Tại sao ta yêu thích những tội phạm tài tử?
Arsène Lupin là một trong những kẻ phản diện được yêu thích nhất trong thể loại trinh thám nói riêng và văn học nói chung.
Ra đời cách đây hơn 100 năm, nhân vật siêu trộm Arsène Lupin của nhà văn Maurice Leblanc vẫn được bạn đọc trên toàn thế giới yêu thích và hâm mộ.
Đây có thể coi là cú xoay trục của lịch sử trinh thám thế giới khi các nhân vật phản diện chiếm ngôi trung tâm và nhận được cảm tình của người đọc.
Siêu đạo chích có một không hai của nước Pháp
Xuất thân là một cậu bé chứng kiến người mẹ của mình bán sức cho giới nhà giàu để nuôi con, Arsène Lupin phát triển một niềm đam mê kỳ lạ. Ông hứng thú với việc chinh phục các món đồ, kho báu quý giá của kẻ giàu thông qua con đường đạo chích.
Trong các cuộc phiêu lưu ấy, Arsène Lupin đã đối mặt với không ít hiểm nguy, chạm trán với nhiều đối thủ cũng tài hoa và độc đáo không kém như thám tử Herlock Sholmes, thám tử Isidore Beautrelet…
Mặc dù là một kẻ trộm, nhưng Lupin luôn luôn cho thấy tính cách của một quý ông: Nhã nhặn, lịch thiệp, và chỉ đánh cắp những món đồ thuộc loại cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Maurice Leblanc giới thiệu Arsène Lupin lần đầu tiên với bạn đọc Pháp vào tháng 7/1905 trong truyện ngắn Arsène Lupin bị bắt, được in trên tạp chí Je sais tout.
Lupin sau đó xuất hiện trong 17 tiểu thuyết, 39 truyện dài cùng nhiều truyện ngắn khác, được tập hợp lại thành 24 cuốn sách. Nếu tính cả The Secret Tomb, một tác phẩm mà Lupin không xuất hiện nhưng nhân vật chính đã khám phá ra một trong bốn bí mật lớn nhất của Lupin, thì sẽ có tổng cộng 25 cuốn sách về nhân vật siêu trộm này.
Tại Việt Nam, các tập truyện cũng như tiểu thuyết về Lupin đã được dịch rải rác trong nhiều năm trở lại đây nhưng chưa lần nào xuất hiện đủ bộ. Gân đây nhất, bộ sách 5 tập vừa được phát hành tương đối đồng nhất về hình thức cũng như đúng thứ tự để bạn đọc thế hệ mới dễ dàng theo dõi.
Các cuốn sách bao gồm: Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ (tương ứng tập 1), Đối đầu Herlock Sholmès (tương ứng tập 2), Cây kim rỗng (tương ứng tập 3), Vụ chơi khăm nhà triệu phú (Một vở kịch bốn hồi do Maurice Leblanc và Francis de Croisset đồng sáng tác năm 1908, sau được Edgar Jepson viết lại thành tiểu thuyết bằng tiếng Anh - cuốn sách này liên quan chặt chẽ đến tác phẩm tập 4) và Lời thú tội của Arsène Lupin (tương ứng tập 6).
Arsène Lupin là nguồn cảm hứng để hàng loạt nhân vật siêu trộm khác ra đời. Có thể kể đến Lupin đệ Tam, được giới thiệu là cháu của Arsène Lupin trong series phim hoạt hình của Nhật Bản, hoặc Kaito Kid - siêu đạo chích trẻ tuổi hào hoa trong bộ truyện tranh Thám tử lừng danh Conan.
Kẻ phản diện được yêu thích
Có thể nói, Arsène Lupin đã rất thành công trong việc quyến rũ các độc giả, quyến rũ cả các nhân vật nữ, không chỉ bởi tài năng mà còn có một chút hư hỏng, một chút tà tâm trong con người mình.
Cách hành xử phóng khoáng, đôi khi láu cá và hay chơi khăm của Lupin lại khiến người đọc phải bật cười, yêu mến hơn cả những nhân vật chính diện vốn là thám tử được xây dựng là một người có đầu óc siêu việt và khó tìm thấy ai như vậy ở ngoài đời.
Một thứ văn phong lôi kéo, mà giới phê bình chỉ định bằng tính từ lupinien (đặc biệt Lupin, chứ không phải đặc biệt Leblanc), vô vàn sinh động, giàu màu sắc, rất nên thơ, không một vết nhăn nào tròn một thế kỷ qua.
Nhà văn Trần Thiện Đạo
Trong văn học trinh thám, từ khi những tác phẩm như Sherlock Holmes ra đời đã định hình nên năm yếu tố chủ chốt, bao gồm thám tử, vụ án, nạn nhân, hung thủ và hệ thống chứng cứ.
Các tác phẩm trinh thám sơ khai đều có cấu trúc như thế và thường xoay quanh nhân vật chính là thám tử.
Nếu như tiểu thuyết trinh thám là một bàn xoay thì thám tử là bản lề của trục xoay ấy: Sự can dự của thám tử, câu chuyện thu thập bằng chứng và suy đoán thủ phạm từng được coi là căn cốt bắt buộc của một tiểu thuyết trinh thám. Và rất nhiều nguyên tắc đã được xây dựng dựa trên góc nhìn của thám tử.
Tuy nhiên kể từ Maurice Leblanc cho ra đời bộ sách về Arsène Lupin, văn học trinh thám được nhìn nhận theo một góc độ hoàn toàn ngược lại. Với Leblanc, tác phẩm trinh thám được triển khai từ điểm nhìn một nhân vật phản diện, và mấu chốt của tác phẩm nằm ở các cuộc đấu trí giữa kẻ phạm tội và cơ quan hành pháp.
Tuy không phải là nhà văn đầu tiên xây dựng hình tượng các phản anh hùng, nhưng Maurice Leblanc đã đưa hình tượng ấy vào văn học trinh thám và triển khai rất sát với khái niệm "trinh thám hiện đại" với cốt truyện phức tạp, nhiều hành động, nhiều bí ẩn và lớp lang những bước ngoặt đầy bất ngờ.
Thậm chí trong tập sách Đối đầu Herlock Sholmès, nhà văn Leblanc đã không ngần ngại lấy một nhân vật nổi tiếng khác về tác phẩm của mình. Herlock Sholmes là một thám tử hư cấu trong sách của Leblanc, nhưng đồng thời cũng là tên đảo ngược của Sherlock Holmes. Đây có thể coi là một quyết định đầy táo bạo và rất hiếm khi xuất hiện trong văn học.
Không chỉ tạo nên một kẻ phản diện hào hoa phong nhã, đi ngược lại với xu thế của thời đại, Maurice Leblanc còn giúp Arsène Lupin được yêu mến bởi chính văn phong hấp dẫn lạ thường của ông. Một chút hóm hỉnh, một chút lãng mạn cộng với trí tưởng tượng vô song giúp Maurice Leblanc cực kỳ thành công với nhân vật này.
Nhà văn Trần Thiện Đạo nhận xét: "Một thứ văn phong lôi kéo, mà giới phê bình chỉ định bằng tính từ lupinien (đặc biệt Lupin, chứ không phải đặc biệt Leblanc), vô vàn sinh động, giàu màu sắc và rất nên thơ, không một vết nhăn nào tròn một thế kỷ qua".
Nhìn rộng ra, đối với các tác phẩm trinh thám thiên về tâm lý, người đọc sẽ thường có xu hướng bị hấp dẫn bởi những kẻ phản diện có nội tâm phức tạp. Có thể họ từng gặp phải những vấn đề tâm lý từ quá khứ như bị bạo hành, bắt nạt, cưỡng bức… hoặc họ có nỗi khổ tâm riêng, muốn bảo vệ những người mình yêu thương nên mới ra tay làm điều ác.
Kiểu nhân vật này thường xuất hiện trong các tác phẩm của Keigo Higashino, một trong những cây viết trinh thám xã hội nổi tiếng của Nhật Bản.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người đọc chấp nhận tội ác đó của hung thủ. Văn học trinh thám là thứ văn học tìm kiếm sự công bằng cho xã hội. Khi có vụ án xảy ra, nhất định phải điều tra sự thật, tìm ra ai mới là hung thủ. Cho dù nguyên do là gì đi chăng nữa, một khi đã lựa chọn nhúng tay vào tội ác, con người nhất định phải trả giá.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-ta-yeu-thich-nhung-toi-pham-tai-tu-post1150993.html