Tại sao người ta lại gọi những người vợ đanh đá là 'sư tử Hà Đông'? Hà Đông ở đây có phải là ở Hà Nội? Câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ

Thực tế thì Hà Đông là một nơi xa xôi, không phải ở Việt Nam như nhiều người lầm tưởng.

Không rõ từ khi nào, cụm từ “sư tử Hà Đông” đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người Việt Nam. Nhiều người thường dùng nó để chỉ một người phụ nữ hung dữ, đanh đá. Tuy được sử dụng phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa thật sự của cụm từ này.

Nhiều người cho rằng Hà Đông ở đây là một quận ở Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế thì nó thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Câu chuyện bắt nguồn từ thời nhà Tống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo “Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc” do Lê Huy Tiêu dịch thì vào thời Tống, ở vùng Vĩnh Gia có một chàng trai tên Trần Tháo, hiệu Long Khâu. Trần Tháo yêu thích võ thuật nên thường giao du với giang hồ, võ hiệp để học hỏi. Nhưng đến trung niên, ông thay đổi tính cách, muốn rời xa giang hồ để sống cuộc đời văn chương. Tuy nhiên, do khả năng có hạn nên Trần Tháo lui về ở ẩn, lấy vợ và sống cuộc sống yên bình.

Đôi khi, các huynh đệ cũ của Trần Tháo vẫn đến thăm để ôn lại chuyện xưa. Sau này, họ còn dẫn theo các ca nương xinh đẹp đến hát hò, nhậu nhẹt.

Vợ của Trần Tháo là Liễu Thị không hài lòng với việc này. Một lần, bà đứng dậy, cầm gậy và đánh liên tục vào tường, quát tháo ầm ĩ. Mọi người thấy vậy liền sợ hãi, đứng dậy bỏ về. Trần Tháo mặc dù thấy hành động của vợ khiếm nhã nhưng vì sợ vợ nên chỉ đứng im.

Tô Đông Pha biết được chuyện này đã làm một bài thơ chế giễu: “Long Khâu cư sĩ diệc khả liên/Đàm không, thuyết hữu, dạ bất miên/Hốt văn Hà Đông sư tử hống/Trụ trượng lạc thủ, tâm mang nhiên” (dịch nghĩa: Cư sĩ Long Khâu thật đáng thương/Đêm chẳng ngủ, nói có, nói không/Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống/Gậy chống rời tay, lòng hoang mang).

Trong bài thơ, Hà Đông là địa danh trong câu thơ của Đỗ Phủ: “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” (cô gái Hà Đông họ Liễu). Vì Liễu Thị – vợ của Trần Tháo cũng là người Hà Đông, và “sư tử hống” là từ nhà Phật, ví von giọng thuyết pháp của Đức Phật như tiếng rống của sư tử, khiến muôn loài im lặng lắng nghe.

Từ đó, người đời dùng cụm từ “sư tử Hà Đông” để chỉ một người vợ đanh đá, hung dữ. Ở Việt Nam, người ta gọi là “sư tử Hà Đông”, còn ở Trung Quốc thì gọi là “Hà Đông sư tử hống”.

Bảo Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tai-sao-nguoi-ta-lai-goi-nhung-nguoi-vo-danh-da-la-su-tu-ha-dong-ha-dong-o-day-co-phai-la-o-ha-noi-cau-tra-loi-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo/20240806101639195