Tại sao không có giải Oscar cho biên đạo múa xuất sắc nhất?

Những vũ đạo ấn tượng được dàn dựng sáng tạo luôn tràn ngập trong vũ trụ điện ảnh Hollywood, nhưng các tác giả dàn dựng vẫn chưa nhận được sự công nhận xứng đáng tại lễ trao giải danh giá nhất thế giới.

Giải Oscar chưa từng có hạng mục biên đạo múa xuất sắc nhất. (Nguồn: NYT)

Giải Oscar chưa từng có hạng mục biên đạo múa xuất sắc nhất. (Nguồn: NYT)

Nếu bạn đã xem các bộ phim đề cử ở giải Oscar năm nay, khả năng cao là bạn đã chiêm ngưỡng tác phẩm của nhà biên đạo múa.

Một số vũ đạo nổi bật đã nhận về nhiều lời khen từ giới phê bình như bản song ca thú vị của Constanza Macras cho Poor Things, vở ballet trong mơ đầy nhiệt huyết của Justin Peck trong Maestro, những bức thư tình của Fatima Robinson dành cho điệu nhảy truyền thống của người da màu trong The Color Purple hay những chuyển động bí hiểm trong phân cảnh của Killers of the Flower Moon.

Những bộ phim trên đã giành tổng cộng 37 đề cử giải Oscar lần thứ 96. Nhưng không một biên đạo múa nào sẽ được vinh danh, hay thậm chí được nhắc tên, tại lễ trao giải Oscar năm nay.

Tại sao Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ không trao giải cho biên đạo múa xuất sắc nhất? Đây là câu hỏi được đề cập nhiều trong thời gian dài.

Không có câu trả lời thỏa đáng

Những vũ điệu cuồng nhiệt, giàu trí tưởng tượng đã định hình dòng phim nhạc kịch trong thời kỳ hoàng kim của Hollywood và tạo nên những phân cảnh huyền thoại giúp thúc đẩy cốt truyện theo cách mà câu thoại không thể làm được. Rất nhiều bộ phim trở nên kinh điển nhờ những điệu nhảy, những tuyệt tác về vũ đạo dí dỏm và kỹ thuật khéo léo.

Theo nữ biên đạo múa Kathryn Burns, một phân cảnh vũ đạo được dàn dựng tốt có thể có trở thành hiện tượng văn hóa lớn và “điều đó xứng đáng được công nhận”.

Trong khi công sức biên đạo xuất sắc trên truyền hình, sân khấu và video âm nhạc đã được ghi nhận rộng rãi với các giải thưởng Emmy, Tonys và Video âm nhạc của MTV, vũ đạo trong phim điện ảnh về cơ bản không được chú ý tại các lễ trao giải lớn. Trong lịch sử giải Oscar, Viện hàn lâm mới chỉ trao giải Chỉ đạo vũ đạo xuất sắc nhất trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1936 đến năm 1938.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã kêu gọi sự ghi nhận cho hạng mục vũ đạo xuất sắc nhất nhưng không thành công. Trở ngại chính là các nhà biên đạo múa không được đánh giá cao trong Viện hàn lâm. Tính đến đầu năm 2023, chỉ duy nhất một biên đạo múa trong số hơn 10.000 thành viên, đó là ông Vincent Paterson, vốn được biết đến với tác phẩm EvitaThe Birdcage.

Bước đi đột phá đầu tiên

Năm ngoái, Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã công bố thành lập bộ phận Sản xuất và công nghệ - nơi đầu tiên công nhận các nhà biên đạo múa là thành viên chính thức của Viện hàn lâm, có khả năng tạo ra sự ủng hộ cho việc lập giải thưởng vũ đạo thường xuyên.

Các nhà biên đạo múa đã lập một tổ chức mang tên Hiệp hội các nhà biên tập múa do bà Kathryn Burns làm chủ tịch. Vào tháng 11, bà Kathryn và các thành viên của Hiệp hội đã gặp đại diện Viện hàn lâm để thảo luận về bộ phận mới và vấn đề vinh danh công việc của biên đạo múa. Cả hai bên đều đánh giá tích cực về cuộc gặp.

Đó là những bước đi nhỏ hướng tới việc thành lập hạng mục vũ đạo xuất sắc nhất. Có ý kiến đánh giá thấp về tầm quan trọng của giải thưởng giữa một loạt vấn đề mà các vũ công phải đối mặt, chẳng hạn như thù lao không thỏa đáng. Tuy nhiên, theo ông Paterson, tính biểu tượng mạnh mẽ của danh hiệu Oscar có thể giúp các nhà biên đạo trong ngành điện ảnh đạt được những mục tiêu thiết thực hơn.

“Điều này liên quan đến tính hợp pháp”, ông nói. “Trao giải thưởng cho chúng tôi nghĩa là công nhận chúng tôi ngang hàng với những nhà sáng tạo khác trên phim trường. Một biên đạo múa từng đoạt giải Oscar cũng sẽ nhận được sự tôn trọng”.

Từ tâm điểm đến... "xóa sổ"

Biên đạo phim nổi lên như một môn nghệ thuật đặc biệt vào những năm 1930, khi Hollywood bắt đầu sản xuất nhạc kịch. Các màn khiêu vũ ngoạn mục đã trở thành tâm điểm chính cho khán giả. Các trường quay tranh giành các đạo diễn khiêu vũ nổi tiếng nhất bấy giờ như Busby Berkeley, Seymour Felix, Hermes Pan... Thuật ngữ "biên đạo múa" sau này trở nên phổ biến hơn, giúp tạo ra một số kỹ thuật làm phim hiện đại, biên đạo các chuyển động của máy quay cùng với các vũ công.

Sự thành công của các bộ phim ca nhạc đã thúc đẩy Viện hàn lâm giới thiệu hạng mục đạo diễn vũ đạo xuất sắc nhất, bắt đầu với những bộ phim phát hành năm 1935. Giải thưởng đầu tiên thuộc về Dave Gould (1936) và sau đó là Felix (1937) và Pan (1938). Nhưng giải thưởng này sau đó đã bị "xóa sổ" mà không rõ lý do.

Trong cuốn sách Film Choreographers and Dance Directors (Những đạo diễn khiêu vũ và biên đạo múa điện ảnh, năm 1997), tác giả Larry Billman cho rằng nhóm liên minh các đạo diễn phim phản đối thuật ngữ “đạo diễn múa” vì họ coi sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của những nghệ sĩ này là mối đe dọa tiềm tàng đối với quyền lực của mình. Ông Billman viết: “Họ từ chối chấp nhận rằng khán giả đến xem phim vì những điệu nhảy”.

Không có liên minh riêng, các đạo diễn múa không thể chống trả. Hạng mục đạo diễn vũ đạo bị đình chỉ ngay khi Hollywood bước vào kỷ nguyên vàng son của dòng phim nhạc kịch. Bà Margaret Herrick, giám đốc điều hành của Viện hàn lâm (1945–1971) cho biết, lý do đơn giản là không có vũ đạo trong phim để xứng đáng với một giải thưởng giá trị. “Đó là một quan niệm sai lầm”, theo bà Claire Ross - nghệ sĩ khiêu vũ và là người sáng lập nền tảng xã hội Credit the Creator, nơi tôn vinh các biên đạo múa trên màn ảnh.

Bà Ross cho biết, vấn đề không phải là thiếu phân cảnh khiêu vũ mà là thiếu nhận thức. “Không phải bộ phim nào cũng cần biên đạo múa, điều này dẫn đến sự vắng mặt thường xuyên của biên đạo múa trên phim trường”. “Ngành giải trí không có ngôn ngữ nhất quán về công việc của chúng tôi là gì và cách chúng tôi thực hiện công việc của mình”, bà nhận định.

Đây là vấn đề gây nhức nhối bởi các nhà biên đạo múa tham gia vào nhiều khía cạnh của quá trình sản xuất. Họ cần phối hợp với đạo diễn phim và đội đóng thế, nhận xét về góc quay, đồng thời đào tạo và chia sẻ với diễn viên khi họ gặp lo lắng.

Màn khiêu vũ hoành tráng trong phim “Footlight Parade” năm 1933 của đạo diễn Busby Berkeley. (Nguồn: Getty Images)

Màn khiêu vũ hoành tráng trong phim “Footlight Parade” năm 1933 của đạo diễn Busby Berkeley. (Nguồn: Getty Images)

Kỳ vọng và thất vọng

Vào mùa Xuân năm ngoái, khi Viện hàn lâm tiết lộ sẽ đưa các biên đạo múa vào bộ phận Sản xuất và công nghệ, ông Paterson cảm thấy tràn đầy hy vọng khi cho rằng “có lẽ bây giờ sẽ có nhiều biên đạo múa hơn có thể gia nhập Viện hàn lâm, góp tiếng nói của mình để kêu gọi trao giải thưởng thường xuyên"

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Về cơ bản, bộ phận mới hoạt động như một nơi thu hút những nghệ sĩ và kỹ thuật viên khác nhau từng “vô danh” với tư cách là “thành viên nói chung” như: người giám sát kịch bản, người chỉnh màu, nhà sản xuất dây chuyền. Hầu hết công việc này không liên quan đến vũ đạo. Đó là một vấn đề đối với các biên đạo múa muốn gia nhập Viện hàn lâm. Mỗi thành viên tương lai phải được bảo trợ bởi hai thành viên của bộ phận mà họ muốn được nhận vào và mỗi thành viên của Viện hàn lâm chỉ được bảo lãnh cho một ứng viên mỗi năm.

Ngoài ra, trong khi các đạo diễn cần 2 tín chỉ phim và 3 tín chỉ cho diễn viên để tham gia các bộ phận trong Viện hàn lâm, thì bộ phận Sản xuất và công nghệ yêu cầu 8 tín chỉ.

Một sự thay đổi dưới bất kỳ hình thức nào tại Viện hàn lâm đều tốn nhiều thời gian. Đề xuất giải thưởng hàng năm cho vũ đạo xuất sắc nhất sẽ phải thông qua ban điều hành bộ phận Sản xuất và công nghệ, sau đó đến ủy ban giải thưởng và cuối cùng là hội đồng quản trị để phê duyệt. Giải Oscar cho chỉ đạo diễn xuất điện ảnh được công bố gần đây là giải thưởng mới đầu tiên của Viện hàn lâm sau hơn 20 năm.

Ngay cả những người mong muốn có thêm nhiều biên đạo múa gia nhập Viện hàn lâm cũng không chắc chắn về khả năng đạt mục tiêu đưa hạng mục biên đạo múa xuất sắc vào giải Oscar thường niên. Biên đạo múa kỳ cựu Mandy Moore, người tham gia chỉ đạo vũ đạo cho La La Land - bộ phim từng đại thắng tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 chia sẻ: “Tôi hiểu rằng chúng tôi phải thu nhỏ hình ảnh và nhìn nhận bản thân theo cách mà ngành công nghiệp giải trí nhìn nhận chúng tôi”.

Các nghệ sĩ Moore, Kathryn Burns và Claire Ross đều đề xuất trao giải Oscar danh dự một cách thường xuyên hơn cho nhà biên đạo múa vì những đóng góp của họ. “Chúng tôi xứng đáng được hưởng thứ gì đó, cho dù dưới hình thức nào”, bà Kathryn Burns khẳng định.

Mai Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-sao-khong-co-giai-oscar-cho-bien-dao-mua-xuat-sac-nhat-263539.html