Tại sao người Pháp không nói lời yêu?

Lời yêu thực sự khó được nghe từ một người Pháp vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, sự lãng mạn của họ vẫn vượt qua mọi ranh giới.

Lời yêu thực sự khó được nghe từ một người Pháp vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, sự lãng mạn của họ vẫn vượt qua mọi ranh giới.

Nước Pháp nổi tiếng với sự lãng mạn từ thiên nhiên, ngôn ngữ cho đến con người. Tuy nhiên, thực tế, người Pháp rất ít khi nói lời yêu mà thay bằng hành động.

Người Pháp không nói "Anh yêu em" hay "Em yêu anh" vì họ không có động từ nào để bày tỏ tình cảm mãnh liệt cho người mình yêu. Họ chỉ có duy nhất động từ "aimer" mang cả hai nghĩa "yêu" và "thích". Do đó, họ không thể dùng "aimer" để bày tỏ tình cảm với quả bóng bầu dục, một chiếc bánh mì tròn ấm áp hay mùi hoa tử đinh hương.

Đương nhiên, họ sẽ cảm thấy tầm thường và tẻ nhạt khi sử dụng mỗi từ đó để mô tả cảm xúc yêu thương mãnh liệt cho trẻ sơ sinh, một người bạn thời thơ ấu hoặc người bạn đời.

Không chỉ ở sự lãng mạn, Marie Houzelle, tác giả của cuốn tiểu thuyết Tita, nói cha mẹ người Pháp có thể nói "je t'aime" với con cái của họ. Tuy nhiên, đa phần họ gọi chúng là "ma puce" (bọ chét của tôi), "mon chou" (bắp cải của tôi). Đây đều là những biệt danh thân mật phổ biến ở Pháp.

Theo chuyên gia tâm lý Robert Neuburger trong ấn bản tiếng Pháp của tạp chí Slate: "Giống như lời chào hoặc nụ hôn, biệt danh là một phần của sự thân thiết giữa cặp vợ chồng. Nó là cách thức để phân biệt những người thân thiết với những người quen khác, điều này thật quý giá".

Ở Pháp, những biệt danh đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Một người đàn ông có thể gọi các đồng nghiệp nữ của mình là "mes chats" (những chú mèo của tôi). Một người bạn có thể gọi bạn nữ là "ma belle" (người đẹp của tôi).

Một cuộc tìm kiếm trên các tạp chí trực tuyến dành cho phụ nữ đã tạo ra danh sách hàng trăm biệt danh cho cha, mẹ, con cái, bạn bè hoặc người yêu như: "ma chéri", "mon coeur" (trái tim của tôi), "mon trésor" (kho báu của tôi), "ma perle" (ngọc trai của tôi).

Cây viết Sylvia Sabes của tờ BBC chia sẻ cô có một người chồng yêu thương mình. Sylvia biết điều đó vì mỗi ngày chồng đều gọi cô là "ma biche" (em yêu của anh) dù đã hơn một thập kỷ ở bên nhau. Mỗi cuối tuần, cô đều nhận được một bó hoa từ người chồng của mình. Tuy nhiên, Sylvia không thể nhớ được lần cuối chồng cô nói "je t'aime" (anh yêu em) với cô.

Thật kỳ lạ, ở Pháp, các cặp đôi có yêu nhau đến mấy cũng không nói những từ đó. Đó không phải do họ thiếu tình cảm hay sợ phải gắn bó.

Lily Heise, một nhà văn lãng mạn tự do sống tại Pháp, nói người Pháp rất dễ gắn bó. "Chỉ ba cuộc hẹn là đủ, họ không cần phải gặp ai nữa và mong muốn ở bên nhau mỗi ngày trừ khi có công việc cản trở", cô ấy chia sẻ.

Thay vì lời nói, người Pháp vui vẻ thể hiện cảm xúc của mình bằng những cái ôm, âu yếm và những nụ hôn ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào họ cảm thấy cần thể hiện điều đó. Mùa hè ở Paris đầy ắp những cặp đôi ngồi ôm nhau dọc sông Seine. Họ hôn nhau say đắm đến nỗi bỏ qua cả tiếng hò reo, khích lệ của du khách đi qua trên những chiếc thuyền.

Parigramme Press đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về những địa điểm tốt nhất để hôn ở Paris mang tên "Òu s'embrasser à Paris" (Hôn ở đâu tại Paris).

Tạp chí ELLE gợi ý đài phun nước Medici trong vườn Luxembourg hoặc một chiếc ghế dài ở quảng trường nhỏ Jehan-Rictus ở Montmartre hay đối diện với bức tường nơi "je t'aime" được viết bằng mọi ngôn ngữ.

"My Little Paris", trang web nổi tiếng dành cho người dân địa phương đã giới thiệu về nơi hò hẹn phù hợp cho các cặp đôi tại nghĩa trang Montparnasse, gần tác phẩm điêu khắc Nụ Hôn của Brancusi.

Người Pháp hôn thay lời yêu khi tạm biệt bạn bè và gia đình. Họ nói "je t'embrasse" (tôi hôn bạn) khi kết thúc các cuộc điện thoại với những người thân yêu. Ngoài ra, "bise" (những cái hôn) còn là một phần của cách chào hỏi tại Pháp.

Cách chào hỏi này, giống như những cái ôm của người Mỹ, hay cái bắt tay của người Rwanda đã được nhắc tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu. Điều này đã truyền cảm hứng cho người Pháp tìm ra những cách chào hỏi khác nhau khi phải tuân thủ giãn cách.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thích việc đấm tay, nhưng điều đó khiến mọi người ở quá gần nhau. Cái chạm chân nổi tiếng của cố Tổng thống Tanzania John Magufuli lại gây hại cho giày cao gót và những đôi giày da mà người Pháp yêu thích.

Việc chạm khuỷu tay là cách dễ nhất để chào hỏi. Tuy nhiên,chỉ nói "bonjours" (xin chào) vẫn khá lạ lẫm và "au revoirs" (tạm biệt) lại chưa thể hoàn thiện nếu như không có “bise” (những nụ hôn).

Vào tháng 5/2021, Pháp đã nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19. Lệnh giới nghiêm được lùi lại đến 21h và các nhà hàng hiện có thể phục vụ đồ ăn ngoài trời. Người Pháp đã ăn mừng sự kiện này. Họ chào hỏi nhau khi đeo khẩu trang, hoặc thỉnh thoảng là không.

Họ hôn nhau trước những quán cafe ở Paris, tại những căn nhà gỗ trên dãy Alps hay trong các túp lều trên bãi biển French Riviera. Những cặp đôi đã được tiêm vaccine có thể trao nhau những nụ hôn tại đám cưới, lễ rửa tội.

Người Pháp đều hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi để có thể trao nhau những nụ hôn. Bởi ở một đất nước không dễ nói lời yêu, ai cũng nóng lòng muốn được quay lại thể hiện tình yêu của mình, theo cách đơn giản và quen thuộc nhất.

Đỗ Linh

Minh họa: Mỷ Thi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-nguoi-phap-khong-noi-loi-yeu-post1245596.html