Tại sao nhiều người Nga không muốn tiêm vaccine Sputnik V?
Tháng 8/2020, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine phòng bệnh COVID-19. Hiện tại, dù Sputnik V đã có danh tiếng trên toàn cầu, nhưng nhiều người dân nước này vẫn không muốn tiêm chủng.
Theo hãng tin RT (Nga), được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya và đặt tên theo vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nước này, Sputnik V đã được hoan nghênh trên toàn thế giới. Các quan chức y tế và chuyên gia từ Mỹ, Đức, cũng khen ngợi thành tích ấn tượng của các nhà khoa học Nga.
Là một viện dịch tễ và vi sinh vật học, Trung tâm Gamaleya chắc chắn không còn xa lạ với những đột phá khoa học, với những thành công trong việc ngăn chặn cả dịch Ebola và MERS. Bởi vậy, vaccine Sputnik V được cho là đã có chỗ dựa vững chắc.
Dựa trên công nghệ vector virus, Sputnik V được chế tạo theo công thức tương tự như vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson. Tuy nhiên, không giống với các loại vaccine này, Sputnik V không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo bởi các quốc gia đã sử dụng nó.
Hơn thế nữa, vào tháng 2, Tạp chí Y khoa danh tiếng của Anh The Lancet đã công bố dữ liệu từ các nhà khoa học Gamaleya cho thấy Sputnik có hiệu quả phòng bệnh COVID-19 lên tới 91,6%.
Ngoài ra, Sputnik V không gặp bất kỳ vấn đề gì về nguồn cung, đặc biệt hai thành phố Moscow và St.Petersburg luôn có sẵn liều lượng. Tại thủ đô Moscow, người dân thậm chí còn có thể tiêm phòng ở trung tâm thương mại nổi tiếng GUM, trên Quảng trường Đỏ. Ở các thành phố phía nam như Krasnodar và Sochi, mọi người cũng có thể dễ dàng tiêm phòng ở các trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết tính đến ngày 26/4, chỉ có 7,5 triệu người dân Nga (chiếm 5% dân số) đã được tiêm chủng đầy đủ. Con số này thấp hơn đáng kể những nước như Mỹ và Anh, dù 2 quốc gia tốn nhiều thời gian để phê duyệt vaccine hơn. Tỷ lệ người Nga được tiêm phòng thậm chí còn ít hơn cả Pháp và Đức, cả 2 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có chương trình tiêm chủng chậm chạp.
Song không giống như EU, tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Nga dường như không phải do thiếu vaccine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nguyên nhân là do nhu cầu ở tiêm chủng ở quốc gia này rất thấp. Vậy nguyên nhân khiến người Nga không muốn tiêm chủng là gì?
Chủ nghĩa hoài nghi vaccine
Theo dữ liệu thăm dò hiện có, yếu tố quan trọng nhất dường như là sự thiếu tin tưởng vào vaccine nói chung.
Nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ hồi tháng 3 tiết lộ rằng chỉ có khoảng 30% dân số Nga muốn tiêm phòng COVID-19. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, nơi hơn 4/5 dân số cho biết họ sẵn sàng tiêm vaccine.
Những phát hiện này gần như tương tự với cuộc khảo hồi tháng 2 của Trung tâm Levada, cho thấy chỉ 30% người Nga quan tâm đến vaccine Sputnik V, 62% dân số hoàn toàn phản đối và 4% đã tiêm vaccine.
Ngày 11/8/2020, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nước này đã đăng ký vaccine Sputnik V phòng bệnh COVID-19. Phát biểu trên TV, ông gọi đây là “thời điểm quan trọng đối với toàn thế giới” và trấn an người Nga rằng vaccine hoạt động “khá hiệu quả” và “đã vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm cần thiết”. Ngay cả con gái của ông cũng đã được tiêm vaccine này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Sputnik-V vẫn chưa vượt qua thử nghiệm giai đoạn 3. Điều này khiến Moscow bị cáo buộc đã đốt cháy giai đoạn để tung ra vaccine với tốc độ nhanh hơn thông thường. Một số nhà khoa học phương Tây coi đây là “quyết định liều lĩnh”.
Đặc biệt, tại Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cũng bày tỏ “nghi ngờ nghiêm trọng” khi một loại vaccine “an toàn và hiệu quả” được chế tạo chỉ được thử nghiệm ở gần 100 tình nguyện viên.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành thử nghiệm cuối cùng, kết quả cho thấy vaccine đạt hiệu quả 91,6%. Song điều này khiến nhiều chuyên gia, bao gồm cả Tiến sĩ Fauci, không hoàn toàn bị thuyết phục.
Tổng thống Putin không công khai tiêm vaccine
Không giống như các chính phủ khác, Điện Kremlin tỏ ra ít mạnh mẽ hơn nhiều trong việc khuyến khích người dân tiêm chủng. Minh chứng của điều này là việc Tổng thống Putin từ chối tiêm vaccine công khai.
Vào tháng 12, ông Dmitry Peskov tiết lộ rằng Tổng thống Putin tiêm vaccine muộn là do phải “chờ đợi hoàn tất các thủ tục”, như thử nghiệm giai đoạn 3.
Cuối cùng, khi quyết định tiêm chủng vào ngày 23/3, ông Putin đã đưa ra quyết định bất ngờ rằng ông không công khai tiêm vaccine. Trong khi đó, các nhà lãnh khác - chẳng hạn như Thủ tướng Boris Johnson của Anh, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine và Tổng thống Joe Biden của Mỹ - đều đã được tiêm vaccine trước ống kính.
Tuy nhiên, quyết định không tiêm vaccine trước máy quay và từ chối nêu tên loại vaccine cụ thể mà ông đã tiêm, đã dẫn đến một loạt các thuyết âm mưu. Một số người tin rằng Tổng thống Nga đã tiêm vaccine của nước ngoài thay vì tiêm vaccine nội địa. Nhiều người khác nói rằng ông chưa tiêm vaccine. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định sự thận trọng của tổng thống khi không công khai hình ảnh tiêm vaccine COVID-19 là để tránh thể hiện sự thiên vị đối với một trong 3 loại vaccine nội địa.
Thông tin sai lệch
Giống với nhiều quốc gia khác, chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 ở Nga cũng đã bị ảnh hưởng lớn bởi rất nhiều thông tin sai lệch, cả trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông chính thống
Trên truyền hình, một số chương trình đã tập trung vào những tiêu cực tiềm ẩn của việc tiêm chủng. Những câu chuyện gây sợ hãi, đặc biệt là về vaccine nước ngoài, tràn lan trên các kênh tin tức. Đặc biệt, hồi đầu năm, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về số ca tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, đặc biệt là những ca tử vong có liên quan đến cục máu đông.
Cũng có rất nhiều thông tin sai lệch về vaccine Sputnik V của Nga. Đặc biệt, trên các mạng xã hội như Vkontakte, WhatsApp và TikTok, các thuyết âm mưu về tác hại tiềm ẩn do vaccine gây ra cũng xuất hiện tràn lan.
Trên Telegram, các kênh như ‘Sorok Sorokov’ đã quảng bá nội dung chống lại vaccine. Họ cho rằng vaccine Sputnik V là sản phẩm “chống lại con người” và “được tạo ra từ tế bào của trẻ em đã chết”.
Với giới trẻ, trang web cung cấp thông tin sai lệch nguy hiểm nhất là TikTok. Nền tảng này tràn ngập những lời bịa đặt và xuyên tạc về vaccine của Nga.
Ông Alexandra Arkhipova, nhà nhân loại học và cựu nhà nghiên cứu tại Đại học RANEPA, cho biết việc tiếp cận với hàng loạt thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu về việc tiêm chủng cũng đã khiến người Nga sợ tiêm vaccine.
Thiếu động cơ
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc triển khai vaccine là sự thiếu động cơ để người Nga dành thời gian đi tiêm chủng. Mặc dù quốc gia này đã phải phong tỏa nghiêm trọng vào mùa xuân năm 2020, các hạn chế đã được nới lỏng tương đối kể từ khi Nga triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vào tháng 1. Các nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ đêm đã hoạt động. Nhiều người cho rằng Nga đã kiểm soát dịch tốt nên họ không cảm thấy cần phải đi tiêm vaccine.
Những người đã mắc COVID-19 cũng tin rằng họ không cần phải chủng ngừa vì họ đã có kháng thể ngăn virus.
Hành động của chính phủ
Bên trong Điện Kremlin, các quan chức đã bắt đầu lo lắng về việc thiếu người dân tiêm chủng.
Tuần trước, trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang, Tổng thống Putin đã kêu gọi người dân đi tiêm chủng.
"Tất cả mọi người dân đều phải có cơ hội tiêm vaccine, điều này sẽ giúp Nga đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm nay. Giải pháp cho vấn đề này nằm trong tay chúng ta, trong tay của tất cả người dân. Tôi một lần nữa kêu gọi người dân Nga hãy tiêm vaccine!”, ông nhấn mạnh.