Tại sao ta phải mơ?
Chúng ta thường chấp nhận chuyện nằm mơ như điều hiển nhiên. Ai mà chẳng mơ, đúng không? Nhưng nếu bạn từng thức dậy mà cảm thấy mệt mỏi hơn cả lúc đi ngủ thì có lẽ, đã đến lúc đặt lại một câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn: 'Tại sao ta phải mơ?'

Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels.
Câu hỏi đó đến từ J. Krishnamurti - một triết gia nổi tiếng với lối tư duy độc lập. Trong nhiều cuộc đối thoại và diễn thuyết, Krishnamurti từng tuyên bố ông là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái và cũng không thuộc bất kỳ tư tưởng, ý thức hệ nào.
Có lẽ vì vậy mà tư tưởng, triết lý của ông không bị giới hạn bởi thời gian, địa điểm, hay hoàn cảnh. Trong cuốn Đánh thức trí thông minh, ông không đưa ra lời khuyên cao siêu, cũng không dạy bạn phương pháp thiền hay thực hành các phương pháp để giúp ngủ ngon. Mà chỉ đơn giản chỉ ra rằng: giấc mơ là phần tiếp theo của cuộc sống ban ngày.

Sách Đánh thức trí thông mình. Ảnh: Huỳnh Quỳnh
Ban ngày bạn bận rộn, căng thẳng, lo nghĩ, so sánh, ganh tị… thì ban đêm, tâm trí bạn vẫn phải tiếp tục “xử lý dữ liệu” đó. Thế là bạn mơ một cách vô thức. Giấc mơ lúc ấy không còn là nghỉ ngơi, mà là lao động trong bóng tối.
Krishnamurti không bảo bạn đọc phải ép mình tĩnh lặng. Ông nói: hãy sống tỉnh thức. Trong một ngày, bạn chỉ cần quan sát chính mình một cách tĩnh lặng, không phán xét, không cố thay đổi. Khi bạn thừa nhận tất cả những gì đang diễn ra trong mình mà không trốn chạy, thì tâm trí bạn không cần phải “giải quyết phần còn lại” nữa vào ban đêm.
Lúc đó, nó được nghỉ ngơi thật sự. “Một khi bạn cố gắng sửa đổi nó, bạn sẽ mang sự vô trật tự đến. Nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần thật sự quan sát cái đang là, thì bấy giờ cái đang là chính là trật tự” - tác giả nhấn mạnh
Krishnamurti tin rằng: tâm trí chỉ đổi mới khi nó tĩnh lặng. Và sự tĩnh lặng không đến từ nỗ lực cưỡng cầu, mà từ việc bạn sống thật trong từng khoảnh khắc. Nghe thì có vẻ trừu tượng, nhưng thật ra rất thực tế: nếu cả ngày bạn để mình quay vòng trong lo âu, căng thẳng, rồi đêm đến vẫn tiếp tục dằn vặt, thì làm sao não bạn nghỉ được?
Ngược lại, nếu bạn đã sống trọn vẹn, có ý thức, có sự rõ ràng trong từng việc thì tối đến, bạn không cần “kiểm điểm” gì nữa. Bạn đã sống rồi. Và tâm trí bạn cũng được buông xuống.
Đánh thức trí thông minh không mang đến cho bạn những bí quyết để ngủ ngon hay sống bình yên, mà đặt ra những câu hỏi thật sâu sắc: “Tại sao bạn lại nghĩ như vậy?”, “Ai nói bạn phải sống theo kiểu đó?”, “Bạn có thật sự hiểu mình không?”, … Chính những câu hỏi đó khiến bạn dừng lại. Tỉnh thức.
Nếu bạn đang tìm một cuốn sách để nhìn lại chính mình một cách sâu sắc thì Krishnamurti là một người đồng hành đáng thử. Hãy bắt đầu từ cuốn sách Đánh thức trí thông minh. Biết đâu, vào một đêm nào đó, bạn sẽ ngủ một giấc thật sâu không phải vì tránh được ác mộng, mà vì tâm trí bạn đã yên như mặt hồ không gợn sóng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-ta-phai-mo-post1554226.html