Tại sao Mỹ khó giữ kín thông tin mật?
Công nghệ đang đặt ra thách thức đối với việc giữ kín thông tin mật của Mỹ, khi việc chia sẻ tài liệu ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Năm 1917, giới phân tích Anh đã giải được một thông điệp mã hóa mà ngoại trưởng Đức gửi cho một trong những nhà ngoại giao nước này. Trong lá thư, ông thề sẽ bắt đầu “chiến tranh tàu ngầm không giới hạn” và tìm cách lôi kéo Mexico với lời hứa “tái sáp nhập lãnh thổ đã mất ở Texas, New Mexico và Arizona” nếu Mỹ tham gia chiến tranh thế giới.
Khi được công khai, bức điện báo Zimmerman này đã gây chấn động, góp phần đẩy Mỹ vào cuộc xung đột với Đức.
Trong cuốn sách về mật mã “The Codebreakers” năm 1967 của mình, tác giả David Kahn cho biết “chưa bao giờ hoặc kể từ đó, người ta lại chú ý nhiều đến việc giải một thông điệp bí mật như vậy”. “Người Đức đã rất cố gắng để giữ bí mật ý định của họ, và những người phá mã trong ‘phòng 40’ ở London đã phải rất vất vả để giải mã bức điện đó”.
Sự vất vả đó hoàn toàn trái ngược với việc nhiều thông tin mật dễ dàng lọt ra khỏi mạng lưới tình báo của Lầu Năm Góc trong vụ việc liên quan đến Jack Teixeira - thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ. Binh nhất 21 tuổi này đã bị cáo buộc đăng tải hàng trăm tài liệu mật lên một phòng chat Discord có tên “Thug Shaker Central”.
Những tiết lộ này có thể sẽ không gây ra chiến tranh, nhưng chúng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Mỹ và một số đồng minh, CNN nhận định.
Dễ dàng tiếp cận tài liệu mật
Teixeira là một trong số hơn một triệu người có quyền tiếp cận thông tin tối mật. “Lầu Năm Góc đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để hạn chế số lượng người có quyền tiếp cận vào những thông tin nhạy cảm như vậy. Nhưng còn rất nhiều việc nữa cần phải làm”, Brett Bruen, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận định
“Tại sao rất nhiều người, đặc biệt là những người làm việc thời gian ngắn trong chính phủ, lại có quyền truy cập vào thông tin có thể định hình số phận của các quốc gia và các nhà lãnh đạo của họ”, ông đặt câu hỏi.
Teixeira đã bị buộc tội lưu giữ và lan truyền trái phép thông tin quốc phòng mật về xung đột ở Ukraine và các nỗ lực của Mỹ nhằm theo dõi đối thủ và đồng minh.
Theo các phương tiện truyền thông, nhân vật này đã đăng các tài liệu mật lên một nhóm chat trực tuyến gồm các thanh niên có chung niềm yêu thích vũ khí, trò chơi điện tử và các meme trực tuyến mang tính phân biệt chủng tộc.
CNN nhận định những thông tin bị rò rỉ sẽ không gây tổn hại như những tiết lộ của Edward Snowden và Chelsea Manning. Trong thập niên qua, Edward Snowden, Chelsea Manning và Reality Winner là những ví dụ nổi bật, có động cơ phát tán tài liệu mật bất hợp pháp với hy vọng thay đổi chính sách hoặc thông lệ của Mỹ.
Họ có quyền truy cập các tài liệu đó trong quá trình làm việc cho chính phủ và đã tiết lộ một số bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất của nước Mỹ.
Vậy tại sao những vụ rò rỉ thông tin tình báo gây hại này lại tiếp tục xảy ra? Và có lẽ quan trọng hơn, cơ sở tình báo và quân đội Mỹ có thể làm gì để ngăn chặn điều đó xảy ra lần nữa?
Nói với USA Today, các chuyên gia cho rằng không có cách khắc phục dễ dàng cho vấn đề này. Đó là trường hợp đặc biệt vì sự rộng lớn của bộ máy quân sự và tình báo, nơi hàng triệu người - nhiều người trong số họ là các nhà thầu độc lập - có quyền tiếp cận thông tin tối mật.
Viết trên tờ Financial Times, Kori Schake - Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại American Enterprise - đã nhìn thấy “một số tin tốt lành”.
Theo bà, mặc dù các chi tiết cụ thể đó sẽ cực kỳ có giá trị đối với một số đối thủ của Mỹ, điều đó không phải là những tiết lộ gây chấn động. Chẳng hạn, báo giới từ lâu đưa tin Ukraine sắp hết đạn hay các đồng minh từ lâu đã biết Washington đã nghe lén họ,...
Tuy nhiên, bà Schake cũng cảnh báo công nghệ đang khiến dữ liệu trở nên di động hơn bao giờ hết và dễ chia sẻ trên phạm vi toàn cầu hơn - dù là thông tin riêng tư hay công khai.
Nghịch lý
Và trong một thế giới sau ngày 11/9/2022, nơi các cơ quan chính phủ Mỹ được yêu cầu chia sẻ bất cứ điều gì có thể với bất kỳ ai, thì không có biện pháp giám sát "mối đe dọa nội bộ" nào có thể bắt được tất cả kẻ phạm tội, các chuyên gia nhận định.
“Đó là một hệ thống rất phức tạp, vì vậy không có giải pháp đơn giản nào”, Glenn Gerstell, Trưởng cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2015-2020, cho hay.
Theo ông Gerstell, các cải cách trong việc chia sẻ thông tin tình báo được thực hiện từ nhiều năm trước và với mục đích tốt nhất đã dẫn đến những lổ hổng trong bộ máy bảo mật thông tin.
Một cải cách được đưa ra để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cũng như sự thất bại của các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ trong việc kết nối những dấu hiệu và phát hiện ra âm mưu từ trước.
“Chúng tôi không bao giờ muốn ở một vị trí mà chúng tôi nhìn lại và nói: Chúng tôi biết thông tin này nhưng chúng tôi không thể truy cập nó và do đó, một số tai nạn hoặc thảm họa khủng khiếp đã xảy ra”, ông nhận định.
Nỗi sợ hãi đó đã khiến chính quyền ở tất cả cấp có nhiệm vụ chia sẻ thông tin tình báo bất cứ khi nào có thể, bao gồm cả việc phổ biến rộng rãi loại thông tin tình báo tuyệt mật.
Theo ông Gestell, thay đổi thứ hai xảy ra sau xung đột Iraq, trong đó tô đậm các vấn đề với phân tích tình báo sai lầm. Ông cho rằng Lầu Năm Góc, CIA và các cơ quan khác đã cố gắng chia sẻ không chỉ thông tin họ nhận được, mà còn cả cách họ nhận được thông tin đó và ý nghĩa của thông tin đó.
Theo Reuters, vụ rò rỉ thông tin tình báo mới nhất này đã minh họa minh họa nghịch lý đối với giới tình báo: Giữ bí mật đồng nghĩa với việc hạn chế chia sẻ chúng nhưng việc chống lại những mối nguy hiểm, như vụ tấn công ngày 11/9/2001, đồng nghĩa với việc phải chia sẻ những thông tin như vậy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-my-kho-giu-kin-thong-tin-mat-post1422904.html