Tại sao nhiều bạn trẻ vẫn quyết tâm du học? Cơ hội thực tập, tìm việc thế nào?
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới, các du học sinh người Việt cũng gặp không ít khó khăn khi sống xa nhà và phải làm quen môi trường mới. Vậy tại sao nhiều bạn vẫn quyết tâm du học?
Du học giữa mùa dịch bệnh bùng phát mạnh
Đến Pháp vào tháng 10/2020, bạn Giáp Võ hiện theo học ngành Quản trị hàng không. Bạn cho biết, thời điểm mới qua là lúc Pháp đang giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh bùng phát nên mọi sinh hoạt, học tập đều qua hình thức online.
“Mỗi người được di chuyển bán kính không quá 10km trong khu vực mình sinh sống và đều phải điền một tờ khai báo online khi ra ngoài, giấy này sẽ trình báo khi gặp cảnh sát. May mắn đợt đó mùa Đông nên mình cũng chủ yếu ở nhà tránh rét. Siêu thị vẫn mở cửa bình thường, mình thấy không có khó khăn về mua sắm nhưng học tập rất vất vả vì phải học online”, Giáp Võ chia sẻ.
Giáp Võ cho biết ban đầu bạn có hơi bỡ ngỡ do thay đổi môi trường sống nhưng cũng nhanh chóng thích nghi vì đã sống xa nhà nhiều năm và rèn được tính tự lập. Hiện tại, Giáp Võ đã được tiêm 2 mũi vắc-xin cũng như tình hình dịch bệnh tại Pháp phần nào được khắc phục nên mọi sinh hoạt, học tập của anh bạn cũng thoải mái hơn.
“Pháp rất đẹp dù cho là thời gian nào đi chăng nữa. Các bạn bè cũng rất dễ thương và nhiệt tình nên tinh thần của mình cảm thấy tốt hơn nhiều”, chàng du học sinh tại Pháp cho biết.
Yếu tố quan trọng giúp Giáp Võ nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập, sinh sống tại Pháp là hội du học sinh người Việt tại đây hoạt động rất mạnh và có mặt ở hầu hết các thành phố. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh vừa qua tại Pháp, chính tình cảm, sự quan tâm của các du học sinh người Việt dành cho nhau là nguồn năng lượng vô cùng tích cực.
“Các bạn sinh viên Việt Nam rất năng động, nhạy bén, học hỏi rất nhanh nên mình nghĩ các bạn sẽ thích nghi tốt và không gặp nhiều khó khăn. Người Việt luôn đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, đôi khi còn tổ chức những buổi gặp mặt, tặng quà trong những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên Đán. Nhìn chung, mọi người rất vui vẻ, hòa đồng và sẵn sàng hỗ trợ nhau trong những tình huống khó khăn nhất”, Giáp Võ chia sẻ.
Bạn Phương Khanh sang Anh du học thạc sĩ vào tháng 9/2019 và hiện sinh sống, làm việc tại London. Thời điểm dịch bùng phát tại Anh, Phương Khanh đã quyết định ở lại thay vì về nước như nhiều du học sinh khác.
Một phần, bạn khá e ngại vì thời điểm đó nhiều người vẫn chưa đeo khẩu trang ở nơi công cộng, lại thêm không gian kín ở máy bay rất dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, ở lại cũng là thách thức vì Phương Khanh từng stress khi phải chuyển nhà mới, bạn bè cũng về nước khá nhiều và bạn phải ở trong nhà suốt thời gian dài do lệnh lockdown.
Cơ hội thực tập, tìm việc: Thử thách lớn nhất
Bạn Giáp Võ cho biết, ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch bệnh hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Hầu hết các chuyến bay đã bị hủy, các công ty lớn cắt giảm nhân viên nên cơ hội thực tập, làm việc với sinh viên cũng khó khăn hơn bao giờ hết.
“Theo dự đoán một cách khả quan nhất, đến 2024, ngành hàng không mới đạt lại được mức tăng trưởng như năm 2019 - thời điểm trước dịch.” - Giáp Võ chia sẻ.
Tuy vậy Giáp Võ vẫn quyết định sẽ ở lại Pháp làm việc một thời gian vì ngành Quản trị hàng không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. “Tuy nhiên đích đến cuối cùng vẫn là Việt Nam. Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường hàng không bùng nổ nhất trong 10 năm tới”, cậu bạn bày tỏ.
Với bạn Phương Khanh, do sang Anh vào tháng 9/2019 nên có chút may mắn so với nhiều du học sinh khác. Cô bạn đã kịp hoàn thành phần lớn chương trình học trước khi dịch bùng phát tại Anh vào tháng 3/2020.
Tuy nhiên, Phương Khanh cho biết cơ hội tìm được nơi thực tập hoặc việc làm tốt đối với du học sinh giữa thời điểm này khá khó khăn. “Bạn mình từng có công việc làm thêm rất tốt nhưng do dịch bùng lên nên doanh nghiệp đóng cửa và bạn mất việc. Mình may mắn chưa bị ảnh hưởng nhiều do làm việc với nhà trường và làm online. Nhưng quá trình đi tìm thực tập hoặc việc làm của mình khá khó khăn do đặc thù ngành học, lại là người nước ngoài. Chưa kể, tinh thần của mình cũng bị ảnh hưởng khi lockdown, phải ở nhà một mình, chưa có bạn mới do chuyển qua nhà mới. Tinh thần lúc đó suy sụp nhưng cuối cùng cũng may mắn tìm được nơi thực tập trong 6 tháng, tốt hơn so với nhiều bạn học chung.” - Phương Khanh chia sẻ.
Khó khăn, nhiều thách thức khi tìm cơ hội thực tập và việc làm nhưng Phương Khanh cũng nhìn ra tình hình chung của nhiều người vào lúc này: “Đối với người bản xứ cũng khó khăn không kém và tỷ lệ thất nghiệp tại Anh cũng ở mức cao. Đây là tình hình phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới”.