Tại sao học sinh trung học ở Mỹ đi làm thêm ngày càng nhiều?
Thiếu lao động ở khu vực dịch vụ và tiền lương cơ bản tăng, trong khi học sinh muốn có trải nghiệm hoặc kiếm thêm thu nhập là những lý do học sinh trung học ở Mỹ đi làm thêm ngày càng nhiều.
Xu hướng đảo ngược khi ngày càng nhiều học sinh Mỹ đi làm thêm
Kể từ cuối những năm 1970, tỷ lệ thanh thiếu niên trên thị trường lao động Mỹ đã giảm đều đặn. Đây là kết quả của tỷ lệ nhập học tăng, kết hợp với những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ bỏ học ở học sinh trung học và chuyển sang các công việc có kỹ năng cao hơn.
Thêm vào đó, trước đại dịch COVID-19, học sinh phải làm bài tập về nhà nhiều gấp đôi so với giữa những năm 1990. Điều này khiến họ có ít thời gian để giao tiếp xã hội và đi làm thêm. Đồng thời, việc vào đại học cũng trở nên cạnh tranh hơn khiến nhiều học sinh ưu tiên một loạt các hoạt động khác như thể thao, học nhóm, thậm chí luyện thi SAT, thay vì làm việc bán thời gian.
Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh trung học Mỹ tham gia lực lượng lao động từ sớm. Họ đi làm thêm sau giờ học trên trường hoặc vào kỳ nghỉ hè. Điều này đã làm thay đổi các chuẩn mực văn hóa và đảo ngược xu hướng thế hệ trẻ ở tuổi thanh thiếu niên không đi làm thêm trước đây.
So với trước đại dịch COVID-19, Mỹ hiện có thêm ít nhất 250.000 thanh thiếu niên đang đi làm thêm. Một phần của sự thay đổi này là hệ quả tất yếu khi việc làm tại các nhà hàng và cửa hàng đang được thúc đẩy.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, năm ngoái, 37% thanh niên từ 16-19 tuổi có việc làm hoặc đang tìm việc, tỷ lệ cao nhất trong 14 năm trở lại đây.
"Họ tràn đầy năng lượng và sẵn sàng làm việc, đây không phải điều thường thấy ở thế hệ trước", Nilo Gonzalez, chủ một cửa hàng pizza ở Albuquerque, New Mexico, cho biết. Từ chỗ vắng bóng người trẻ, ông đã thuê 3 người, chiếm 1/4 nhân sự cửa hàng.
Học sinh Mỹ đi làm thêm để độc lập về tài chính
Sau thời gian đóng cửa vì COVID-19, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống bên ngoài, mua sắm và du lịch của người dân Mỹ. Thế nhưng, việc này không dễ vì hàng triệu lao động ngành dịch vụ đã bỏ việc để tìm cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn, buộc các nhà tuyển dụng phải tìm nguồn lao động mới đó là thanh thiếu niên.
Ngoài ra, tiền lương được tăng cũng là động lực để nhiều học sinh đi làm hơn. Năm ngoái, theo Ngân hàng dự trữ liên bang Atlanta, người trong độ tuổi 16-24 được tăng lương nhiều nhất (9,8%), gần gấp đôi mức tăng của người lao động nói chung (5,6%).
Jennifer Fichamba, cố vấn trường Trung học Foster, cho biết, việc thành phố Tukwila, Washington, tăng mức lương tối thiểu lên 18,99 USD/giờ vào tháng 7 năm ngoái đã tạo ra làn sóng quan tâm của học sinh với việc làm.
"Nhiều học sinh ở trường có xu hướng đi làm để giúp đỡ gia đình, nhưng việc tăng lương đã khuyến khích nhiều học sinh 14 và 15 tuổi hơn. Một số học sinh nhận việc tại trung tâm mua sắm, các cửa hàng thời trang hoặc bồi bàn tại nhà hàng", cô Jennifer nói.
Còn đối với học sinh cấp ba, cơ hội việc làm ập đến ngay sau thời gian dài học trực tuyến khiến nhiều người háo hức muốn trở lại "thế giới thực", sẵn sàng làm việc để được trả lương.
Các em có nhiều lý do để đi làm, bao gồm mong muốn độc lập tài chính, thử những điều mới mẻ và lạm phát cũng là một yếu tố chính. Theo những học sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp, đi làm thêm để giúp bố mẹ trả tiền thuê nhà và một số dịch vụ. Cũng nhiều em kiếm thêm thu nhập để trả tiền xăng dầu, bảo hiểm xe hay đi chơi cùng gia đình và bạn bè.
Reilly Dunlap bắt đầu làm việc tại một cửa hàng lưu niệm ở thành phố Traverse, Michigan, ngay sau khi cô bước sang tuổi 16. Cô học sinh trung học làm việc 3-4 buổi tối/tuần và kiếm được 16 USD/giờ - cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu ở địa phương và đủ để chi trả tiền xăng, bảo hiểm cho chiếc xe hơi của mình.
"Công việc mang đến cho tôi nhiều sự tự do. Việc có thêm thu nhập giúp tôi có thể tự mua những thứ mình thích mà không cần phải phụ thuộc vào bố mẹ nữa. Hầu như bạn bè của tôi cũng đang đi làm thêm", Reilly Dunlap chia sẻ.
Ở Wichita, Caleb Newfer, 18 tuổi, kiếm được 10 USD/giờ khi đi làm thêm tại sở thú. Học sinh này kiếm được nhiều hơn khoảng 20% so với cách đây 2 năm, khi làm công việc đầu tiên tại một cơ sở nuôi chó.
"Khi đại dịch bắt đầu, tôi chỉ mới 14 tuổi và cũng là lúc bắt đầu muốn kiếm tiền. Khi có thời gian rảnh, tôi muốn đi làm thêm bởi thu nhập có được đã giúp tôi có thể tự đổ xăng và dành ra một khoản tiết kiệm cho việc đi học đại học", Caleb Newfer cho hay.
Học sinh có nên đi làm thêm?
Theo Steve Schneider, cố vấn trường Trung học phổ thông Nam Sheboygan ở Wisconsin thì điều này có lợi cho cả học sinh và cộng đồng. Do đó, nhiều chính quyền địa phương đã rót hàng triệu USD tài trợ liên quan đến COVID-19 để củng cố các chương trình việc làm cho thanh niên trong mùa hè trên khắp đất nước, với hy vọng giảm tỷ lệ tội phạm và giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng.
Ngoài ra, sự quan tâm của học sinh với chương trình học nghề, liên quan đến các ngành như tài chính, sản xuất và chăm sóc sức khỏe, đã tăng 4 lần sau đại dịch.
"Các em nhận ra mình có thể vừa kiếm tiền, vừa có những trải nghiệm ý nghĩa cho sự nghiệp", ông nói.
Grace Wang (18 tuổi) đã làm ở một quán trà sữa gần 2 năm, mỗi tuần làm một ca vào Chủ nhật. Grace nhìn nhận công việc pha chế đã giúp cô hiểu thêm về ngành Kinh doanh.
"Tôi muốn kinh doanh, và tôi nghĩ việc có kinh nghiệm bán lẻ là rất cần thiết để hiểu cách thức hoạt động của ngành này", cô nói.
Đi làm thêm từ sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo làm việc khi còn đi học có những rủi ro đi kèm. Học sinh có nguy cơ bị bóc lột sức lao động, ảnh hưởng đến kết quả học tập và có ít thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt khi chỗ làm thiếu người.
Ở Arizona, Connor Naughton (17 tuổi) đã bỏ học cấp ba vào năm ngoái và làm một công việc tạm thời là sơn nhà với mức lương 14,50 USD/giờ. Hiện Connor phải đi học để lấy cả bằng lái xe và bằng tốt nghiệp trung học. Học sinh này cũng đang nộp đơn xin việc tại địa phương với hy vọng có thể làm việc ở rạp chiếu phim, quán cà phê hoặc cửa hàng tạp hóa.
Theo Washington Post, kể từ năm 2020, các công ty thức ăn nhanh ở Mỹ đã lên kế hoạch bất hợp pháp cho hàng nghìn thanh thiếu niên làm việc muộn, nhiều giờ và vận hành các thiết bị nhà bếp nguy hiểm.
Xu hướng này đang diễn ra khi một số bang đang thực hiện các bước nới lỏng các biện pháp bảo vệ lao động trẻ em. Ví dụ, ở Arkansas, thanh thiếu niên không còn cần sự chấp thuận của cha mẹ mới được đi làm thêm. Còn ở New Jersey gần đây đã ra phán quyết rằng, trẻ vị thành niên có thể làm việc tới 6 giờ mà không nghỉ ngơi.
Tính đến tháng 10/2023, Bộ Lao động Mỹ phát hiện gần 5.800 trẻ em bị bóc lột sức lao động, nhiều hơn 88% so với năm 2019.
Nguồn: The Washington Post