Tại sao ông Kim Jong-un dẫn con gái thị sát vụ phóng thử tên lửa?
Việc Chủ tịch Triều Tiên công khai con gái bằng hành động dẫn đi thị sát phóng thử tên lửa Hwasong-17 là vấn đề rất nhiều độc giả băn khoăn.
Thế hệ lãnh đạo kế cận của Triều Tiên?
Ngày 19/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố hình ảnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dẫn theo con gái thị sát buổi phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Truyền thông Triều Tiên cho biết tên lửa được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng một ngày trước đó và thuộc loại tên lửa Hwasong-17 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chạm đến đất liền Mỹ.
Theo hãng tin CNN, sự xuất hiện đặc biệt của con gái ông Kim Jong-un đã thu hút sự chú ý của phần đông dư luận thế giới.
Lý giải về vấn đề này, ông Leif-Eric Easley, Phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha tại Seoul, Hàn Quốc cho rằng: “Trên thế giới, việc chụp ảnh cùng một bé gái trước tên lửa tầm xa có thiết kế mang đầu đạn hạt nhân dường như khá lạ lẫm nhưng tại Triều Tiên, một vụ phóng thành công ICBM được coi là thắng lợi của đất nước”.
Ông Yang Moo-jin, Chủ tịch Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc, cho rằng qua việc thể hiện rằng bản thân có thể dành thời gian chất lượng cho con gái, dường như ông Kim muốn truyền tải thông điệp rằng gia đình ông tốt đẹp, ổn định và bản thân ông là nhà lãnh đạo của người dân.
Ông Yang cũng cho rằng hình ảnh do KCNA đăng tải cho thấy bé gái đóng vai trò quan trọng trong gia tộc họ Kim. Kể từ khi thành lập đất nước vào năm 1948, gia tộc họ Kim đã nắm vai trò lãnh đạo Triều Tiên. Chủ tịch Kim Il Sung là nhà sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Khi ông qua đời vào năm 1994, con trai ông - Kim Jong Il lên nắm quyền. 17 năm sau, ông Kim Jong-un cũng được giao trọng trách thay người cha đã mất.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, rõ ràng là trong tương lai gần sẽ không có sự thay đổi về lãnh đạo của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un mới chỉ 38 tuổi. Dù có vấn đề bất ngờ xảy ra với ông Kim, con gái (được cho là tên Ju Ae) cũng cần ít nhất 1 thập kỷ hoặc hơn mới có thể thay thế vị trí của cha để điều hành đất nước.
Ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định: "Thực sự không thể chắc chắn khi nói - việc ông Kim công khai con gái là ngầm ý về sự kế vị nhưng cũng không thể xem nhẹ khi lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên cho con gái xuất hiện trước truyền thông".
"Cô bé còn rất nhỏ và vai trò của cô bé trong vụ thử này không được truyền thông Triều Tiên công bố rõ ràng" - ông Panda nói.
Có thể thu thập thông tin giá trị về tên lửa Triều Tiên
Mặt khác, cũng liên quan tới vụ phóng tên lửa Hwasong-17 lần này, chuyên gia Ankit Panda cho rằng qua đoạn video do KCNA đăng tải ngày 19/11, tình báo phương Tây có thể thu thập thêm thông tin giá trị về tên lửa của Triều Tiên.
Theo ông, thông qua video, các nhà phân tích phương Tây có thể đánh giá được năng lực của tên lửa Triều Tiên. Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2017, Triều Tiên công bố video phóng tên lửa.
Vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng phóng ICBM cỡ lớn, tên lửa có khả năng bay trong hơn một giờ nhưng chưa thể hiện khả năng có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm xa.
Dẫu vậy, một số nhà phân tích cho rằng qua việc liên tục thử tên lửa thời gian qua, có thể thấy Triều Tiên đang dần cải tiến quá trình. Ngay đầu tháng này, Triều Tiên đã phóng một ICBM Hwasong-17 nhưng gặp thất bại.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định việc tên lửa được phóng ngày 18/11 không phát nổ cho thấy Triều Tiên đã khắc phục vấn đề kỹ thuật gặp phải trong những lần thử nghiệm trước đó.