Tại sao kỳ chuyển nhượng mùa Đông lại ít có bom tấn xảy ra?
Cho đến thời điểm hiện tại, dù cho kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2020 đã qua gần 3 tuần, nhưng vẫn chưa có thương vụ 'bom tấn' nào nổ ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. Có vẻ như những đại gia trong làng bóng đá thế giới đã không quá mặn mà đối với kỳ chuyển nhượng này.
Kỳ chuyển nhượng mùa Đông được mở ra để các câu lạc bộ bổ sung nhân sự vào giữa mùa giải, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt lực lượng do chấn thương, phong độ đi xuống hoặc thể lực không thể đảm bảo tốt nhất cho cả mùa giải… Do vậy, những câu lạc bộ cần có sự đảm bảo cho thành tích vào cuối mùa giải thường sẽ chấp nhận chi tiền trong kỳ chuyển nhượng này. Và đó cũng là lý do có khá nhiều thương vụ bom tấn đã diễn ra trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, chứ không chỉ tập trung trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè nữa. Bất quá, thời gian gần đây có vẻ như kỳ chuyển nhượng mùa Đông đã không còn được quan tâm quá nhiều, bom tấn xuất hiện là càng ngày càng ít.
Có 3 nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải cho việc kỳ chuyển nhượng mùa Đông ngày càng ít được quan tâm hơn trước. Mà lý do quan trọng nhất trong đó chính là tính phiêu lưu khi mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Tại sao gọi là phiêu lưu? Đó là bởi yêu cầu dành cho một cầu thủ được tuyển mộ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông là khá nhiều. Cầu thủ này phải thích ứng tốt và nhanh với môi trường thi đấu mới, bao gồm của câu lạc bộ mới hoặc của giải đấu mới. Bởi lẽ đây là sự tuyển dụng mang tính chất “vá” đội hình là chính, cộng thêm thời gian để tân binh hòa nhập với đồng đội mới là rất ngắn, nên hòa nhập tốt sẽ là điểm ưu tiền hàng đầu để họ có chỗ đứng trong đội hình. Rõ ràng cầu thủ phù hợp với yêu cầu “mì ăn liền” như vậy là không nhiều, dẫn đến không thể thi đấu tốt, khả năng trở thành một thương vụ thất bại là rất cao. Rất nhiều thương vụ bom tấn trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông đã trở thành bom xịt như: Fernando Torres, Andy Carroll, Wilfried Bony, Philippe Coutinho… chính là bài học lịch sử cực kỳ đắt giá.
Nguyên nhân thứ hai chính là khả năng bị ép giá là cực kỳ cao. Những câu lạc bộ nhà giàu trong làng bóng đá thế giới chính là mục tiêu hàng đầu trong việc bị ép giá, khiến cho họ ngày một thận trọng hơn khi tham gia thị trường chuyển nhượng. Rõ ràng là một câu lạc bộ giàu có, lại đang cần bổ sung nhân lực để đạt được những mục tiêu đề ra của mùa giải, không bị ép giá mới là lạ. Với tình thế như vậy, giá trị của một cầu thủ bị đẩy lên gấp đôi, thậm chí gấp ba là hết sức bình thường. Phải mua một món hàng với giá “cắt cổ”, lại không biết chắc món hàng đó có thể phát huy ra tác dụng hay không, khả năng “vứt tiền qua cửa sổ” là rất cao, đã khiến cho bom tấn trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông ngày một ít đi.
Nguyên nhân thứ ba chính là luật công bằng tài chính. Sau khi FIFA áp dụng luật công bằng tài chính, các đại gia của làng bóng đá thế giới đã hạn chế việc tiêu xài vô tội vạ đi khá nhiều. Để cho tài chính mua bán được cân đối hơn, thường thì những thương vụ bom tấn họ sẽ tập trung để dành cho kỳ chuyển nhượng mùa Hè, nơi mà họ có thời gian để tìm hiểu cân nhắc kỹ hơn. Còn ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông, họ chỉ chấp nhận chi lớn khi thực sự cần thiết, hoặc có những sự đảm bảo nhất định.
Chính vì những nguyên nhân nói trên, những thương vụ lớn trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông đã dần biến hướng sang hình thức mượn cầu thủ. Với một bản hợp đồng mượn cầu thủ kèm theo điều khoản mua đứt vào cuối mùa, huấn luyện viên của câu lạc bộ sẽ có thời gian quan sát cũng như cân nhắc chất lượng thực sự của tân binh, từ đó quyết định có mua đứt cầu thủ ấy vào cuối mùa hay không. Dĩ nhiên với bản hợp đồng mượn như vậy, câu lạc bộ sẽ giảm thiểu đi mức thiệt hại bởi họ chỉ phải trả lương cho cầu thủ mà không tốn phí chuyển nhượng. Và chắc chắn đây sẽ là xu hướng chính của kỳ chuyển nhượng mùa Đông trong tương lai.