Tại sao nhiều người sau đột quỵ bỗng nói tiếng nước ngoài?
Hiện nay, có hội chứng nhiều ngưòi tỉnh dậy sau cơn đột quỵ không nói được tiếng mẹ đẻ và chỉ có thể nói tiếng nước ngoài - các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu làm sao có thể xảy ra điều kỳ lạ này?
Sau một cơn đột quỵ, bà Liu Jiayu ở Trung Quốc đột nhiên chỉ nói tiếng Anh. Người phụ nữ đến từ tỉnh Hồ Nam trả lời một câu hỏi bằng tiếng Trung Quốc: "Bạn bao nhiêu tuổi?". Bà trả lời bằng tiếng Anh: "ninety-four" (94). Được biết, bà Liu đã từng dạy tiếng Anh trong một thời gian dài.
Một điều tương tự đã xảy ra với một người Anh chỉ nói giọng Xứ Wales sau một cơn đột quỵ, mặc dù ông không sống ở Xứ Wales trong suốt 70 năm cuộc đời vừa qua. Một người Đức sống ở phía Đông, sau khi bị đột quỵ bỗng nói tiếng Thụy Sĩ, nơi mà ông chưa từng đến.
Làm thế nào ngôn ngữ của chúng ta có thể thay đổi sau một cơn đột quỵ, đó là câu hỏi của nhiều nhà nghiên cứu.
GS Anja Lowit, chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ học và trị liệu ngôn ngữ của ĐH Strathclyde, TP Glasgow – Anh phân tích: "Đột quỵ xảy ra khi một vùng nhất định của não không còn được cung cấp máu. Tuy nhiên, những thay đổi trong lời nói không chỉ xảy ra sau đột quỵ mà còn nhiều tình huống khác liên quan đến hoạt động của não".
Sau một chấn thương ở đầu trong một trận bóng đá và hôn mê ngắn, một sinh viên Mỹ đã hồi tỉnh nhưng chỉ nói tiếng Tây Ban Nha.
Một phụ nữ người Anh, sau khi bị đau nửa đầu nghiêm trọng, có giọng Pháp và một bệnh nhân khác phát triển giọng nước ngoài mơ hồ sau cơn phản ứng với thuốc tiêm chủng.
Theo GS Lowit, sau đột quỵ hầu hết mọi người vẫn có thể nói tất cả các ngôn ngữ mà họ có sử dụng ít nhiều nhưng một số trường hợp có thể bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau và thường đây chỉ là hiện tượng tạm thời.
Nói một cách đơn giản, người sau một cơn đột quỵ não sẽ không còn đủ năng lượng để xây dựng tất cả các kết nối trước đó cùng một lúc và với cùng tốc độ. Lúc đó tùy thuộc vào những gì mà bộ não nhận được một trong số ngôn ngữ đã sử dụng có thể dễ dàng xuất hiện hơn. GS Lowit giải thích thêm: "Sau đột quỵ, một số vùng não nhất định đã chết nhưng tùy thuộc vào độ tuổi, não có thể sử dụng các vùng khác để đảm nhận các nhiệm vụ của vùng não chết".
"Rối loạn ngôn ngữ ở tuổi già có thể xảy ra ở một số dạng như sa sút trí tuệ, suy giảm khả năng tìm từ, ngữ pháp và phát âm chính xác của não. Hiện tượng này khác với sau một cơn đột quỵ ở đó sự mất mát ban đầu của các vùng não rất quyết liệt và sau đó khả năng sẽ được cải thiện trở lại nếu được hỗ trợ bằng trị liệu"- GS Lowit nói.