Tại sao phi công của 'quái thú' SR-71 Mỹ, đều bắt buộc phải đã lập gia đình?
Một trong những yêu cầu bắt buộc để điều khiển phi cơ do thám SR-71 là các phi công phải đã lập gia đình. Theo các chuyên gia phân tích, việc đã kết hôn được xem như một 'bảo hiểm an toàn' để ngăn chặn khả năng phi công đào tẩu.
Trong suốt hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ do thám của mình, SR-71 Blackbird chưa từng chịu tổn thất nào từ đối phương cho dù lực lượng phòng không ở những nơi nó xâm nhập đã rất cố gắng để bắn hạ.
SR-71 Blackbird bay quá nhanh và quá cao khiến cho tên lửa hoặc máy bay đánh chặn không thể bắt kịp để triệt hạ nó. Vì là một vũ khí có tính tuyệt mật cao nên quá trình tuyển chọn phi công rất khắt khe.
“Các phi công phải có trình độ chuyên môn và thành thạo, có ít nhất 2.000 giờ bay, trong đó 1.000 giờ bay trên máy bay chiến đấu mới nhất; đã kết hôn, ổn định về cảm xúc và có động cơ tốt; từ 25-40 tuổi; cao dưới 1,83 m và nặng dưới 80kg để có thể ngồi vừa buồng lái”, ông David Robarge, nhà sử học CIA cho biết.
Đáng chú ý hơn cả, chính là vấn đề đã kết hôn. Theo các chuyên gia phân tích, việc đã kết hôn được xem như một “bảo hiểm an toàn” để ngăn chặn khả năng phi công của các loại vũ khí bí mật trong đó có SR-71 có thể đào tẩu sang các quốc gia đối thủ.
Với tốc độ khủng khiếp lên tới Mach 3,2 cùng trần bay 27km, SR-71 Blackbird được coi là máy bay quân sự siêu nhanh và cho đến nay vẫn chưa có một loại máy bay quân sự nào có thể phá vỡ kỷ lục của nó.
Hiện Mỹ đang phát triển một loại máy bay thay thế SR-71 Blackbird mang tên SR-72, dự tính SR-72 sẽ có vận tốc còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với SR-71 khi chúng có thể bay với vận tốc Mach 6. Cho đến khi SR-72 ra đời, thì SR-71 vẫn là huyền thoại về tốc độ lẫn độ cao mà một máy bay quân sự có thể đạt được.