi thành phố môn Sinh học cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, là một giáo viên ôn luyện trực tiếp đội tuyển học sinh giỏi lớp 9, cô Thu Hằng cho rằng, không chỉ học sinh mà cả giáo viên và các bậc phụ huynh đã phải trải qua một chặng đường rất vất vả để đạt được giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố vừa qua. "Tôi thấy đây là một bất cập và thiệt thòi rất lớn đối với học sinh đoạt giải cấp tỉnh/thành phố. Để đạt được thành tích cao, mỗi em đều đã nỗ lực rất lớn. Nếu có chế độ cộng điểm ưu tiên với những học sinh này, tôi thấy đều xứng đáng và phần nào cũng khiến học sinh, phụ huynh và cả những giáo viên ôn luyện đội tuyển như chúng tôi cảm thấy công sức của mình được ghi nhận".

Theo thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), khi bỏ quy định cộng điểm ưu tiên với học sinh đoạt giải các môn văn hóa trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố cũng khiến phong trào thi học sinh giỏi tại các trường bị giảm sức hấp dẫn. Tuy nhiên, quy định này cần được cân nhắc, xem xét và có sự thống nhất, rõ ràng giữa các địa phương.

"Công tác khảo thí có tác động rất lớn đến học sinh. Không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đều có tỷ lệ chọi rất cao. Ở góc độ quản lý, điều quan trọng nhất là đảm bảo công bằng và có kế hoạch rõ ràng, sớm ban hành quy định để cha mẹ, học sinh có định hướng. Việc cộng điểm cũng là chính sách khuyến tài quan trọng giúp học sinh yêu thích bộ môn đó hơn, bên cạnh đó, đây cũng là kết quả kép giúp tuyển được học sinh giỏi vào các trường THPT và cũng là cơ hội để các bộ môn có học sinh chuyên trong giai đoạn sắp tới", thầy Nguyễn Cao Cường cho biết.

Cô Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, thực tế một số năm qua, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam bị hao hụt khá nhiều học sinh giỏi do học sinh lớp 9 của trường đoạt giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp TP đã chọn Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên để học sau khi được tuyển thẳng. Điều này gây khó cho công tác chọn lọc, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường về sau... "Giới chuyên môn nên sớm phân tích, đánh giá để có hình thức phù hợp nhằm khuyến khích, động viên với đối tượng là học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trên cơ sở đảm bảo công bằng cho tất cả các em".

Theo đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đối tượng được công điểm ưu tiên và tuyển thẳng tại Kỳ thi vào lớp 10 là quy định chung trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT được áp dụng với các kỳ tuyển sinh THCS và THPT trên cả nước chứ không riêng gì của Hà Nội.

4 trường hợp học sinh được tuyển thẳng

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa mới ban hành, có 4 trường hợp học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10.

Thứ nhất, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (huyện Ba Vì) đã tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường này.

Thứ hai, học sinh là người dân tộc rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên. Đó là các học sinh thuộc một trong 16 dân tộc gồm: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thèn, La Hủ.

Thứ ba, học sinh khuyết tật, là học sinh bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng không bình thường khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Thứ tư, học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-hoc-sinh-gioi-cap-tinh-thanh-pho-khong-duoc-cong-diem-uu-tien-khi-thi-vao-lop-10-169230412090242529.htm