Tại sao sơn chống cháy lại không được nghiệm thu về PCCC?
Việc quy định phải bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu (như dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy...) và phải kiểm định kết cấu công trình do Bộ Công an đặt ra có gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện? Lý giải về vấn đề này, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an đã phân tích, làm rõ.
Kết cấu trong công trình có cần phải bảo vệ chống cháy, tại sao? Và được quy định tại văn bản nào?
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, ngày 6/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Theo đó, tại quy chuẩn này có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì nhà vẫn duy trì được tính ổn định tổng thể và tính bất biến hình trong một khoảng thời gian nhất định, được quy định bằng bậc chịu lửa của nhà.
Tại Bảng 4 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD (Điều 2.6.2) có quy định giới hạn chịu lửa tối thiểu cần đạt được của các bộ phận kết cấu nhà tương ứng với bậc chịu lửa của công trình đó. Như vậy, các yêu cầu về giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực chính trong công trình được quy định tại Quy chuẩn 06:2020/BXD (nội dung này cũng tiếp tục được quy định tại quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD).
Cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH không đặt ra quy định mới, đồng thời, việc hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành các quy định này đã được triển khai từ thời điểm Quy chuẩn nêu trên có hiệu lực (tháng 7/2020).
Có các biện pháp nào để bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, có nhất thiết bắt buộc các kết cấu thép của nhà xưởng phải dùng sơn chống cháy hay không?
Theo quy định quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD (gọi tắt là Quy chuẩn 06) và các tài liệu nghiên cứu về an toàn cháy cho kết cấu công trình xây dựng, đối với các giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình, hiện nay có nhiều giải pháp để chủ đầu tư, nhà thầu thi công lựa chọn, ví dụ: - Thực hiện các giải pháp bảo vệ kết cấu bằng cách sử dụng các vật liệu bảo vệ điển hình tương tự hướng dẫn tại Phụ lục F của Quy chuẩn 06:2020/BXD (hoặc QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD);
- Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy chủ động: Lớp bảo vệ dạng phun, trát (vữa chống cháy), hoặc lớp bảo vệ dạng tấm ốp (thạch cao, tấm chống cháy…);
- Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy thụ động (sơn chống cháy); - Sử dụng các giải pháp kỹ thuật làm mát (bằng nước, dung dịch); - Sử dụng kết cấu bằng vật liệu đặc biệt có tính năng chịu lửa hoặc các loại vật liệu thay thế. Do đó, không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, trong thực tế, vì lý do thuận tiện thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy.
Nhưng không phải bất cứ kết cấu công trình nào cũng có thể dùng sơn chống cháy và không phải tất cả các sản phẩm sơn chống cháy đều có hiệu quả như nhau, do đó việc sử dụng giải pháp này cũng cần phải lưu ý các yếu tố kỹ thuật, cụ thể:
Trước khi lựa chọn phương án sử dụng sơn chống cháy hoặc các chất, vật liệu chống cháy khác để bảo vệ kết cấu công trình, cần có thiết kế chịu lửa để xác định các loại kết cấu chịu lực chính cần bảo vệ chống cháy và nhiệt độ tới hạn của kết cấu trong điều kiện cháy, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy tương ứng, Thực tế hiện nay, các đơn vị tư vấn thiết kế, chủ đầu tư thường bỏ qua bước thực hiện này;
Sản phẩm sơn chống cháy của các hãng khác nhau có hiệu quả bảo vệ khác nhau, đồng thời khi sử dụng lên các kết cấu khác nhau cũng có hiệu quả bảo vệ khác nhau. Do đó, các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình.
Về việc trong hồ sơ thiết kế về PCCC đã chấp thuận cho phép dùng sơn chống cháy, vậy khi sơn chống cháy lại không được nghiệm thu về PCCC.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nêu rõ, nội dung được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trên hồ sơ không bao gồm chấp thuận giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, mà chỉ chấp thuận việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình đó, làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình. Sau khi được thẩm duyệt về PCCC, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công kết cấu với các phương pháp bọc bảo vệ khác nhau để bảo đảm giới hạn chịu lửa, không nhất thiết phải dùng sơn chống cháy như dự kiến ban đầu.
Nhiều trường hợp tại hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp sử dụng sơn chống cháy, tuy nhiên các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm mà không dựa trên thiết kế chịu lửa của công trình (do không có thiết kế chịu lửa) và khả năng thực tế của các sản phẩm sơn chống cháy có trên thi trường (do không có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế của sơn chống cháy), dẫn tới việc thực hiện bất khả thi.
Thực tế, chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất sơn chống cháy và nhà thầu thi công thường không quan tâm đến các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sơn chống cháy, chủ yếu thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm, có tư duy giống như sử dụng sơn hoàn thiện nội ngoại thất, dẫn tới tình trạng các dự án sau khi thi công không bảo đảm an toàn về PCCC, không được nghiệm thu về PCCC.
Cần hiểu rõ, việc nêu phương án sử dụng sơn chống cháy (các phương án khác) trong thiết kế kết cấu chỉ mang tính định hướng giải pháp, nhưng cần tính đến tính khả thi của phương án đã đưa ra. Khi tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế, nếu phương án bảo vệ chống cháy kết cấu không khả thi có thể lập hồ sơ để thay thế bằng các phương án khác bảo đảm giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình.
Để đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư cần lựa chọn các sản phẩm sơn chống cháy đã được thử nghiệm, có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế và đã được kiểm định theo quy định (trong trường hợp này, cơ quan Cảnh sát PCCC thực hiện kiểm định mẫu kiểm chứng). Việc chủ đầu tư lựa chọn đơn vị sản xuất sơn chống cháy chưa đảm bảo chất lượng, tổ chức thi công sơn chống cháy khi không có kết quả kiểm định là chưa phù hợp, không tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều sản phẩm chất, vật liệu bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình phổ biến như:
Các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất: Sơn chống cháy NTS-101 của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ mới Việt Nam, Sơn chống cháy ICONER của Công ty TNHH Vật liệu tiên tiến DESAM; Công ty cổ phần Kỹ Thuật và Thương Mại SBC Việt Nam (đã thực hiện thử nghiệm và xây dựng tập hợp số liệu phục vụ thiết kế); dự kiến, sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm khác do doanh nghiệp trong nước sản xuất và được công bố bảo đảm chất lượng.
Các sản phẩm nhập khẩu đã có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế (do các tổ chức thử nghiệm quốc tế công bố) như: Vữa chống cháy Isolatek Type M-II (Greentech Asia Pacific/ Malaysia sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC), Vữa chống cháy Monokote Z-106/HY (GCP AppliedTechnologies/ Hàn Quốc sản xuất, đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định về PCCC); sơn chống cháy CharFomax SH-100 (Công ty Samhwa Paint/ Hàn Quốc); sơn chống cháy Firemask SQ476 (Công ty KCC Corporation/ Hàn Quốc); sơn chống cháy Steelmaster 60WB, Steelmaster 1200WF (Công ty Jotun A/S);
Các sản phẩm của Promat như: tấm ốp chống cháy (tên thương mại PROMATECTH), vữa chống cháy (tên thương mại PROMASPRAYC450), sơn chống cháy (tên thương mại PROMAPAINTSC3) …
Do đó, chủ đầu tư có thể lựa chọn sản phẩm có thông số kỹ thuật phù hợp với dự án, công trình để tổ chức thực hiện các giải pháp PCCC phù hợp.
Bộ Công an có quy định phải kiểm định kết cấu công trình, gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho hay, để đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu thực tế trong công trình, tại Điều 2.2.2.2 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD quy định 3 phương pháp (nội dung này tiếp tục được quy định tại QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD), gồm:
a) Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa;
b) Đối chiếu đặc điểm kỹ thuật với cấu kiện tương đương được nêu tại Phụ lục F của Quy chuẩn này;
c) Đối chiếu với mẫu thử nghiệm chịu lửa có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật tương đương.
Theo đó, trong trường hợp không có cơ sở đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực theo mục a) hoặc mục b) nêu trên thì cần phải thực hiện thử nghiệm chịu lửa cho mẫu kết cấu và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu đó. Đồng thời, tại Quy chuẩn này cũng quy định phương pháp thử nghiệm xác giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu chịu lực.
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Tại khoản 2 Điều 38 và mục 5 Phụ lục VII của Nghị định này có quy định “Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy” phải kiểm định về PCCC. Quy định này thay thế quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, quy định kiểm định vật liệu và chất chống cháy (ví dụ: sơn chống cháy; vật liệu chống cháy; chất ngâm tẩm chống cháy…). Việc kiểm định mẫu kết cấu bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy giúp đánh giá đầy đủ bản chất của kết cấu chịu lực làm việc trong điều kiện cháy, chứng minh khả năng bảo vệ chống cháy của các lớp vật liệu bảo vệ cho kết cấu công trình. Quy định này đảm bảo tính khoa học, đồng bộ với các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy do Bộ Xây dựng ban hành đã nêu trên, đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.
Để triển khai thực hiện các quy định nêu trên, ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường (không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định cho từng dự án, công trình).
Như vậy, không phải toàn bộ các kết cấu được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy đều phải kiểm định về PCCC và không cần thiết phải có Giấy chứng nhận kiểm định về PCCC cho từng dự án, công trình cụ thể.