Tại sao NATO quan tâm tới châu Á - Thái Bình Dương?
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong hai ngày, 11-12.7 tại Litva sẽ có những nội dung quan trọng như việc cải tổ thể chế và khả năng kết nạp Ukraine.
Tuy nhiên, sự hiện diện của 4 nước quan sát viên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở hội nghị này một lần nữa cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của NATO đối với khu vực.
Kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ vào năm ngoái, các cuộc họp và hội nghị thượng đỉnh của NATO đã nhận được nhiều sự chú ý hơn so với những năm trước. Và có một số vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva, bắt đầu từ chiều 11.7. Tất nhiên, chủ đề quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ quân sự trong tương lai của NATO cho Ukraine. Các đồng minh cũng sẽ thảo luận về tư cách thành viên tiềm năng của Ukraine, quốc gia đang tìm kiếm một lời mời và một lộ trình cuối cùng để gia nhập NATO, điều mà cả Hoa Kỳ và Đức đều phản đối.
Các thành viên cũng sẽ thảo luận về cuộc cải tổ lớn đầu tiên đối với các kế hoạch quân sự của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh và các cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang tìm kiếm cam kết từ tất cả 31 thành viên dành ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng, một con số được coi là tham vọng lớn hơn so với một thập kỷ trước.
NATO vươn ra khỏi Bắc Đại Tây Dương
Những khách mời khác nhận được sự quan tâm đáng kể tại Hội nghị lần này là bốn nhà lãnh đạo từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm 4 đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AP4) tham dự cuộc họp riêng của tổ chức Bắc Đại Tây Dương sau cuộc họp thượng đỉnh năm tại Madrid.
Sự xuất hiện thường xuyên của bốn nhà lãnh đạo AP4 tại hội nghị thượng đỉnh của NATO đặt ra câu hỏi: Tại sao các nước châu Âu và Bắc Mỹ lại quan tâm tới một khu vực cách nửa vòng trái đất?
Có thể nói, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở nên nổi bật trong Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO, một tài liệu quan trọng phác thảo các giá trị, mục đích và vai trò của liên minh. Lần đầu tiên, tài liệu này đề cập đến tham vọng và chính sách của Trung Quốc như một thách thức lớn đối với an ninh, lợi ích và giá trị của NATO. Nó cũng đề cập cụ thể đến sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, điều mà NATO coi là mối đe dọa đối với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Do đó, "Khái niệm Chiến lược Madrid" của NATO coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “khu vực quan trọng đối với NATO, vì những diễn biến trong khu vực đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”.
Điều này được chính Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh khi ông đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc hồi thang 2: “An ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời”.
NATO đang vươn mình ra khỏi “Bắc Đại Tây Dương”, tương ứng với tầm nhìn chiến lược của khối này - nhấn mạnh nhiều mục tiêu ở châu Á - Thái Bình Dương, song trùng với tiến trình “xoay trục châu Á” của Washington.
Mối quan hệ đối tác mới này sẽ như thế nào?
Các nhà phân tích chính sách đã tranh luận về giá trị và hậu quả của mức độ hợp tác mở rộng này. Nhưng bất chấp sự ủng hộ hay chỉ trích, nhiệt tình hay lo ngại của các quốc gia khác, bốn quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trên dường như đều đang muốn đẩy mạnh hợp tác với NATO.
Thật vậy, nếu hội nghị thượng đỉnh Madrid là cơ hội để bốn đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và cam kết cam kết mạnh mẽ hơn đối với sự hợp tác trong tương lai với NATO, thì hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ đóng vai trò là tiêu chuẩn để đánh giá tiến trình đã đạt được. Đây là lý do tại sao, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, NATO đã nỗ lực để chính thức hóa mối quan hệ đối tác với AP4.
Nhật Bản và Australia đã đi đầu trong những nỗ lực này. Truyền thông Nhật Bản đưa tin vào tuần trước rằng Tokyo và Canberra đã kết thúc các cuộc đàm phán với NATO về một thỏa thuận mới có tên là “Chương trình hợp tác phù hợp với từng quốc gia” (ITPP). Chương trình này chỉ rõ các lĩnh vực hợp tác chính giữa mỗi nước và khối NATO.
New Zealand và Hàn Quốc cũng đang làm việc để hoàn tất các thỏa thuận riêng của họ với NATO. Quan hệ đối tác sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quan tâm toàn cầu, chẳng hạn như an ninh hàng hải, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, không gian bên ngoài và các công nghệ mới nổi và đột phá (bao gồm cả trí tuệ nhân tạo).
Và từ quan điểm quốc phòng, NATO và bốn đối tác sẽ hướng tới mục tiêu cải thiện “khả năng tương tác” quân đội của họ, tức khả năng của các lực lượng quân sự và hệ thống phòng thủ khác nhau có thể phối hợp hành động. Điều này có thể đòi hỏi phải tăng cường hiểu biết về tài sản quân sự của nhau, cải thiện mối quan hệ giữa binh lính của họ và các quân nhân khác, đồng thời mở rộng các cuộc tập trận chung.
Tại sao là châu Á - Thái Bình Dương?
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa NATO và các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương có thể được diễn giải theo hai cách.
Đầu tiên, những quan hệ đối tác này tạo thành một mắt xích quan trọng khác trong mạng lưới quan hệ ngoại giao và an ninh đang mở rộng giữa Mỹ, các đồng minh phương Tây và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng bổ sung cho các mối quan hệ đối tác như AUKUS và Quad.
Có một nguyên tắc là lợi ích Mỹ ở đâu thì sự hiện diện của NATO ở đó. Kịch bản này từng xảy ra ở Trung Đông, châu Âu. Nói cách khác, khi Nhà Trắng xác định lợi ích lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương thì NATO chính là tấm khiên tiền trạm “dọn đường” và bảo vệ lợi ích đó.
Bên cạnh đó, cũng có thể xem các thỏa thuận này trong bối cảnh NATO ngày càng mở rộng phạm vi tiếp cận với phần còn lại của thế giới trong vài thập kỷ qua. Trước đây, sự hợp tác của NATO với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên quan đến việc tập hợp các nguồn lực cho các hoạt động an ninh ở những quốc gia không phải là thành viên NATO, chẳng hạn như Balkan trong những năm 1990 và Afghanistan trong những năm 2000.
Ngày nay, việc củng cố các mối quan hệ đối tác này được coi là một phần quan trọng trong việc đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới đặt ra. Mặc dù những điều này nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng đây hoàn toàn không phải là khúc dạo đầu cho việc tạo ra một hiệp ước phòng thủ tập thể giống như NATO trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc sẽ không hoan nghênh mối quan tâm này. Trung Quốc đã chỉ trích văn phòng liên lạc NATO được đề xuất ở Tokyo là một nỗ lực “gây bất hòa cho khu vực”.
Tuy nhiên, cả bốn quốc gia đối tác châu Á - Thái Bình Dương của NATO dường như đều chung suy nghĩa rằng: họ mong đợi sẽ có thêm đối trọng để cân bằng cán cân so sánh lực lượng khu vực.