Tại sao kinh tế Mỹ có thể tốt hơn dự báo?

Nhiều dự báo kinh tế Mỹ sẽ có một kết quả không mấy khả quan do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng lại có quan điểm ngược lại.

Tại sao kinh tế Mỹ có thể tốt hơn dự báo. Ảnh: PA

Nhà kinh tế táo bạo Lars Christensen đã tuyên bố vào tháng Năm rằng: “Khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp sẽ dưới 6%”.

Dựa vào việc các lệnh đóng cửa đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% chỉ trong tháng trước đó thì đây là một dự đoán táo bạo.

Vào tháng 6, ít nhất 14 trong số 17 nhà hoạch định chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo rằng, tỷ lệ thất nghiệp hàng quý vào cuối năm nay sẽ vẫn trên 9%.

Hầu hết các chuyên gia dự báo khác cũng có cái nhìn ảm đạm không kém. Họ dự đoán GDP của Mỹ sẽ giảm bất ngờ trong năm 2020 và hồi phục tương đối chậm.

Ông Christensen nhấn mạnh rằng thiên tai, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái do những sai lầm trong chính sách kinh tế gây ra, thường được tiếp nối bởi các đợt phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Có thể lời ông nói sẽ được chứng minh là đúng. Trong mùa hè, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống nhanh chóng, còn 8,4% vào hồi tháng 8. Và các nhà kinh tế đã cố gắng nâng cấp các dự báo tăng trưởng của họ.

Vào ngày 16 tháng 9, OECD, một tổ chức chuyên tư vấn kinh tế - tài chính cho các quốc gia giàu có, dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 3,8% trong năm nay, thay vì 7,3% như đã dự kiến vào tháng 6.

Triển vọng kinh tế được nâng cao ở khắp các quốc gia giàu có, nhưng cũng không đáng kể.

Nước Mỹ vẫn phải đối mặt với một cuộc suy thoái với mức độ trầm trọng bằng một nửa so với cuộc suy thoái mà nước này đã từng phải chịu đựng sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng những dự tính này không nghiêm trọng như chúng đã từng và còn trông khá khẩm hơn ở châu Âu.

Triển vọng kinh tế cải thiện ở Mỹ có thể được quy cho 3 yếu tố.

Đầu tiên, sự lây lan của virus Corona đã chậm lại ở các tiểu bang thuộc Vành đai Mặt trời ở phía Nam nước Mỹ, nơi hứng chịu một làn sóng dịch vào mùa hè.

Thứ hai, gói kích thích kinh tế của Mỹ với quy mô lớn nhất thế giới cả về giá trị tuyệt đối và tính theo tỷ trọng GDP đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Nhờ các chi phiếu kích cầu thanh toán một lần trị giá lên tới 1.200 đô la mỗi người và thêm 600 đô la mỗi tuần cho các khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình đã tăng lên kể từ khi đại dịch bắt đầu hoành hành.

Người Mỹ không tiêu hết số tiền đó cùng một lúc, đồng nghĩa với việc hiện tại số tiền đó vẫn đang hỗ trợ họ trong việc chi tiêu hằng ngày, mặc dù hầu hết các khoản hỗ trợ khẩn cấp đã hết hạn.

Vào đầu tháng 9, người nhận bảo hiểm thất nghiệp vẫn chi tiêu nhiều hơn mức trước khi đại dịch xảy ra.

Lý do cuối cùng đằng sau các sửa đổi dự đoán có lẽ là do thị trường lao động linh hoạt của Mỹ.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong những tháng gần đây dường như phản ánh rằng có nhiều công việc mới hơn thay vì tình trạng người lao động nản lòng rời bỏ lực lượng lao động.

Ở Châu Âu, các chính phủ có xu hướng chịu phần lớn chi phí trả lương cho những người lao động nghỉ phép có hưởng lương.

Các chương trình như vậy rất hữu ích trong thời điểm khó khăn. Nhưng nếu kéo dài, chúng có thể giữ người lao động trong những công việc không bao giờ quay trở lại.

Ngược lại, Mỹ chủ yếu bảo vệ thu nhập của người dân bằng các khoản trợ cấp thất nghiệp mặc dù nước này cũng chịu chi phí trả lương cho nhiều doanh nghiệp nhỏ thông qua các khoản vay mà cuối cùng có thể được xóa bỏ.

Do đó, việc phân bổ lại lực lượng lao động từ các ngành công nghiệp đang chết dần sang các ngành đang có triển vọng phát triển đang diễn ra nhanh chóng.

Ví dụ, số lượng đại lý du lịch đã giảm 10% kể từ tháng 4, ngay cả khi tỷ lệ việc làm trên tổng thể đã tăng lên. Tỷ lệ việc làm trong các cửa hàng bách hóa tổng hợp cao hơn 6% so với trước đại dịch.

Vẫn còn nhiều thứ có thể đi sai hướng. Virus có thể bùng phát trở lại, giống như ở Châu Âu. Nhiều nhà dự báo tiếp tục lạc quan giả định rằng Quốc hội sẽ thông qua một gói kích cầu khác trong năm nay.

Người Mỹ không thể mất tiền tiết kiệm mãi được. Và các yêu cầu về giãn cách xã hội vẫn được giữ nguyên trên hầu hết nước Mỹ. Do đó, một số chỉ số thị trường lao động vẫn còn nghiêm trọng.

Vào tháng 8, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp chung giảm, khoảng 3,4 triệu việc làm đã bị loại bỏ vĩnh viễn, nhiều hơn so với mức vào tháng 10 năm 2008, ngay sau khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ.

Đợt phục hồi nhanh chóng lần này vẫn có thể gặp nhiều rào cản thách thức khiến nó dừng lại. Nhưng sự lạc quan của ông Christensen không còn trông quá khác biệt nữa.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-kinh-te-my-co-the-tot-hon-du-bao-post102458.html