Tại sao Nga mềm mỏng với mạng xã hội Telegram?
Kể từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu, chính phủ Nga đã hạn chế truy cập Facebook, Twitter và một số hãng thông tấn khác, nhưng lại bỏ qua mạng xã hội Telegram.
Các kênh tin tức, chính trị và bình luận tiếng Nga trên nền tảng tin nhắn và mạng xã hội Telegram đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần số lượt đăng ký theo dõi trong những tuần gần đây, sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine và bắt đầu hạn chế truy cập Facebook và Twitter trong nước. Một số kênh Telegram còn có thêm 1 triệu lượt theo dõi chỉ trong vòng vài ngày.
Theo dịch vụ phân tích Telemetrio, số lượt theo dõi kênh tin tức tiếng Nga của nhà báo độc lập Ilya Varlamov (varlamov_news) đã tăng gấp 5 lần kể từ khi chiến sự bắt đầu và đạt mức gần 1,3 triệu. Trước đó, kênh varlamov_news đã chia sẻ video nhân viên của Kênh 1 trên truyền hình Nga cầm biển mang khẩu hiệu phản đối chiến tranh, video này đạt mốc 1,2 triệu lượt xem.
Bên cạnh đó, hai tờ báo lớn của Mỹ là New York Times và Washington Post cũng đã bắt đầu dùng kênh Telegram để xuất bản các bài viết và tin tức của mình về chiến tranh Nga - Ukraine.
Việc nhiều kênh Telegram vẫn chia sẻ nội dung trái với quan điểm chính thức của Chính phủ Nga về chiến tranh tại Ukraine khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao mạng xã hội này chưa bị hạn chế truy cập tại Nga như Facebook và Twitter.
Một số yếu tố hiển nhiên có thể giúp giải thích thực tế này. Kể từ khi được ra mắt tại Nga bởi 2 anh em Nikolai và Pavel Durov, Telegram đã trở thành kênh tin tức quan trọng cho nhiều người Nga. Nền tảng này cũng dần trở thành nơi Chính phủ Nga đưa ra nhiều thông điệp chính thức của mình.
Nhiều kênh Telegram có xu hướng ủng hộ Chính phủ Nga cũng tăng trưởng nhanh tương đương hoặc thậm chí nhanh hơn các kênh ủng hộ Ukraine hoặc mang tính độc lập kể từ khi chiến sự bắt đầu cuối tháng 2 vừa qua. RIA Novosti - một hãng tin do chính phủ Nga sở hữu - đã tăng số lượt theo dõi lên gần 4 lần và đạt mốc 1,6 triệu kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, theo Telemetrio.
Kênh Telegram của người đứng đầu Cộng hòa Chechen thuộc Nga Ramzan Kadyrov - một chính khách quyết liệt ủng hộ Kremlin - cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Ông Ivan Kolpakov, Tổng biên tập và người đồng sáng lập tờ báo độc lập tiếng Nga Meduza, cho rằng Telegram không bị chính phủ Nga coi là một “công cụ chiến tranh thông tin” chống lại Nga và do đó vẫn được để yên. Trang web của Meduza đã bị chặn tại Nga, nhưng kênh Telegram của tờ báo này vẫn hoạt động bình thường tại đây.
Một số chuyên gia mạng xã hội cho rằng lý do Nga mềm mỏng hơn với Telegram để tránh vấp phải phản đối từ dư luận. Telegram cho biết 7-8% người dùng nền tảng này đến từ Nga, tương đương hơn 40 triệu người. Cấm Telegram sẽ dẫn đến việc người Nga tìm đến VPN và nhiều công cụ khác để truy cập mạng xã hội này, giống như lần Iran chặn Telegram vào năm 2017 và 2018.
Bản thân Nga cũng đã thử chặn Telegram từ tháng 4/2018, với lý do nền tảng này không chấp hành quy định về lưu trữ khóa mã theo luật Varovaya. Tuy nhiên, quyết định này không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng truy cập Telegram tại Nga, một phần vì tính chất kỹ thuật của Telegram và một phần do việc người Nga tìm cách vượt qua lệnh cấm. Đến tháng 6/2020, cơ quan quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor gỡ bỏ lệnh chặn Telegram.
Quan điểm chính thức của Telegram là ủng hộ quyền tự do ngôn luận và phản đối kiểm duyệt. Tuy nhiên, mạng xã hội này vẫn tiến hành kiểm soát nội dung độc hại như nội dung khiêu dâm, bạo lực hoặc tư tưởng cực đoan. Đại diện của Telegram cũng nói rằng mạng xã hội này có chính sách “không thỏa hiệp” đối với các lệnh cấm như tại Iran, Nga hoặc Trung Quốc.
Tùng Phong (Theo The Wall Street Journal)