Tại sao Mỹ đồng ý cho hoàn thành dự án North Stream 2?
Ngày 20/07, Văn phòng báo chí của Bộ ngoại giao Mỹ chính thức thông báo, các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn chặn được việc đặt đường ống của dự án NS2. Điều này có thể hiểu là Mỹ đã thừa nhận một thất bại chiến thuật. Cũng theo Bộ ngoại giao Mỹ, chính quyền Mỹ cần tiếp tục phản đối việc thực hiện dự án này, nhưng quyết định từ bỏ các biện pháp trừng phạt là vì lợi ích khôi phục quan hệ với Đức.
Nhiều trang tin của Nga (Izvestia, 1prime, Vedomosti, RBC) và giới chuyên gia Nga đã có những phân tích xung quanh sự kiện Mỹ và Đức đạt thỏa thuận song phương, tạo điều kiện để dự án đường ống khí đốt North Stream 2 (đã đạt tiến độ trên 98%) đi vào vận hành.
Điều gì đã xảy ra?
Trong ngày thứ tư (21/7/2021), cả hai phía Mỹ và Đức thông báo đã ký một thỏa thuận về các điều kiện cơ bản cho hoạt động của đường ống khí đốt North Stream 2 (NS2). Bên cạnh đó, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định, nguồn cung năng lượng của NS2 không được sử dụng để gây áp lực lên Ukraine và các nước thành viên EU. Nếu không, EU và Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Điểm mấu chốt của thỏa thuận là phía Đức cam kết tìm cách gia hạn thêm ít nhất 10 năm hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine (hợp đồng hiện tại sẽ kết thúc trong năm 2024). Theo tạp chí The Wall Street Journal, cả Mỹ và Đức sẽ nỗ lực làm như vậy để đảm bảo Ukraine tiếp tục nhận được khoản thu 3 tỷ USD mỗi năm phí trung chuyển khí đốt từ Nga. Hai bên cũng đã đồng ý đầu tư 50 triệu USD vào phát triển các công nghệ “xanh” ở Ukraine, bao gồm NLTT và các ngành công nghiệp liên quan.
Trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức, phía Ukraine đã đề nghị Đức và EU bồi thường hàng tỷ USD cũng như đảm bảo gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Gazprom sau năm 2024 trong trường hợp NS2 được hoàn thành. Kết quả là thay vì bồi thường và đảm bảo, chính quyền Ukraine nhận được lời hứa quan tâm đến việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga cũng như đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine từ Mỹ và Đức.
Ý nghĩa của thỏa thuận
Ngay sau tuyên bố của Thứ trưởng ngoại giao Mỹ vào tối ngày 21/07, Thủ tướng Đức A.Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin, thảo luận về các thỏa thuận Minsk (nhằm giải quyết xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine), tình hình trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine và dự án NS2. Sau đó, phía Nga đã đăng tải một thông điệp trên trang web của Điện Kremlin: Lãnh đạo hai nước Nga và Đức bày tỏ sự hài lòng với việc xây dựng NS2 đang gần hoàn tất. Các bên cũng đã thảo luận về khả năng gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Gazprom và Naftogaz qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2024.
Tại sao thỏa thuận được ký vào thời điểm hiện tại?
Ngày 20/07, Văn phòng báo chí của Bộ ngoại giao Mỹ chính thức thông báo, các lệnh trừng phạt của Mỹ không ngăn chặn được việc đặt đường ống của dự án NS2. Điều này có thể hiểu là Mỹ đã thừa nhận một thất bại chiến thuật. Cũng theo Bộ ngoại giao Mỹ, chính quyền Mỹ cần tiếp tục phản đối việc thực hiện dự án này, nhưng quyết định từ bỏ các biện pháp trừng phạt là vì lợi ích khôi phục quan hệ với Đức.
Chuyên gia Pavel Koshkin từ Viện Mỹ và Canada, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga cho biết, chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden đang làm dịu những mâu thuẫn và điều này khác với đường lối không khoan nhượng của lãnh đạo tiền nhiệm D.Trump. Tổng thống Biden đang hành xử thực dụng hơn nhiều, trong đó có nhượng bộ đồng minh Đức. Đối tác này vẫn có sức nặng lớn và là ưu tiên hàng đầu của Mỹ so với Ukraine. Do đó, phía Mỹ sẽ tính toán nhiều hơn lợi ích của Đức trong chính sách đối ngoại của mình.
Chuyên gia Vasilyi, Trường Kinh tế cao cấp Mátxcơva nhận định, Ukraine ngày nay phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ và Đức ở mức độ lớn hơn so với các quốc gia khác. Do đó, chính Mỹ và Đức là hai quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến Ukraine hiện nay. Do đó, việc ký kết thỏa thuận là hợp lý. Đồng thời, Mỹ và Đức có thể thuyết phục Nga gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Giám đốc nghiên cứu của Vygon Consulting đánh giá, nếu xảy ra vấn đề trong việc đảm bảo các khoản thanh toán trung chuyển khí đốt Nga trong trường hợp NS2 đi vào vận hành thì Đức sẽ phải gánh vác nặng hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ukraine.
Mỹ cần sự ủng hộ của Đức trong đối đầu với Trung Quốc
Một số nhà phân tích nhận định, Mỹ đang tranh thủ sự ủng hộ của Đức trong cuộc đối đầu với Trung Quốc để đổi lấy cơ hội hoàn thành đường ống NS2. Trước đó vào ngày 15/06, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Mỹ J.Biden đã tiến hành hội đàm, thảo luận về các biện pháp chống lại sự bành trướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Đức có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu và là nhà lãnh đạo của EU, trong khi Mỹ hiện cần các đồng minh hơn bao giờ hết để chống lại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ cam go hơn cả Chiến tranh Lạnh với Liên Xô trước đây.
Sau cuộc hội đàm đó, hai bên đã thông qua tuyên bố trên tinh thần công khai chống Trung Quốc, coi Trung Quốc là một quốc gia vi phạm nhân quyền. Mỹ và Đức cũng bày tỏ sự sẵn sàng bảo vệ quyền tự do hàng hải, chống lại những nỗ lực chia cắt thế giới thành các khu vực ảnh hưởng. Hai bên cũng sẽ phản đối Trung Quốc tìm cách nắm quyền kiểm soát ngành công nghệ thông tin và các tuyến đường cung cấp năng lượng.
Phản ứng của Ukraine và Ba Lan
Ngay sau khi các chi tiết của thỏa thuận giữa Mỹ và Đức được thông báo, các thành viên của Ủy ban Chính sách đối ngoại và hợp tác, Quốc hội Ukraine đã ra tuyên bố rằng, việc Mỹ và EU nhượng bộ cho dự án NS2 là không thể chấp nhận được. Cả Ukraine và Ba Lan sẽ tiếp tục phản đối dự án NS2. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để chống lại việc khởi động dự án NS2 nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng an ninh, hỗ trợ Ukraine sớm trở thành thành viên của EU và giảm thiểu các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh năng lượng. Cả hai Bộ trưởng ngoại giao Ukraine và Ba Lan đã kêu gọi phía Mỹ và Đức giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng an ninh khu vực.
Một điều “an ủi” cho phía Ukraine có thể là chuyến thăm của Tổng thống V.Zelensky đến Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh song phương, dự kiến được tổ chức vào ngày 30/08 tới.
Ai được hưởng lợi?
Với tư cách là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho EU, Gazprom sẽ cải thiện đáng kể khả năng xuất khẩu khí đốt của mình. Đường ống NS2 có công suất vận chuyển khí đốt là 55 tỷ m3/năm, kết nối trực tiếp Nga và Đức, bỏ qua các nước Baltic và Ba Lan. Giá khí đốt cao hiện nay ở các khu vực tiêu thụ chính khiến việc cung cấp LNG của Mỹ cho thị trường châu Âu và châu Á có lợi nhuận cao. Trong tháng 6 vừa qua, giá khí đốt trung bình trên thị trường giao ngay tại Trung tâm giao dịch TTF, Hà Lan đã ở mức 350 USD/1000 m3. Tuy nhiên, chi phí LNG của Mỹ, có tính đến phân phối đến thị trường tây bắc Âu đã là 300 USD/1000 m3, cao hơn nhiều so với giá khí đốt của Gazprom cung cấp cho thị trường châu Âu. Ví dụ như khí đốt đường ống từ mỏ Bovanenkoye, bán đảo Yamal được bán cho thị trường châu Âu (đã bao gồm thuế xuất khẩu và vận chuyển trong EU) là 150 USD/1000 m3. Và trên thị trường hiện, giá khí đốt của Gazprom có độ linh hoạt cao hơn nhiều so với các nhà cung cấp LNG của Mỹ.
Hãng tư vấn Vygon Consulting lưu ý, nhập khẩu LNG từ các khu vực khác nhau trên thế giới vào châu Âu đã sụt giảm liên tục kể từ tháng 04/2021, thấp hơn cả mức nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2020 (thời điểm thiếu hụt nguồn cung LNG của Mỹ). Trong những tháng đầu năm nay, nguồn cung LNG của Mỹ sang châu Âu đã giảm 7%. Tổng cộng đã có gần 44 triệu tấn LNG được nhập khẩu vào EU trong những tháng đầu năm, trong đó có 12 triệu tấn LNG của Mỹ.
Trong niềm vui hưởng lợi từ việc NS2 hoàn thành không thể không nhắc tới lợi ích của Đức. Quốc gia này cần một lượng lớn khí đốt thiên nhiên khi nước này sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và thực hiện quá trình khử carbon, trước hết là giảm sử dụng than, tiến tới từ bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu này. Nhiên liệu than (nhất là than nâu) vẫn được tiêu thụ với số lượng lớn trong các ngành công nghiệp của Đức. Trong khi đó, khí đốt thiên nhiên chỉ thải ra lượng khí thải CO2 bằng 50% lượng khí thải từ than đá. Ngoài ra, khí đốt thiên nhiên còn là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất phân bón và các loại sản phẩm hóa học.
Sau khi khánh thành NS2, Đức sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu khí đốt của riêng mình mà còn trở thành trung tâm phân phối lớn nhất ở châu Âu. Cả hai đường ống North Stream 1 và 2 có khả năng cung cấp 110 tỷ m3 mỗi năm cho EU. Đức có thể tiếp tục mua khí đốt từ Na Uy thông qua đường ống Europipe 2 và khí đốt của Nga thông qua đường ống Yamal-Europe và Transgas (qua Ba Lan và Cộng hòa Séc). Ngoài ra, nước này có thể nhập khẩu LNG bổ sung. Tuy nhiên, khi cả hai đường ống North Stream 1 và 2 hoạt động hết công suất, Đức hoàn toàn có thể loại bỏ nhập khẩu LNG từ các quốc gia láng giềng.
Tại Đức, một trung tâm giao dịch khí đốt thống nhất đang được thành lập thông qua sự hợp nhất của các trung tâm giao dịch Gaspool và NCG, dự kiến sẽ hoạt động từ ngày 01/10. Liên đoàn các nhà kinh doanh năng lượng châu Âu nhận định, tính thanh khoản tại trung tâm giao dịch mới sẽ cao hơn các trung tâm NBP (Anh) và TTF (Hà Lan) khi nguồn cung tại đây được đảm bảo sau khi NS2 đi vào hoạt động.
Vào thời điểm này, hai tàu đặt ống Fortuna và Akademik Chersky đang tiếp tục công việc lắp đặt nhánh thứ hai của NS2. Theo các công ty theo dõi tiến độ thi công, đoạn đường ống còn lại chưa hoàn thành có chiều dài khoảng 35 km.