Tại sao Israel muốn chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas?
Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas đã kết thúc. Trước đó, các cuộc đàm phán căng thẳng đã tiếp tục diễn ra ở Qatar ngày 30/11 nhưng chỉ gia hạn thỏa thuận ngừng bắn được thêm 24 giờ.
Theo kênh Al Jazeera, ngày 1/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo nối lại chiến dịch quân sự trên Dải Gaza khi không kích và bắn đạn pháo ở thành phố Gaza trong bối cảnh không có thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn tại dải đất này.
Trong thông báo, IDF cáo buộc Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn và bắn rocket về phía lãnh thổ Israel. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi IDF cho biết đã đánh chặn 1 rocket bắn từ phía Dải Gaza. Các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện loạt vụ không kích và bắn đạn pháo vào một số địa điểm ở thành phố Gaza. Tiếng máy bay không người lái cũng xuất hiện trên bầu trời miền Nam dải đất này, lần đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực 7 ngày trước.
Thông báo nối lại chiến dịch quân sự của Israel xóa tan mọi hy vọng lệnh ngừng bắn giữa nước này và phong trào Hamas sẽ tiếp tục được gia hạn sau 7 ngày thực thi. Lệnh ngừng bắn đã mở đường giải thoát hàng chục con tin bị Hamas bắt cóc từ Israel và trả tự do cho nhiều tù nhân người Palestine bị Israel giam giữ cũng như tạo điều kiện tăng cường hàng hóa cứu trợ cho Dải Gaza.
Quân đội Israel từ lâu đã ủng hộ việc tiếp tục cuộc chiến chống Hamas. Họ muốn tiếp tục càng sớm càng tốt, hoàn thành cuộc chiến càng sớm càng tốt, mà tốt nhất là không có bất kỳ giai đoạn nào dừng lại để gây ra tình trạng thiếu quyết đoán và làm suy yếu tinh thần.
Ngay từ khi Israel quyết định phản ứng cứng rắn với Hamas sau các cuộc tấn công ngày 7/10, cách tiếp cận quân sự đã được Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ủng hộ tích cực nhất. Thủ tướng Benjamin Netanyahu duy trì quan điểm quyết liệt trong suốt cuộc khủng hoảng, nhưng ông luôn giao phó các vấn đề quân sự cho ông Gallant.
Đầu năm nay, ông Gallant đã cảnh báo phong trào Hồi giáo Hezbollah rằng Israel sẽ đưa Liban trở lại thời kỳ đồ đá nếu bị tấn công.
Khi bắt đầu chiến dịch chống Hamas ở Gaza, ông dùng lời lẽ nặng nề để nói về Hamas. Các thành viên của quân đội Israel, từ các tướng lĩnh cấp cao cho đến lính dự bị, đều hầu như chắc chắn rằng những gì ông Gallant nói phản ánh chính sách chính thức.
Vào ngày 17/11, ngày cuối cùng của thời gian tạm dừng bắn bốn ngày ban đầu và trước khi thông báo gia hạn lần đầu tiên, ông Gallant đã nói rõ mong muốn và ý định của mình. Ông nói với một nhóm sĩ quan và binh lính rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không kéo dài lâu hơn nữa: “Các anh có một vài ngày. Khi quay trở lại chiến đấu, chúng ta sẽ sử dụng lực lượng tương tự và hơn thế nữa, và chúng ta sẽ chiến đấu trên toàn bộ Dải Gaza”.
Có thể nói rằng ông Gallant đại diện cho nội các Israel và phát biểu về chính sách Gaza rất chính xác.
Ông Gallant muốn tiếp tục cuộc chiến vì tin rằng quân đội có thể thành công hơn khi cuộc chiến nối lại sớm. Tuy nhiên, theo nhà báo Zoran Kusovac thuộc kênh Al Jazeera, ông Gallant có thể có mục đích chính trị.
Tại Israel, các cộng sự và đối thủ chính trị liên tục chỉ trích Thủ tướng Netanyahu, nhất là khi ông không ngăn được thảm kịch ngày 7/10 và sẽ phải chịu trách nhiệm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Trong khi đó, là thành viên cấp cao của đảng Likud đứng đầu liên minh cầm quyền hiện tại, ông Gallant hiểu rằng trong trường hợp ông Netanyahu không tại vị sau cuộc chiến ở Gaza, đảng cầm quyền sẽ cần một nhà lãnh đạo mới, mà bản thân ông có thể là một lựa chọn. Do đó, ông có thể muốn giành vị trí đó.
Mặc dù cá nhân ông Gallant không tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn, nhưng là một thành viên trong nhóm những người ra quyết định ở Israel, ông chắc chắn nhận thức được tất cả những khó khăn trong đàm phán để có thêm thời gian ngừng bắn sau chiến tranh.
Ngày 27/11, ông Gallant dường như rất chắc chắn rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ không kéo dài lâu hơn nữa. Ông thậm chí còn chỉ rõ các cuộc tấn công mới sẽ diễn ra như thế nào: “Đầu tiên họ sẽ đối mặt với bom của lực lượng không quân, sau đó là đạn pháo từ xe tăng, pháo binh, rồi xe ủi bọc thép D9, và cuối cùng là súng nã từ bộ binh”.
Ông Gallant cũng thông báo về một giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến, nói rằng Israel sẽ chiến đấu trên toàn Dải Gaza.
Mở rộng cuộc tấn công trên bộ về phía Nam sẽ là bước leo thang nguy hiểm. Ít nhất 1,8 triệu người trong tổng dân số 2,3 triệu người của Gaza đã phải di dời do các vụ tấn công của Israel, mà phần lớn trong số họ đã di chuyển về phía Nam.
Điều đó có nghĩa là miền Nam hiện quá đông đúc, đến mức một cuộc tấn công tổng lực từ Israel có thể khiến người dân Gaza không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng vượt qua hàng rào biên giới để vào Ai Cập.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Ai Cập đã cảnh báo rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ người tị nạn nào vì lo ngại bất ổn chính trị và rủi ro an ninh.
Bước leo thang của Israel khi tấn công miền Nam Dải Gaza gần như chắc chắn sẽ lôi kéo nhiều nhóm vũ trang và các quốc gia vốn cho đến nay vẫn tỏ ra kiên nhẫn và hy vọng có một lối thoát hợp lý.