Tại sao Iran quyết định không tham gia phản ứng cùng Hezbollah nhằm vào Israel?

Quyết định không tham gia phản ứng cùng Hezbollah sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran đã tiết lộ nhiều về chiến lược của Iran trong việc duy trì sự ổn định khu vực.

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei từng tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei từng tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Danny Citrinowicz, nghiên cứu viên tại Chương trình Iran thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) và từng là sĩ quan chỉ huy trong Cơ quan tình báo quốc phòng Israel ngày 27/8 nhận định rằng, quyết định của Iran không tham gia vào phản ứng cùng Hezbollah sau các vụ ám sát bị cáo buộc của Israel gần đây đã đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược của Tehran. Dù trước đó đã có dự báo về một phản ứng chung mạnh mẽ từ Iran và các lực lượng dân quân thân Iran trong khu vực, Iran lại chọn một con đường khác, phản ứng riêng lẻ thay vì phối hợp với Hezbollah. Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố chiến lược và chính trị phức tạp mà Tehran đang phải đối mặt.

Áp lực từ cả bên ngoài và bên trong

Sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, Iran đã phải chịu áp lực cực lớn từ các thế lực bên ngoài. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, đồng thời liên tục gửi các thông điệp cứng rắn từ các quan chức cấp cao, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, khẳng định quyết tâm bảo vệ Israel. Những tín hiệu này khiến Tehran lo ngại về khả năng một phản ứng quyết liệt có thể dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Điều này đã góp phần khiến Iran cân nhắc lại quyết định và chọn cách không tham gia vào phản ứng cùng Hezbollah.

Một yếu tố khác là những tranh cãi nội bộ trong chính quyền Iran về cách đối phó với vụ ám sát ông Haniyeh. Tổng thống Iran Mohammad Pezeshkian được cho là lo ngại về khả năng một chiến dịch quân sự khu vực sẽ dẫn đến hậu quả không thể kiểm soát. Sự chia rẽ này đã làm chậm quá trình ra quyết định và cuối cùng dẫn đến việc Tehran lên kế hoạch phản ứng riêng. Việc này không chỉ cho thấy sự thận trọng của Iran mà còn thể hiện những lo ngại sâu sắc về việc phá hủy mọi cơ hội ngừng bắn ở Gaza, đặc biệt khi sự hiện diện của Hamas tại Gaza đang bị đe dọa.

Quyết định của Iran không tham gia phản ứng cùng Hezbollah chắc chắn sẽ có tác động đến mối quan hệ với các nhóm dân quân thân nước này, đặc biệt là với Hezbollah. Các lực lượng thân Iran, vốn được hình thành dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Iran, Hezbollah và các nhóm liên quan, có thể bị ảnh hưởng bởi những khác biệt về chiến lược này.

Dù Tehran quyết định không tham gia phản ứng cùng Hezbollah, nhưng cam kết của Iran trong việc trả đũa Israel vẫn được bảo lưu. Các lãnh đạo Iran, bao gồm cả Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã khẳng định quyết tâm này, khiến Tehran khó có thể rút lui mà không hành động. Tuy nhiên, sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ trong khu vực và thời gian đã trôi qua kể từ vụ ám sát cho thấy Iran đang tìm cách giải quyết vấn đề một cách thận trọng hơn, tránh leo thang tình hình. Dù vậy, khả năng xảy ra một chiến dịch khu vực vẫn còn hiện hữu, và Tehran đang phải đối mặt với thách thức làm sao để đáp trả mà không đẩy tình hình ra khỏi tầm kiểm soát.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo inss.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tai-sao-iran-quyet-dinh-khong-tham-gia-phan-ung-cung-hezbollah-nham-vao-israel-20240828105942401.htm