Như đã nói ở kỳ trước, sau khi đầu hàng năm 1974, người Kurd đã bị chia rẽ thành 2 phái khác nhau, gọi là KDP và PUK. KDP là viết tắt của Đảng dân chủ người Kurd (Kurdistan Democratic Party), đặc trưng là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc và thế tục.
Sau năm 1974, phái KDP theo đường lối chủ hòa, chấp nhận sống chung với người Iraq. Do tư tưởng chống cộng và thế tục của mình, KDP được chính quyền Saddam Hussein lẫn chính quyền nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, coi là một “chế độ an toàn” cho Kurdistan. Vào năm 1995, KDP đứng đầu bởi Masoud Barzani – con trai anh hùng dân tộc Mustafa Barzani.
PUK – viết tắt của Liên minh yêu nước người Kurd (Patriotic Union of Kurdistan) thì lại là một phái cực tả và thân Hồi giáo. Sau năm 1974, những người này không chịu buông vũ khí đầu hàng Iraq, do lo sợ sẽ bị thủ tiêu như người cộng sản ở Iraq.
Vì vậy, họ lui sâu về biên giới Iran nhờ sự tiếp sức của Iran mà duy trì chiến đấu. Sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran tăng cường mạnh mẽ sự hỗ trợ cho người KDP. Chính sự hỗ trợ này khiến Saddam Hussein tin rằng người Kurd bắt tay với Iran chống lại ông và đã trả thù tàn bạo người Kurd.
Và điều quan trọng ở đây là PUK liên hệ rất mật thiết với PKK – Đảng Công nhân người Kurd bị coi là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1995, đứng đầu PUK là Jalal Talabani – người sau này trở thành Tổng thống Iraq và là người Kurd duy nhất từng làm được điều này.
Uy tín của 2 phái KDP và PUK trong người Kurd là như nhau. Vì vậy năm 1991 sau khi giành lại quyền tự chủ, người Kurd đã không thể có một chính quyền đoàn kết giữa những người cánh hữu và cánh tả, giữa thế tục và Hồi giáo.
Nguy hiểm ở chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra sự có mặt của PKK trong lãnh thổ Iraq và ngược lại PUK đã xâm nhập lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Cho rằng tình trạng phân lập ở Kurdistan có thể gây nguy hại đến vùng biên Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara đã tăng cường hỗ trợ, gây áp lực cho phái KDP thân hữu và thế tục ở Kurdistan phải tiêu diệt PUK.
Cùng ý nghĩ này, Saddam Hussein cũng muốn tiêu diệt PUK để loại trừ tận gốc mối nguy với chế độ của đảng Ba’ath. Năm 1996, do sự phân lập không thể giải quyết, quốc hội và chính quyền người Kurd ở Khu tự trị Kurdistan bị tê liệt và đóng băng hoạt động.
Sau đó, các nhóm vũ trang ủng hộ KDP và PUK đã chiến đấu dữ đội tranh giành thủ đô Erbil. Cuộc giao tranh ở Erbil mùa hè năm 1996 làm 5.000 người chết và hàng trăm nghìn người phải di dời. Cuối cùng, với sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội Iraq của Saddam Hussein, phe KDP đã giành được thủ đô Erbil.
Do nghĩ là KDP đã chiến thắng, Saddam Hussein cho quân đội rút về, ký thỏa thuận chính thức công nhận Khu tự trị Kurdistan của người Kurd. Tuy vậy, đến tháng 10 năm đó, được cho là có sự hỗ trợ của lực lượng Iran phe PUK đã phản công, bất ngờ chiếm được thành phố lớn thứ 2 của người Kurd là Sulaymaniyah ở phía Đông Nam.
Từ đây, khu vực Kurdistan bị phân chia: Vùng Tây Bắc có thủ đô Erbil do KDP kiểm soát, còn vùng Đông Nam do PUK kiểm soát, thủ phủ đặt tại Sulaymaniyah.
Đến đây, vấn đề duy nhất còn lại là vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều chiến binh PUK vẫn còn trụ lại biên giới, thường xuyên qua lại giữa Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ PKK tấn công nước Thổ.
Để dẹp tận gốc các chiến binh PUK ở biên giới, năm 1997 Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành 2 chiến dịch: Hammer tháng 7/1997 và Dawn 9/1997. Trong 2 chiến dịch đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng vạn binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng, phối hợp cùng KDP tấn công PUK.
Kết thúc 2 chiến dịch, hơn 150 lính Thổ và 200 lính KDP thiệt mạng, tiêu diệt hơn 3.000 tay súng PUK. Kết quả là gần như quét sạch được khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chia cắt PUK và PKK.
Cuối cùng, đến tháng 8/1998 với sự trung gian của Mỹ và Iran, các phe người Kurd đã ký kết thỏa thuận đoàn kết, chấp nhận ngừng bắn và giữ nguyên lãnh thổ kiểm soát hiện tại. KDP cánh hữu kiểm soát vùng Tây Bắc và thủ đô Erbil, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ.
PUK cánh tả kiểm soát vùng Đông Nam, thủ phủ tại thành phố Sulaymaniyah, trong đó có thỏa thuận “không được tiếp cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ”. Sau thỏa thuận, hơn 100.000 người Kurd đã di chuyển trong lãnh thổ để đi đến khu vực mà phe họ ủng hộ kiểm soát.
Cho đến ngày nay, dù không chính thức nhưng sự phân lập trong khu vực người Kurd ở Iraq vẫn rất rõ. Những người cánh hữu và thế tục thường tập trung ở Tây Bắc, còn Đông Nam là thành trì của những người cánh tả.
Trong nội bộ lực lượng người Kurd, phe Tây Bắc có ưu thế hơn, khi Tổng thống và các chức vụ cao cấp thường rơi vào tay gia tộc Barzani, với Massoud Barzani – con trai anh hùng Mustafa Barzani làm Tổng thống. Nhưng PUK lại là phe có người Kurd duy nhất được làm Tổng thống Iraq – Jalal Talabani từ năm 2005 đến 2014.
Nói tóm lại, khu tự trị người Kurd ở Iraq được thành lập là món quà của Saddam Hussein ban cho họ để cầu hòa năm 1991 và chính thức được công nhận sau khi Saddam Hussein nghĩ rằng người Kurd đã đánh bại được phe cánh tả năm 1997.
Đến nay người Kurd riêng ở Iraq còn bị chia rẽ giữa 2 đảng phái chính trị. Người Kurd ở các nước khác nhau còn bị chia rẽ hơn nữa. Do đó, giấc mộng độc lập và thống nhất của họ vẫn còn rất xa nếu không hàn gắn được những chia rẽ này. Nguồn ảnh: Pinterest.
Israel tiến hành tấn công các lực lượng khủng bố thân Iran ở Syria. Nguồn: Foxnews.
Thái Hòa