Tại sao Mỹ lo ngại về máy bay không người lái của Trung Quốc đến vậy?
Những mảnh dữ liệu đơn thuần thì không có gì quan trọng nhưng khi xâu chuỗi lại với nhau, đối thủ có thể nắm thông tin sâu chưa từng có
Nguy cơ thông tin bị lợi dụng
Tuần qua, DJI - hãng sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới và 7 công ty khác của Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào “danh sách đen” vì liên quan tới các vấn đề nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương. Tính đến nay, DJI đã bị trừng phạt qua 2 đời Tổng thống Mỹ và trong tương lai sẽ còn gặp nhiều hạn chế hơn nữa.
Chia sẻ với Bloomberg, Carson Miller, sinh viên đại học bang Indiana, Mỹ đang sở hữu một tài khoản YouTube với 80.000 người đăng ký, chuyên đánh giá về các mẫu máy bay không người lái (drone) mới nhất cho biết, cũng như bao người trẻ khác tại Mỹ, Miller chỉ coi máy bay không người lái là thú vui, tuyệt nhiên không nghĩ tới đây có thể là công cụ đắc lực của tình báo Trung Quốc.
Miller đã mua mẫu DJI đầu tiên vào năm 2016 với giá 500 USD và hiện đang sở hữu khoảng 6 chiếc khác qua các đời khác nhau.
Tuy nhiên, với những người làm công tác an ninh, tình báo Mỹ, cách nhìn của họ lại khác.
Nhiều nhà phê bình lo ngại, các doanh nghiệp sản xuất máy bay không người lái của Trung Quốc như DJI đang chuyển rất nhiều dữ liệu nhạy cảm của Mỹ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc: Từ thông tin hạ tầng cơ bản như đập, cầu đường, cho đến dữ liệu cá nhân như nhịp tim, nhận diện khuôn mặt…
Thời gian gần đây, một số cựu quan chức cấp cao từ thời Tổng thống Donald Trump và Barack Obama đều cảnh báo Bắc Kinh có thể thu thập thông tin cá nhân của công dân các nước đối thủ, trong khi chính họ lại phòng vệ nghiêm ngặt dữ liệu cá nhân của 1,4 tỷ dân của mình.
Trong bài viết chia sẻ trên trang Foreign Affairs, Giáo sư Oona Hathaway, làm việc tại Trường Luật Đại học Yale, từng làm việc trong Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “Nếu tính riêng từng mảnh thông tin bình thường thì không có gì quan trọng nhưng nếu kết hợp lại, đối thủ nước ngoài có thể nắm được thông tin sâu chưa từng có về đời sống cá nhân của hầu hết người dân Mỹ”.
Bloomberg dẫn lời cựu Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Matt Pottinger đánh giá, Trung Quốc đã đi trước phương Tây khi nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu đối với cả lĩnh vực kinh tế và quân sự.
“Nếu Washington và các đồng minh không có phản ứng mạnh mẽ, Bắc Kinh sẽ đi trước nắm giữ quyền lực toàn cầu trong tương lai”, ông Pottinger viết.
Cuộc chiến về dữ liệu
Cũng theo Bloomberg, cuộc chiến dữ liệu đã đánh đúng trọng tâm cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc và khả năng sẽ định hình lại nền kinh tế thế giới trong vài thập kỷ tới - đặc biệt là khi mọi thứ từ ô tô đến thảm yoga, bồn vệ sinh đều có chức năng truyền dữ liệu.
Việc khai thác những thông tin này là chìa khóa để thống trị về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo.
Xa hơn, nhiều bên lo ngại các chính phủ có thể sử dụng dữ liệu thu thập từ ứng dụng điện thoại thông minh, thiết bị y tế và sản phẩm tiêu dùng như drone để biến thông tin thành vũ khí.
Mặt khác, một luồng ý kiến khác cho rằng, động thái “tấn công” DJI của Mỹ là nhằm bảo vệ khả năng sản xuất drone của nước này. Ông Kay Wackwitz, Giám đốc điều hành công ty phân tích dữ liệu Drone Industry Insights đánh giá: “Theo tôi, lý do chính của Mỹ là muốn đẩy các nhà sản xuất của Trung Quốc ra khỏi thị trường”.
Thực tế, công ty Trung Quốc đang thống trị hơn nửa thị trường drone tại Mỹ. Một báo cáo khác ước tính, DJI đang chiếm gần 95% thị phần drone trong phân khúc giá từ 350 - 2.000USD.
Và những lo ngại dữ liệu kể trên đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng cùng các thị trường tài chính.
Trong vài năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều “canh phòng” chặt chẽ hơn để bảo vệ dữ liệu công dân.
Năm 2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu bật vấn đề này và thông báo kế hoạch cấm hoàn toàn 2 ứng dụng nổi tiếng nhất của Trung Quốc là TikTok và WeChat đồng thời nhấn mạnh các nước đồng minh phải thực hiện chiến dịch “Làm sạch hệ thống”, loại bỏ các công ty và thiết bị của Trung Quốc.
Tiếp đó chính quyền ông Trump đã cấm DJI mua phụ tùng của Mỹ.
Mới đây, với việc DJI bị đưa vào danh sách đen đồng nghĩa chính quyền ông Joe Biden đã chặn người Mỹ đầu tư, mua cổ phiếu của công ty này.
Thêm nữa, các nghị sĩ từ 2 đảng đang cân nhắc 1 dự luật yêu cầu cấm mua DJI trên toàn liên bang, thậm chí 1 thành viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ còn muốn loại bỏ tất cả các thiết bị của công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường này.
Trung Quốc cực lực chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cáo buộc Washington đang tận dụng lý do “an ninh quốc gia” để làm khó các công ty Trung Quốc.
Theo Bloomberg, những lo ngại về mối đe dọa an ninh kể trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của DJI. Thị phần của công ty này trên thị trường drone thương mại với tổng trị giá 2 tỷ USD đã giảm từ 74% trong năm 2018 xuống còn 54% ở thời điểm đầu năm 2021.