Tại sao Mỹ lo đồng minh tiết lộ công nghệ tiêm kích F-35 cho Trung Quốc?
Mối quan hệ an ninh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và UAE có thể buộc Mỹ phải suy nghĩ lại về thương vụ F-35 với quốc gia vùng Vịnh này.
Chính quyền Trump đã quyết định bán 50 máy bay F-35 Lightning II cho Abu Dhabi
Theo bài mới đây của Wall Street Journal (WSJ), hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và UAE có thể khiến Mỹ xem xét lại quyết định bán loại máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới này cho Abu Dhabi.
Dấu chân ngày càng tăng của Trung Quốc ở UAE và phần còn lại của Trung Đông đang được Mỹ xem xét kỹ lưỡng. UAE là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực.
Bài của WSJ cho biết các quan chức tình báo Mỹ đã ghi vào “sổ đen” một vụ việc gần đây, trong đó hai máy bay của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc được nhìn thấy đang dỡ những loại hàng hóa không xác định tại một sân bay của UAE.
Sau khi ký kết Hiệp định Abraham năm 2020 bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel, chính quyền Trump đã quyết định bán 50 máy bay F-35 Lightning II cho Abu Dhabi.
Thỏa thuận trọn gói trị giá 23,37 tỷ USD cũng bao gồm khoảng 18 máy bay không người lái MQ-9B và các loại bom đạn không đối không, không đối đất.
Mỹ coi F-35 là viên ngọc quý của mình và khá kén chọn khách trong việc bán các máy bay chiến đấu này. Được phát triển bởi Lockheed Martin, F-35 là một trong những máy bay chiến đấu có công nghệ tiên tiến nhất từng được chế tạo.
Có tám đối tác quốc tế cho chương trình Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 là: Mỹ, Vương quốc Anh, Ý, Hà Lan, Úc, Na Uy, Đan Mạch và Canada.
Theo Lockheed Martin, nhà thầu chính của chương trình, 6 khách hàng nước ngoài cũng đang mua sắm và vận hành F-35 bao gồm Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Bỉ và Singapore.
F-35 được coi là một cỗ máy tàng hình cao cấp với khả năng nhận biết tình huống chưa từng có để tiến hành các nhiệm vụ bằng tác chiến điện tử, được hỗ trợ bởi khả năng thu thập dữ liệu tiên tiến và hệ thống giao tiếp mạnh mẽ.
Gói cảm biến công nghệ cao của máy bay thu thập một lượng lớn dữ liệu, nhiều hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào trước đây, mang lại cho phi công lợi thế quyết định trong trận chiến.
Theo thỏa thuận giữa Mỹ và UAE, những chiếc F-35 sẽ được chuyển giao vào năm 2027. WSJ nói rằng Mỹ, trước khi bán các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của mình, muốn có sự đảm bảo từ UAE rằng họ sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận bất kỳ công nghệ chiến đấu nào của Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Gregory Meeks đã đưa ra “nhiều câu hỏi về bất kỳ quyết định nào của Chính quyền Biden trong việc tiếp tục đề xuất chuyển giao F-35, UAV vũ trang (máy bay không người lái), đạn dược và các loại vũ khí khác của Chính quyền Trump” .
Israel hiện là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có F-35 trong kho vũ khí của mình. Vào thời điểm đạt được thỏa thuận Mỹ-UAE, Israel đã bày tỏ thái độ dè dặt đối với thỏa thuận này.
Mối quan hệ chặt chẽ mà họ chia sẻ với Mỹ đã giúp Israel dễ dàng đạt được sự đảm bảo rằng ngay cả với thỏa thuận, lợi thế quân sự của Israel trong khu vực sẽ được duy trì.
Trên thực tế, duy trì lợi thế quân sự của Israel là một trong những điều kiện của chính quyền Biden để bán F-35 cho UAE. Ngoài điều này, Mỹ còn đặt ra hai điều kiện khác - UAE sẽ đảm bảo rằng bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, không được tiếp cận F-35 hoặc công nghệ máy bay không người lái và UAE sẽ không sử dụng những vũ khí này ở Yemen hoặc Libya.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và UAE đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong những năm qua - từ quân sự đến công nghệ cũng như y tế, như đã thấy trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Trung Quốc đã cung cấp vắc xin Sinopharm cho UAE.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 về tham vọng quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đang xem xét các địa điểm để thiết lập các cơ sở hậu cần quân sự của mình, bao gồm cả UAE.
WSJ dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ nói Bắc Kinh có thể đang xem xét việc thành lập một căn cứ hải quân ở UAE và gửi quân nhân đến nước này.