Hệ thống phòng không tầm thấp Tor-M2 là vũ khí phòng không có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không, từ máy bay không người lái đến tên lửa hành trình. Tor-M2 đã chứng tỏ được khả năng, khi bắn hạ nhiều UAV nhất tại chiến trường Syria.
Chưa bằng lòng với tính năng của tên lửa Tor-M2, Nga đã đầu tư nâng cấp mạnh hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor của mình. Điều này đã được công bố bởi các tập đoàn Almaz-Antey (Công ty có các chi nhánh chịu trách nhiệm sản xuất các hệ thống phòng không) vào đầu tháng 9/2021.
Almaz-Antey tuyên bố rằng, họ có kế hoạch nâng cấp triệt để tất cả các đặc tính chính của loại vũ khí này, cả trong chiến đấu và cơ động. Tuy nhiên Almaz-Antey cũng từ chối cung cấp chi tiết chính xác về quá trình hiện đại hóa, với lý do “bí mật nhà nước”.
Nhưng các nhà phân tích quân sự đã phân tích chi tiết về ưu và nhược điểm của hệ thống phòng không Tor-M2 và giải thích tại sao, những hệ thống phòng không chính của Nga lại cần phải hiện đại hóa ngay lập tức.
Một trong những mục tiêu của việc nâng cấp Tor-M2 là làm cho nó hiệu quả hơn để tiêu diệt máy bay không người lái (UAV). Almaz-Antey đã nâng cao khả năng của Tor-M2 (từ 8 lên 16 đạn tên lửa) và phát triển một radar mới, có thể phát hiện các mục tiêu nhỏ nhất và bay chậm trên không.
“Các loại đạn tên lửa của Tor-M2 hiện tại quá đắt, nếu so với những mục tiêu UAV rẻ tiền; vì vậy Almaz-Antey đang nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa cỡ nhỏ, rẻ tiền để bắn hạ các phương tiện bay không người lái.
Trong cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh năm 2020 cho thấy, vũ khí chống máy bay không người lái là điều cần thiết để tồn tại trong chiến tranh hiện đại. Ivan Konovalov, Giám đốc Phát triển của Quỹ Thúc đẩy Công nghệ Thế kỷ 21 cho biết.
Konovalov cũng cho rằng, Azerbaijan đã sử dụng rộng rãi UAV có gắn bom hoặc tên lửa để tiêu diệt các phương tiện bọc thép của Armenia. Trước khi xảy ra xung đột, không ai thực sự hiểu được mối đe dọa của UAV; bây giờ nó trở nên hiển nhiên. Vì vậy, Nga phải tăng cường mạnh mẽ khả năng của mình để vô hiệu hóa tiềm năng của UAV trên chiến trường”.
Dmitry Safonov, Tổng biên tập của tờ Independent Military Review, cũng đồng ý với nhận định của Konovalov và cho biết thêm: “Bắn hạ UAV là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cuộc tập trận quân sự Zapad 2021 mới nhất của Nga.
Tuy nhiên, lần diễn tập này, hệ thống phòng không Pantsir-M1 đã phải bắn hạ chúng bằng đạn pháo và chỉ huy các lực lượng phòng không của cuộc tập trận tuyên bố rằng, các hệ thống phòng không tầm ngắn khác (cả Tor-M2) cũng phải có khả năng loại bỏ các mục tiêu như vậy”.
Tại sao Quân đội Nga lại yêu cầu hệ thống phòng không Tor-M2 cần bắn hạ máy bay không người lái, trong khi các hệ thống phòng không khác của Nga đã có thể tiêu diệt UAV như Pantsir S-1 hoặc 2K22 Tunguska?
Câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa Tor-M2 và Pantsir-MiG-21; nếu Tor-M2 là phương tiện việt dã bánh xích, thì Pantsir S-1 là loại phương tiện việt dã bánh hơi.
Về bản chất, các hệ thống Tor-M2 ban đầu được chế tạo với nhiệm vụ hỗ trợ và bảo vệ các đơn vị chiến đấu đấu tuyến trước, nhất là các đơn vị bộ binh cơ giới; vì phương tiện bánh xích cung cấp cho Tor-M2 khả năng vượt qua những địa hình của đồng bằng châu Âu, thậm chí là không cần đường.
Safonov cho biết: “Tor-M2 có thể bám sát các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng, vì nó có khả năng ủi vượt các chướng ngại vật; trong khi Pantsir-M2 phải lùi lại, vì nó không có khả năng đi qua các địa hình, nếu chưa có đường giao thông”.
Cũng theo ông Safonov, một hệ thống phòng không theo sau bảo vệ các đơn vị bộ binh, bộ binh cơ giới, xe tăng ở tuyến phòng thủ đầu tiên, phải có khả năng bắn hạ các mục tiêu nhỏ trên không, nhất là số UAV; sẽ rất nguy hiểm, nếu không tiêu diệt được UAV, nhất là UAV mang vũ khí.
Một trong những bản nâng cấp mới nhất của Tor-M2 đã được giới thiệu trước công chúng theo thiết kế mô-đun. Hệ thống được thiết kế giữa vũ khí và khung xe không còn là cố định. Nếu cần thiết, bệ phóng tên lửa với radar bên trong, có thể được tháo ra và gắn trên bất kỳ hệ thống vận chuyển nào.
Safonov cho biết: “Bộ Quốc phòng Nga đã thử nghiệm Tor-M2 trên một trong những khinh hạm mới nhất của Hải quân Nga. Họ đặt mô-đun hỏa lực của hệ thống Tor-M2 lên sàn đáp trực thăng của tàu và kiểm tra xem nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không hay không. Kết quả thử nghiệm đạt kết quả tốt”.
Hiện nay hệ thống phòng không tầm thấp Tor-M2 hiện không có sản phẩm nước ngoài nào tương tự. Ông Konovalov phân tích: “Tor-M2 có khả năng bắn hạ các mục tiêu 360 độ xung quanh nó, trong khi thiết bị tương tự của nó (ví dụ như tên lửa Patriot của Mỹ) chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu trong một góc 180 độ”.
Ông Konovalov cũng cho biết, hệ thống Patriot có tầm bắn xa hơn (lên đến 180 km), trong khi Tor-M2 chỉ có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 16 km. Tuy nhiên hệ thống Tor cũng cơ động hơn, khi có thể bắn hạ mục tiêu khi đang di chuyển, trong khi Patriot phải dừng lại và chuẩn bị trận địa, nên cần nhiều thời gian hơn”. Nguồn ảnh: QQ.
Sức mạnh hệ thống tên lửa phòng không tự hành Tor-M1. Nguồn: Iz.
Tiến Minh