Hải quân Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách triển khai 2 tàu chiến ven biển (LCS) chuyên thực hiện các hoạt động tác chiến gần bờ. Việc triển khai 2 tàu chiến LCS cho thấy Mỹ đang chuyển từ trinh sát và răn đe sang tăng khả năng tấn công, South China Morning Post dẫn nguồn tin một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh cho biết.
USS Gabrielle Giffords (LCS-10) đã rời cảng Changi của Singapore trong một nhiệm vụ vào ngày 15-11. Trong khi đó, USS Montgomery (LCS-8) đã tiến hành một hoạt động chung với hai tàu chiến Australia từ ngày 6 đến 12-11-2019.
Hai tàu LCS đều hoạt động ở Biển Đông, một trong những vùng biển có tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Đây là khu vực Trung Quốc đưa ra các các yêu sách phi lý về tranh chấp chủ quyền với một số nước trong khu vực.
Bắc Kinh cũng tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách bồi lấp phi pháp một số thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến chúng thành các tiền đồn quân sự.
Hải quân Mỹ đã nhiều lần điều động tàu chiến thực hiện tự do hàng hải gần các thực thể phi pháp của Trung Quốc, để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực không bị gián đoạn.
“Washington phản đối bất kỳ nỗ lực của quốc gia nào để ép buộc hoặc đe dọa để thúc đẩy lợi ích của riêng họ mà bỏ qua lợi ích của quốc gia khác và quốc tế”, Bộ trưởng Esper nói trong chuyến thăm Philippines, một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ trưởng Esper kêu gọi các bên có tranh chấp ở Biển Đông khẳng định chủ quyền của họ để đưa Trung Quốc vào con đường đúng đắn.
“Tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi cố gắng gửi đi không phải là chúng tôi phản đối Trung Quốc, mà tất cả chúng tôi đều ủng hộ các quy tắc và luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ Trung Quốc nên tuân thủ”, Bộ trưởng Esper nói.
Trước đó, Hải quân Mỹ thường sử dụng các tàu khu trục và tuần dương hạm cho nhiệm vụ tự do hàng hải, nhưng chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đang thay đổi.
Theo một báo cáo của Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông, một trung tâm phân tích có liên kết với Viện nghiên cứu Hải dương, Đại học Bắc Kinh, tàu chiến LCS có mớn nước thấp cho phép tiếp cận tốt hơn với các vùng nước nông.
Điều này giúp cải thiện các nhiệm vụ trinh sát trên các rạn san hô ở Biển Đông.
Chiến hạm tác chiến ven bờ được điều tới biển Đông thuộc lớp Independence. Đây là lớp tàu chiến được thiết kế đặc biệt với 3 thân dùng trong các cuộc hành quân đổ bộ.
Đây cũng là chiến hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới, với vận tốc tối đa có thể lên tới 110 km/h. Tàu có tầm đáy khá nông nên có thể ập tới với tốc độ cực lớn để nhanh chóng tiếp cập cảng gần bờ của đối phương.
Những chiếc tàu này có lượng giãn nước tối đa lên tới 3.104 tấn. Chiều dài 127,4m, chiều rộng 31,6m, độ mớm nước 4,27m.
Để duy trì tốc độ cao tàu được trang bị hệ thống động cơ hỗn hợp cho tổng công suất gần 38MW.
Dự trữ hành trình của tàu lên tới 4.400 hải lý nếu duy trì vận tốc ở mức 18 hải lý/h.
Hệ thống điện tử của tàu khá hiện đại và phức tạp với nhiều hệ thống radar khác nhau cho phép phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển và cả chống ngầm.
Vũ khí trang bị của tàu bao gồm hệ thống tên lửa phòng không RIM-116 có tầm bắn 12km. Tên lửa diệt hạm siêu hiện đại NSM có tầm bắn 185km, hải pháo Mark-110, pháo bắn nhanh Mk-44, các hệ thống súng máy M2HB và ngư lôi Mark-50.
Ngoài trực thăng chống ngầm SH-60, tàu chiến này còn mang theo cả trực thăng trinh sát không người lái MQ-8.
Mặt khác, với thiết kế đặc biệt, các loại trực thăng hạng nặng như CH53 và máy bay lưỡng thân như MV-22 đều có thể đáp trên chiến hạm này. Sức mạnh của kho vũ khí khủng khiếp mà tàu chiến lớp Independence mang theo khiến bất cứ đối thủ nào cũng phải e dè.
Việc triển khai tàu chiến LCS đến Biển Đông thể hiện sự thay đổi tinh tế trong chiến lược của Hải quân Mỹ trong khu vực, cho thấy các chỉ huy bắt đầu tập trung vào những cách thiết thực để cải thiện khả năng tấn công trong khu vực bằng cách chủ động tìm giải pháp răn đe và chuẩn bị cho xung đột.
Việt Hùng