Tại sao Israel hào hứng làm trung gian giữa Nga và Ukraine?
Nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine vừa có lợi cho vị thế cá nhân Thủ tướng Naftali Bennett, vừa giúp Israel đạt được một số mục tiêu chiến lược.
Ngày 6/3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố Tel Aviv sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, dù tỷ lệ thành công không cao.
Tuyên bố trên được ông Bennett đưa ra trong cuộc họp của nội các Israel sau khi có chuyến đi đến Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình tại Ukraine.
Thủ tướng Bennett không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc đối thoại tại Moscow, nhưng gọi nỗ lực trung gian hòa giải của nước này là “nhiệm vụ về mặt đạo đức”.
Tuy vậy, theo giới quan sát, động cơ mà ông Bennett hướng tới mang đậm màu sắc chính trị. Chuyến thăm có thể nâng cao vị thế của cá nhân ông, cũng như giúp Israel đạt được nhiều lợi ích mang tính chiến lược.
Nỗ lực hòa giải
Dù ông Bennett từng nhiều lần bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Ukraine, chuyến thăm của ông Bennett tới Moscow gây bất ngờ cho nhiều nhà quan sát.
Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp tới Moscow trong vai trò này, giữa lúc các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine chưa đạt được kết quả thực chất.
Tuy vậy, giới chức nước này cho biết chưa thể kỳ vọng vào một sự đột phá trên bàn đàm phán.
Trả lời Reuters, một quan chức Israel tiết lộ Tel Aviv đang điều phối các nỗ lực giải quyết khủng hoảng cùng Mỹ, Pháp và Đức. Theo Paris, ông Bennett có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước chuyến thăm tới Moscow để nghe thông tin về cuộc đối thoại giữa ông Macron và ông Putin.
Sau khi rời Moscow, ông Bennett tới Berlin để gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz, cũng như có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo trong những ngày qua.
Israel là một trong số ít quốc gia có quan hệ tốt với cả Moscow và Kyiv. Do đó, dù là đồng minh thân thiết của Mỹ, Israel không sốt sắng chỉ trích Nga và đưa ra các biện pháp cấm vận như các nước phương Tây. Thay vào đó, Tel Aviv cố gắng vừa không đẩy Nga ra quá xa, vừa không làm mất lòng Washington.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 2/3 tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về dự thảo nghị quyết lên án việc Nga tấn công Ukraine, Israel bỏ phiếu thuận. Tuy vậy, trong quãng thời gian trước đó, Israel cố gắng không chỉ trích Nga và cá nhân Tổng thống Putin quá gay gắt.
Ví dụ, hôm 24/2, ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nhận định đây là “sự vi phạm nghiêm trọng trật tự quốc tế”, nhưng không nhắc tới ông Putin. Khi khu vực gần đài tưởng niệm Babyn Yar ở Kyiv bị tấn công, ông Lapid bày tỏ sự lên án, nhưng cũng không chỉ đích danh Nga.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett được cho là cố gắng tránh sử dụng những từ ngữ như “Nga”, “ông Putin” và “lên án” cùng nhau để tránh khiến Moscow mếch lòng. Ông cũng do dự trước yêu cầu cung cấp vũ khí của Ukraine.
Israel có lợi ích trong việc giữ kênh hợp tác với Nga trong nhiều phương diện, trong đó có vấn đề tránh đụng độ ở Syria, đàm phán hạt nhân Iran hay bảo vệ cộng đồng người Do Thái ở Nga.
Bên cạnh đó, theo cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert, Israel cũng không thể lên tiếng quá mạnh mẽ vì nước này vẫn đang chiếm giữ một phần lãnh thổ của người Palestine.
Tính toán chính trị
Khi tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang ác liệt, Thủ tướng Bennett bày tỏ mong muốn làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kyiv và nhiều lần điện đàm với lãnh đạo hai nước. Ban đầu, ông thậm chí bị phe đối lập Israel chỉ trích vì tự dính líu vào cuộc xung đột vốn không liên quan tới Israel.
Tuy vậy, tới khi được mời đến Moscow, có lẽ ông Bennett sẽ được nhìn nhận theo cách khác. Ông đã làm được điều mà Pháp, Đức hay Mỹ chưa thể thực hiện: Gặp trực tiếp ông Putin để bày tỏ quan điểm và đề nghị làm trung gian hòa giải.
Trên tờ Haaretz của Israel, cây viết Amos Harel gọi hành động này là “một canh bạc lớn”. Tuy vậy, điều này phù hợp với tư duy “khởi nghiệp” của ông Bennett, người từng là đồng sáng lập một công ty phần mềm vào cuối thập niên 1990.
Nếu thành công, vị thế của ông Bennett sẽ được tăng cao, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Theo chuyên gia Esther Lopatin tại Đại học Tel Aviv, đây sẽ là thành tựu lớn đối với thủ tướng Israel.
“Ông ấy gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông ấy chịu sự chỉ trích của công chúng. Không ngờ rằng ông ấy có thể làm điều bất ngờ”, ông Lopatin nhận định.
Bên cạnh đó, Israel có nhiều lợi ích bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, trực tiếp cũng như gián tiếp: Syria, người Do Thái, và cả vấn đề hạt nhân Iran.
Bên cạnh theo dõi tình hình tại Ukraine, Israel cũng hướng tầm nhìn về cuộc đàm phán hạt nhân Iran tại thủ đô Vienna của Áo. Cuộc đàm phán đã đạt được một số tiến triển trong những tuần gần đây, và kết quả của nó có thể không khiến Tel Aviv hài lòng.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat hôm 28/2 lên tiếng cảnh báo có thể khiến việc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran tiến triển nhanh hơn. Ông cũng cảnh báo nguy cơ Iran tận dụng thời cơ để phát triển chương trình hạt nhân của mình.
Do không tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran, Israel chỉ có thể dựa vào việc tác động lên thành viên của nhóm “P5+1” (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức). Mối quan hệ tốt với Nga có thể giúp Israel vận động về những điều khoản thuận lợi hơn với mình.
Dù vậy, Israel và cá nhân Thủ tướng Bennett cũng đứng trước những thách thức nếu nỗ lực trung gian hòa giải thất bại, đặc biệt khi đây là một yêu cầu khó khăn. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ từng cố gắng ngăn chặn xung đột bằng ngoại giao, nhưng đều không thành công.
“Một mặt, ông ấy nâng cao vị thế trên trường quốc tế chỉ trong một đêm và ghi điểm bên trong Israel. Mặt khác, ông ấy chấp nhận rủi ro lớn, không chỉ với cá nhân mà còn với cả đất nước Israel và vị thế quốc tế của đất nước”, nhà bình luận Barak Ravid viết trên tờ Walla News của Israel.
“Thủ tướng đã lội qua vũng bùn Ukraine mà không biết rõ nó sâu nhường nào”, ông Ravid nhận định.