Tại sao nọc rắn hổ mang là vua của các loại độc?

Nọc độc thần kinh của rắn hổ mang khiến con mồi mất tri giác, nhận thức và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Rắn hổ mang có thể sống trong khu dân cư hoặc ở nương rẫy, bờ sông, suối, hang, đống gạch…, nên con người có nguy cơ bị tấn công. Chúng là một trong những loài độc nhất hành tinh.

Đoạt mạng người trong 30 phút

The Livescience, rắn hổ mang to lớn, nhiều con dài đến hơn 7 m. Chúng nổi bật với chiếc mũ trùm đầu, con ngươi tròn, vảy mịn và tư thế vươn cao, nhìn thẳng vào mắt người. Khi đối đầu, chúng nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất. Tiếng rít cảnh báo của chúng gần giống tiếng gầm gừ của loài chó.

Sở thú San Diego (California, Mỹ) cho biết những con rắn hổ mang có răng nanh dài, sắc nhọn. Chúng tiêm nọc độc vào kẻ thù qua răng nanh này. Chúng có khứu giác và tầm nhìn ban đêm tốt. Loài vật này thường sống ở các khu rừng mưa và đồng bằng miền khí hậu nhiệt đới. Ngoài ra, rắn hổ mang được tìm thấy ở các thảo nguyên, đồng cỏ, bụi tre, bờ sông, suối…

 Rắn hổ mang đoạt mạng người bằng chất độc thần kinh cực mạnh. Ảnh: Fipboard.

Rắn hổ mang đoạt mạng người bằng chất độc thần kinh cực mạnh. Ảnh: Fipboard.

Theo Đại học Michigan (Mỹ), người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi.

Mặc dù rắn hổ mang có khả năng phun chất độc thần kinh nguy hiểm, chúng thường không chủ động tấn công con người. Ngược lại, loài vật này bị con người tấn công, truy bắt và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ngoài ra, chúng còn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa xuất phát từ các hoạt động của con người như phá rừng, buôn lậu để lấy da, thực phẩm, thuốc…

Tại Việt Nam, hổ mang chúa được xếp vào danh sách loài rắn quý hiếm cần được bảo tồn. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán trái phép loài vật này vẫn diễn ra. Nhiều nạn nhân bị rắn hổ mang cắn thường đập chết con vật này và mang theo xác vào bệnh viện.

Nọc rắn hổ mang nguy hiểm thế nào?

Phác đồ điều trị của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh chỉ rõ hổ mang là loại rắn độc thường gặp ở Việt Nam. Nọc độc của chúng có bản chất là các enzyme, polypeptide gây tổn thương tổ chức, sưng nề, hoại tử, tổn thương thần kinh (độc tố thần kinh hậu synape, loại alpha) gây liệt cơ.

Ở một số trường hợp, nọc rắn hổ mang có thể khiến nạn nhân tử vong tức thì do liệt cơ, suy hô hấp. Tuy nhiên, tổn thương thường gặp nhất là hoại tử và sưng nề. Tình trạng hoại tử thường xuất hiện nhanh sau khi bị cắn và dẫn tới các biến chứng. Nạn nhân có thể bị mất một phần cơ thể và tàn phế.

 Ngón tay tím đen, hoại tử của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Ảnh: BVCR.

Ngón tay tím đen, hoại tử của bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn. Ảnh: BVCR.

Khi bị rắn hổ cắn, vị trí vết thương bị đỏ và sưng nề khiến nạn nhân đau đớn. Sau đó, tình trạng nặng tăng dần gây hoại tử, bọng nước. Khu vực vết thương thường có màu tím đen. Tình trạng hoại tử có thể lan rộng trong vài ngày và hình thành đường viền quanh vết cắn.

Nạn nhân bị rắn cắn có thể bị liệt cơ sau khoảng 3-20 giờ tùy liều lượng độc. Biểu hiện thường theo thứ tự, gồm sụp mi, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi, liệt cơ hô hấp và các chi. Liệt cơ thường dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu đáp ứng tốt với huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng liệt có thể hồi phục trong vài ngày.

Nếu đến bệnh viện kịp thời, nạn nhân sẽ được điều trị hỗ trợ, triệu chứng như đặt nội khí quản, thở máy và truyền huyết thanh đặc hiệu.

Các bệnh nhân bị biến chứng nặng hoặc tử vong thường do mất thời gian chờ đợi, sơ cứu không đúng cách, đến bệnh viện muộn hay được dùng huyết thanh trễ. Một số bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển tới bệnh viện. Nguyên nhân là độc tố tác động khiến nạn nhân bị suy hô hấp hoặc không tới cơ sở y tế gần nhất mà tự đi thẳng tới tuyến sau.

Người đàn ông bị mất đốt ngón tay do rắn hổ mang cắn Ông Y.T.K. (35 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) phải tháo đốt ngón tay bị hoại tử do độc tố rắn hổ mang chúa xâm lấn.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-noc-ran-ho-mang-la-vua-cua-cac-loai-doc-post1136743.html