Tại sao Rap Việt mùa hai giảm sức hút?
Rap Việt mùa hai quy tụ dàn thí sinh có chất lượng trội hơn năm ngoái. Nhưng toàn bộ tiết mục ở vòng Chinh phục mùa này đều không tạo ra dấu ấn.
Cho đến tập cuối của Vòng chinh phục, Rap Việt mùa hai chưa tìm thấy một tiết mục đủ sức gây bùng nổ truyền thông và mạng xã hội như mùa trước. Tập cuối, Obito - rapper xuất sắc đến từ tổ đội OTD - bước ra sân khấu, thực hiện bài thi mà theo đánh giá của Binz là "Hay nhất ở đây".
Nhưng bản rap Ngày mai là tương lai của Obito chỉ dừng ở mức gây ấn tượng về chuyên môn, và hiệu ứng tạo ra chỉ ở mức vừa phải, tương tự dàn "quái vật" Seachains, Blacka, Sol7 và Lil Wuyn.
Một rapper làm nhạc để khẳng định đẳng cấp trong giới rap, và tạo ra bản rap để lan tỏa đến mọi đối tượng khán giả là 2 phạm trù khác biệt. Những gì xảy ra tại Rap Việt mùa hai đã chứng minh điều đó. Phần lớn tiết mục đều chất lượng, nhưng khó "vào tai" so với mức cảm thụ.
Tính bất ngờ không còn
Các tiết mục ở vòng Chinh phục Rap Việt mùa một từng hút lượt xem khổng lồ. Nhiều bản rap cán mốc một triệu lượt xem, đến vài triệu lượt xem trong vài ngày. Riêng bản rap Bắc kim thang của Ricky Star tạo ra "cú nổ" thật sự, với tốc độ tăng lượt xem chóng mặt.
Tính bất ngờ là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của Rap Việt mùa một. Sau tập đầu tiên, bản rap Người cha câm của Hydra phủ sóng mạng xã hội. Bản rap viết về người cha là thứ mới mẻ, chứng minh cho khán giả đại chúng thấy rap không chỉ gai góc và là dòng nhạc để phô diễn cái tôi.
Cũng trong tập một, Yuno Bigboi gây chú ý qua bản rap Dám hay không dám. Nam rapper khoác lên trang phục của học sinh, nhưng lại rap trên chủ đề gắt gỏng.
Đến tập 2, Ricky Star gây bùng nổ bằng chất liệu âm nhạc hoàn toàn mới đối với khán giả đại chúng. Sau đó, tính bất ngờ tiếp tục bằng việc nữ rapper TLinh làm sống lại hit Chiếc khăn gió ấm. Tập 3 vòng Chinh phục Rap Việt mùa một còn có Gừng, Lăng LD, Gonzo gây ấn tượng.
Tiếp đó, đến lượt Duy Andy, 16 Typh, R.Tee, Dế Choắt, GDucky, MCK và Hành Or đưa sức nóng của rap đến đỉnh điểm.
Cách MCK "bắn" melodic rap cũng là gia vị mới cho số đông khán giả theo dõi Rap Việt. JustaTee phấn khích, cho biết đã chờ quá lâu để tìm thấy truyền nhân của dòng Melodic. Tiết mục của GDucky nổi lên từ sự cộng hưởng ở verse chất lượng, và làm sống lại bản hit Đôi mắt. R.Tee được khen ngợi vì đưa chầu văn vào rap. Hành Or "cháy" trên nền nhạc Beethoven.
Những thứ "gia vị" rất quen thuộc trong giới rap, nhưng lâu nay không được khán giả đại chúng đón nhận. Rap Việt như vai trò của chiếc cầu nối, gắn kết 2 đầu với nhau, giúp rap tạo sức hút mạnh chưa từng có.
Sự bùng nổ của mùa một chính là áp lực cho thí sinh mùa hai. Khán giả chờ đợi có thêm những thứ mới lạ, gây bùng nổ khi Rap Việt trở lại. Nhưng thực tế, những gì đặc sắc nhất, đại chúng nhất của các rapper đã dừng lại sau Rap Việt mùa một.
Tính bất ngờ ở Rap Việt mùa hai cũng hạn chế khi một loạt thí sinh là các gương mặt lão làng trong giới underground. Các khán giả đã nghe qua và biết Blacka, Sol7, Lil Wuyn, Seachains, Obito có gì. Trong khi đó, chất lượng của dàn thí sinh tân binh không đáng kể. Những D-Low, Coldzy đã cống hiến bản rap tốt, nhưng không có thêm yếu tố mới để khiến số đông khán giả phải trầm trồ.
Hai thái cực của chất lượng và sức hút
Từ thành công của Rap Việt mùa một, nhiều rapper tên tuổi tìm tới cuộc thi này với khát vọng thay đổi sự nghiệp. Một rapper được gọi là "thầy của giới rap" như Sol7 thẳng thắn chia sẻ: "Em tới đây vì chưa thành công", là đủ để nhìn nhận chuẩn xác vì sao các rapper gạo cội đến với Rap Việt.
Cán cân giữa rapper chất và newbie (chỉ các tân binh trong rap) ở mùa hai chênh lệch rõ. Chưa kể các rapper bị rớt từ vòng casting, và Robe, Orijinn, Gừng, Wino mất hút khỏi vòng Chinh phục không rõ lý do. Từ cơ sở này, thí sinh mùa 2 chất lượng, dẫn tới các bản rap cũng chất lượng đúng nghĩa theo tinh túy của dòng nhạc này.
Blacka đi flow (nhịp) biến ảo trong Sài Gòn có em. Sol7 chứng minh tầm vóc bậc thầy của khả năng viết lyrics, và pha trộn hài hòa chất liệu melodic rap vào bài thi. Lil Wuyn thể hiện flow dị biệt, cách chơi chữ ấn tượng. Obito liên tục biến đổi flow để "nuốt" tròn trịa bản phối. Các tiết mục của Pjpo (flow arfro beat), B-Wine hay R.A.F ở trình độ rất cao về flow và lyrics.
Đó là chất lượng của rap. Nhưng tại sao những tiết mục đó không thể gây sốt?
Có rất nhiều thước đo để phân loại trình độ của một rapper. Flow là thứ hay được nhắc tới nhất. Tiếp theo là cách viết lyrics, gieo vần, chơi chữ, kiểm soát delivery (khả năng truyền tải), chất giọng, phong cách... Những bản rap được gọi là "chất" cũng đi kèm với khó nghe, bởi các rapper "cân đo đong đếm" rất kỹ về flow, đổ chất xám vào từng câu chữ.
Bản rap Loto của Pjpo gieo vần ba (3 chữ cuối đồng âm) vào 7 câu liên tiếp. Tiết mục của Sol7, Blacka là loạt cặp vần đôi, đan xen tinh tế trong bố cục. Lil Wuyn, B-Wine và loạt thí sinh dành tâm huyết lớn cho phần lyrics, với nhiều từ ngữ không chỉ mang một lớp nghĩa. Các rapper đã thành công trong việc chứng minh đẳng cấp trong rap.
Nhưng với các khán giả không đào sâu về rap, môt bản rap đơn giản, có giai điệu đẹp, câu từ ý nghĩa dễ thấm và gây ấn tượng ngay từ đầu mới là đặc sắc. Thực tế, đây mới là nhóm khán giả làm nên thành công của Rap Việt, biến dòng nhạc rap trở nên đại chúng hơn bao giờ hết. Khi rapper thuyết phục được nhóm khán giả đó, sản phẩm của họ sẽ có sức bùng nổ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-rap-viet-mua-hai-giam-suc-hut-post1279500.html