Tại sao nước biển không dập tắt được núi lửa?

Nhiều người thắc mắc tại sao núi lửa phun trào giữa đại dương mênh mông mà không bị nước biển dập tắt, cùng tìm hiểu nguyên nhân khoa học đằng sau hiện tượng này.

"Xung khắc như nước với lửa" là điều mà ai cũng biết. Khi có hỏa hoạn, phản xạ đầu tiên của mọi người là tìm nước để dập lửa. Cũng vì thế mà nhiều người đặt câu hỏi tại sao nước biển không dập tắt được núi lửa khi chứng kiến núi lửa phun trào giữa biển khơi, xung quanh là lượng nước khổng lồ.

Tại sao nước biển không thể dập tắt núi lửa?

Dung nham từ núi lửa có nhiệt độ cực kỳ cao, thường nằm trong khoảng từ 700°C đến 1200°C. Khi nước biển tiếp xúc với nhiệt độ này, nó sẽ lập tức bốc hơi, tạo ra một lớp hơi nước dày đặc ngăn cách giữa nước và dung nham, khiến cho việc làm dịu dung nham trở nên cực kỳ khó khăn.

Khi nước biển tiếp xúc với dung nham nóng, nó nhanh chóng chuyển sang thể hơi, dẫn đến sự giãn nở đột ngột. Quá trình này không chỉ tạo ra áp suất lớn mà còn có thể gây ra các vụ nổ hơi nước - hiện tượng có thể làm tăng độ nguy hiểm của vụ phun trào núi lửa, thay vì kiểm soát nó. Điều này lý giải tại sao nước biển không thể dập tắt núi lửa.

Ngoài ra, phản ứng giữa muối trong nước biển và một số khoáng chất trong dung nham có thể dẫn đến sự phát thải các hợp chất nguy hiểm, bao gồm khí clo, có khả năng gây hại cho môi trường xung quanh và con người.

Các cột hơi nước bốc lên từ núi lửa Kilauea, trên Đảo Lớn của Hawaii vào ngày 20/5/2018. (Ảnh: Newsweek)

Các cột hơi nước bốc lên từ núi lửa Kilauea, trên Đảo Lớn của Hawaii vào ngày 20/5/2018. (Ảnh: Newsweek)

Lượng nước biển cần thiết để dập tắt một vụ phun trào núi lửa là rất lớn. Dung nham liên tục được đẩy lên từ sâu dưới lòng đất, và khối lượng khổng lồ của nó khiến việc sử dụng nước để làm nguội trở nên không khả thi. Thực tế là, núi lửa có thể phun trào trong một thời gian dài mà không bị cản trở.

Các phản ứng diễn ra bên trong núi lửa sản sinh ra nhiệt lượng lớn hơn rất nhiều so với khả năng làm mát của nước biển. Việc thêm nước vào không đủ để ngăn chặn được các phản ứng nhiệt học mạnh mẽ này.

Theo sách Những bí ẩn quanh ta, vẫn có những ngọn núi lửa ngầm dưới biển. Đá nóng chảy của từ những ngọn núi này chảy tràn ra trên đáy đại dương và được nước biển làm nguội, tạo ra nham thạch gối.

Ở độ sâu 2.000 mét, áp suất cao ngăn cản sự hình thành các vụ nổ hơi nước. Nhưng lên cao hơn, khi áp suất giảm đi, các vụ nổ này liên tiếp xảy ra. Người ta đã đo được lúc núi lửa phun ở Surtsey, một hòn đảo ngoài khơi Iceland, cứ 3 phút lại có một vụ nổ với sức công phá từ 20 đến 40 kiloton.

Vì nước biển không thể dập tắt được núi lửa nên trên thực tế, thay vì cố chấp dập một núi lửa đang hoạt động bằng nước, các nhà khoa học thường tập trung vào việc dự đoán và theo dõi hoạt động của núi lửa để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

Công tác sơ tán, cảnh báo sớm và nghiên cứu sâu về địa chất núi lửa đóng vai trò quan trọng hơn trong việc bảo vệ con người khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng của vụ phun trào núi lửa.

Mặc dù nước biển là nguồn tài nguyên tiện lợi và dồi dào nhưng trong trường hợp núi lửa phun, việc sử dụng nước lại không hiệu quả và có thể mang lại hậu quả không lường trước được. Các giải pháp quản lý và nghiên cứu núi lửa vẫn là yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn trước sức mạnh của tự nhiên.

Nhật Thùy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tai-sao-nuoc-bien-khong-dap-tat-duoc-nui-lua-ar910580.html