Việc trang bị cho những chiếc trực thăng vũ trang tiến công mặt đất những vũ khí mới, có mức chính xác cao, là một phần trong chiến lược trang bị của Quân đội Mỹ, nhằm đối phó với những mối đe dọa mới, của các cuộc chiến tranh cục bộ, mà Quân đội Mỹ tham gia.
Trực thăng tấn công chủ lực của Lục quân Mỹ hiện nay là AH-64 Apache, khi được trang bị loại tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS của Israel, giúp cho các phi công trực thăng Apache, có thể "bắn tỉa" các mục tiêu mặt đất, mà không cần ngắm.
Tên lửa Spike NLOS sẽ giúp máy bay và phi công điều khiển trực thăng tấn công Apache an toàn sau chỗ ẩn nấp, có thể một ngọn đồi hoặc cánh rừng và phóng tên lửa đến mục tiêu, mà không sợ bị đối phương phát hiện và tiêu diệt.
Tên lửa Spike NLOS sử dụng phương pháp dẫn đường bằng quang ảnh nhiệt; về bản chất đó là một máy ảnh, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết ngày/đêm, cũng như điều kiện chiến trường khói bụi.
Spike NLOS có nhiều phiên bản, nhưng phiên bản lắp trên trực thăng AH-64 có tầm bắn 25 km, tên lửa sử dụng liên kết dữ liệu không dây để kết nối với hệ thống điều khiển trên máy bay, do phi công điều khiển vũ khí sử dụng.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất Rafael "Spike NLOS cung cấp cho xạ thủ khả năng độc nhất, để tấn công mục tiêu ở cự ly xa, mà không cần lấy đường ngắm".
Phương pháp tiến công của Spike NLOS cũng rất đa dạng, có thể tiến công trực tiếp, hoặc gián tiếp mục tiêu. Phương pháp trực tiếp là phi công phát hiện mục tiêu, khóa mục tiêu vào hệ thống và nhấn nút phóng; phương pháp gián tiếp là nạp tọa độ vào tên lửa và phóng.
Với đa dạng phương pháp tiến công, cho phép phi công có thể tiêu diệt các mục tiêu lộ/ẩn với độ chính xác rất cao; đồng thời có thể ngay lập tức đánh giá chính xác thiệt hại của mục tiêu và thu thập thông tin tình báo theo thời gian thực.
Một nhà báo của tờ Defense News, đã chứng kiến cuộc thử nghiệm tổ hợp Apache - Spike của Quân đội Mỹ, tại Bãi thử nghiệm Yuma, vào tháng 8/2019, trong điều kiện địa hình hiểm trở; chiếc AH-64 thử nghiệm nấp sau khe một quả núi, có chiều cao 490 mét và ngắm mục tiêu là mô hình hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir S-1 ở sườn dốc đối diện.
Trong cảnh quay được Defense News chứng kiến, chiếc Apache chỉ bay cao hơn chướng ngại vật cao nhất trong sa mạc vài chục mét, khi tên lửa được phóng đi. Trong trường hợp này, ngay cả hệ thống Pantsir S-1 có phát hiện ra chiếc Apache, cũng không thể tiêu diệt được chiếc máy bay này, vì nó bay quá sát địa hình.
Chiếc Apache thử nghiệm đã đã bắn trúng tất cả mục tiêu, trong tổng số 9 lần bắn để đánh giá hệ thống. Lần bắn thử tên lửa Spike NLOS cuối cùng của cuộc thử nghiệm, là tiêu diệt một mục tiêu đang di chuyển trong bóng đêm.
Spike NLOS là một phiên bản của dòng tên lửa Spike, trong đó có các phiên bản tầm ngắn Spike-SR (trang bị cho bộ binh), có tầm bắn từ 50 mét đến 1.500 mét. Phiên bản Spike-MR (sử dụng cho bộ binh và lực lượng đặc biệt), có tầm bắn từ 200 mét đến 2.500 mét.
Phiên bản mà Quân đội Mỹ thử nghiệm là Spike NLOS, được phóng từ trên không, có tầm bắn đến 25 km; ngoài ra còn có các phiên bản Spike-LR II, Spike-ER được phóng từ xe địa hình, trực thăng và tàu hải quân. Theo Rafael, tên lửa Spike hiện được 33 quốc gia sử dụng.
Câu hỏi tại sao Quân đội Mỹ mua tên lửa Spike NLOS của Israel? Câu trả lời, đây chỉ là một giải pháp tạm thời, trong khi Quân đội Mỹ đang "vận lộn" tìm vũ khí trang bị cho trực thăng vũ trang và UAV vũ trang của họ.
Hiện nay khả năng của các hệ thống phòng không mặt đất ngày càng cao, do vậy các phương tiện tiến công phải nằm ngoài vòng sát thương của các loại vũ khí này. Từ yếu tố trên, khiến Mỹ tích cực tìm tòi các loại vũ khí tiến công tầm xa và tên lửa Spike NLOS là một trong những giải pháp như vậy.
Ngoài ra, việc thúc đẩy trang bị vũ khí chính xác, có khả năng tiến công tầm xa, cho trực thăng vũ trang của Mỹ, cũng là một phần của nỗ lực, nhằm cân bằng khả năng với kho vũ khí pháo binh và tên lửa chiến thuật của Nga, đang có xu hướng vượt trội so với Mỹ. Nguồn ảnh: Pinterest.
Trực thăng Apache của quân đội Mỹ săn lùng khủng bố Taliban. Nguồn: Telegraph.
Tiến Minh