Tại sao Indonesia, đội ĐNÁ đầu tiên dự World Cup vẫn khao khát HCV SEA Games?
Indonesia không giấu giếm tham vọng đổi màu huy chương SEA Games, từ Bạc thành Vàng để giải cơn khát kéo dài đã 31 năm. Ở một đất nước coi bóng đá là tôn giáo, những năm đằng đẵng chờ đợi ấy thực sự là một nỗi đau.
Có một thực tế không thể phủ nhận, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang đánh mất sự hứng thú với SEA Games. Nhưng không phải với Indonesia. Tương tự bầu không khí sôi động của chủ nhà Việt Nam, các trang web lớn của xứ sở vạn đảo đều dày đặc tin bài, thậm chí mở chuyên mục riêng về sự kiện Thể thao lớn nhất khu vực. Dĩ nhiên, sự quan tâm lớn nhất của họ vẫn là bóng đá.
Với hơn 260 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên trái đất. Đất nước này bao gồm khoảng 17.000 hòn đảo với hơn 700 ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau, đồng thời rất đa dạng về tôn giáo cũng như chồng chéo các hệ thống tín ngưỡng khác nhau.
Sự đồng nhất duy nhất ở Indonesia là bóng đá. Bóng đá với họ như hơi thở. Khi gặp nhau, thay vì hỏi “ăn cơm chưa”, họ nói, “đêm qua xem MU với Liverpool không?”. Như chính cố HLV Alfred Riedl, dù nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam, khi qua Indo vẫn phải thốt lên: “Đây là quốc gia cuồng bóng đá”.
Xét về lịch sử, bóng đá du nhập vào xứ vạn đảo không sớm hơn các quốc gia khác trong khu vực. Nhưng họ có thể tự hào rằng đã được trải nghiệm bầu không khí World Cup. Không chỉ vậy, còn là đội châu Á đầu tiên và đội ĐNÁ duy nhất cho đến nay làm được điều này.
Trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1945, Indonesia là thuộc địa của Hà Lan và mang tên gọi Đông Ấn Hà Lan. Vào năm 1938, World Cup đón chào các lục địa khác tham gia bữa tiệc và tìm kiếm các đại diện từ châu Á. Do Nhật Bản rút lui và Mỹ, đối thủ ở trận play-off liên lục địa cũng từ chối tham dự, Đông Ấn Hà Lan nghiễm nhiên góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Tại giải đấu được tổ chức tại Pháp, các đội bốc thăm đá loại trực tiếp. Đông Ấn Hà Lan gặp ngay Hungary hùng mạnh và nhận kết quả thua 0-6. Bị loại, họ lập tức đi vào lịch sử với tư cách đội chơi ít nhất trận nhất lịch sử World Cup (1), một kỷ lục sẽ không bao giờ bị phá.
Sau ngày độc lập, tình yêu với bóng đá của người dân Indo chỉ có tăng chứ không có giảm. Thế nhưng chính vì đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng, bóng đá xứ vạn đảo ngập trong bạo lực. Cộng thêm sự yếu kém trong điều hành, thiếu minh bạch, tham nhũng và dàn xếp tỷ số, dù rất cuồng bóng đá nhưng Indonesia không thể bứt lên thành một thế lực.
Trong lịch sử AFF Cup, Indo là đội vào chung kết nhiều thứ 2 (5 lần) chỉ sau Thái Lan (8 ) nhưng lại chưa một lần vô địch. Tương tự là SEA Games. Sau 22 lần tham dự, Indo vào chung kết 7 lần, giành 2 Huy chương Vàng. 2 lần đăng quang hiếm hoi ấy là các năm 1987 và 1991, không phải khi giải đấu được dành cho đội U23.
Khi những gì nhận được không tương xứng với tình yêu trao đi, Indonesia rất ít kén chọn. Bất cứ đấu trường nào có thể mang lại danh hiệu đều nhận được sự quan tâm. Như tại SEA Games lần này, lãnh đội Ferry J. Kono cho biết đã nhờ cậy Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam để đảm bảo số lượng lớn người hâm mộ có mặt tại Việt Trì để cổ vũ thầy trò Shin Tae-yong. “Tất cả sẽ được huy động để các cầu thủ U23 Indo có cảm giác như chơi trên sân nhà”, ông nói.
Trong lễ xuất quân, Chủ tịch LĐBĐ Indo (PSSI) Mochamad Iriawan cũng tin tưởng U23 Indo sẽ làm nên chuyện ở SEA Games 31. “Tôi lạc quan rằng Garuda Muda (Tiểu thiên điểu - biệt danh của U23 Indo) sẽ đánh bại Việt Nam ở trận ra quân. Toàn đội đang ở trạng thái hoàn hảo sau kỳ tập huấn ở Hàn Quốc”, ông nói.
Trái ngược với tuyên bố đầy tự tin của Iriawan, báo chí Indo e ngại quá khứ đối đầu không mấy lạc quan với U23 Việt Nam ở SEA Games. Tròn 10 năm kể từ chiến thắng 2-0 trên sân nhà Gelora Bung Karno ở Jakarta tại SEA Games 26, Indo bất lực để đánh bại U23 Việt Nam một lần nữa. 4 lần chạm trán gần nhất, Indo chỉ kiếm được 1 trận hòa 0-0, còn lại thua 0-5, 1-2 và 0-3.
Lịch sử sẽ thay đổi ở kỳ SEA Games này? Rất khó, nhưng người Indonesia vẫn cứ mơ. Vì họ coi bóng đá như tôn giáo và miệt mài theo đuổi thành công.