Tại sao kỷ luật học sinh quay clip bạn bị thúc vùng kín vào cột?

Theo Lãnh đạo trường THCS Hòa Nam, việc kỷ luật là để răn đe, để học sinh khác thực hiện đúng quy định của của Bộ GDĐT, tránh tình trạng học sinh bị 'nhờn' trong công tác giáo dục.

Kỷ luật để răn đe, tránh bị 'nhờn' trong giáo dục

Ngày 28/11, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip, một nhóm học sinh lớp 8 nhấc bạn lên rồi thúc vào cột cờ, xảy ra tại trường THCS Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội gây xôn xao dư luận.

Nam học sinh bị thúc vùng kín vào cột. Ảnh cắt từ clip

Nam học sinh bị thúc vùng kín vào cột. Ảnh cắt từ clip

Ngày 29/11, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Ngô Tiến Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, UBND huyện đã ban hành văn bản phê bình Trưởng phòng GD&ĐT huyện, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, Hiệu trưởng trường THCS Hòa Nam về việc chậm trễ trong công tác thông tin, báo cáo khi xảy ra sự việc đáng tiếc nêu trên.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên,ông Đoàn Vũ Hải - Hiệu trưởng trường THCS Hòa Nam cho biết, có 5 học sinh trực tiếp có hành vi xâm phạm đến bạn. Ngày 25/11, nhà trường đã thành lập Hội đồng Kỷ luật, kỷ luật 5 học sinh trực tiếp xâm phạm bạn và 1 học sinh quay clip.

Hình thức kỷ luật là tạm dừng học tập 1-2 tuần. Quyết định này của trường dựa theo điều 38, thông tư 32 của Bộ GDĐT về hành vi xâm phạm thân thể bạn; may mắn nam sinh bị các bạn trêu đùa không bị thương tích, phụ huynh các học sinh đồng tình với quyết định xử lý của nhà trường.

Lý giải về việc kỷ luật học sinh quay clip, ông Hải cho hay, căn cứ vào thông tư 32, học sinh được mang điện thoại đến trường để phục vụ học tập nhưng không được quay clip khi chưa được sự cho phép của thầy cô. Việc kỷ luật học sinh quay clip là để răn đe, để học sinh khác thực hiện đúng quy định của của Bộ GDĐT, tránh tình trạng học sinh bị 'nhờn' trong công tác giáo dục.

"Nếu học sinh quay clip mà gửi cho phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường thì đó là hành vi được tuyên dương. Nhưng học sinh quay clip rồi gửi cho chính bạn thực hiện hành vi xâm hại thân thể bạn, sau đó phát tán lên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì đó hành vi không mang tính chất giáo dục. Ký quyết định kỷ luật là điều bất đắc dĩ, rất buồn khi phải kỷ luật chính học sinh của mình", ông Hải nói.

Kỷ luật học sinh quay clip có phù hợp không?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nhà trường căn cứ theo quy định tại điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGĐT để xử lý vi phạm đối với học sinh quay clip chưa thực sự thuyết phục và phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi, theo quy định tại khoản 2 điều 38 của Thông tư này nêu:

Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức như nhắc nhở, thông báo với cha mẹ học sinh, tạm đình chỉ học tập…

Tại điều 37 của Thông tư 32/2020/TT-BGĐT quy định về các hành vi học sinh không được làm bao gồm:

Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu quy định nêu trên, nhà trường chỉ căn cứ vào việc học sinh quay clip có hành vi sử dụng điện thoại để xử lý kỷ luật đối với học sinh, nhưng học sinh này sử dụng điện thoại ngoài giờ học, không phải khi đang học tập trên lớp. Do đó, Nhà trường chưa đủ căn cứ vững chắc tiến hành xử lý kỷ luật đối với học sinh quay clip.

Bên cạnh đó, nhờ có clip của bạn học sinh này mà nhà trường mới biết được sự việc, có căn cứ xử lý đối với 5 học sinh có hành vi xâm phạm thân thể của nam sinh khác.

Dưới góc độ, suy nghĩ nhận thức của các học sinh trong sự việc này, có thể đó là một trò đùa, một hành vi vô hại. Các học sinh chưa được trang bị các kiến thức đầy đủ, chỉ khi xảy ra sự việc các học sinh này mới nhận thức được đó là hành vi xâm hại vùng kín của bạn, có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Thay vì xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh này, nhà trường có thể có những biện pháp, hình thức "xử lý" khác nhẹ nhàng hơn như nhắc nhở các học sinh và có biện pháp giáo dục, trang bị kiến thức phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các học sinh, Luật sư Nguyễn Văn Nam nêu quan điểm.

Qua đó, mỗi học sinh cần có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trong những trường hợp cụ thể và nhà trường cần phát huy vai trò trong việc trang bị tổng hòa các kiến thức đối với các thế hệ học sinh.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-ky-luat-hoc-sinh-quay-clip-ban-bi-thuc-vung-kin-vao-cot-169231129093704226.htm