Trong những cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ thường đặt niềm tin vào tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk phóng từ ngoài khơi.
Mặc dù chỉ sở hữu tốc độ cận âm nhưng việc phát hiện cũng như đánh chặn vũ khí này vẫn cực kỳ khó khăn, thậm chí gần như bất khả thi.
Sở dĩ có nhận xét như trên bởi tên lửa Tomahawk có diện tích phản xạ radar rất nhỏ, nó lại thực hiện được đường bay ở độ cao rất thấp để qua mặt mạng lưới cảnh giới của đối phương.
Nhờ khả năng luồn lách cực kỳ linh hoạt khi dễ dàng xuyên giữa hai khe núi hay chỉ lướt trên đầu ngọn cây, Tomahawk sẽ âm thầm tiếp cận địa điểm công kích mà đối phương chẳng hề hay biết.
Đối với tên lửa hành trình như Tomahawk, bắn hạ nó được xem là không quá khó nhưng điều kiện cần là phải phát hiện ra thì lại cực kỳ nan giải, kể cả khi đó là một cường quốc quân sự.
Ở chiều ngược lại, Nga lại cho biết chủ lực trong các chiến dịch tấn công tương lai của mình là tên lửa đạn đạo chiến thuật 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M.
Trái ngược với Tomahawk, 9M723 có độ cao hành trình rất lớn và đường bay không thể linh hoạt bằng, đối phương đủ thời gian để phát hiện nó từ rất xa khi vừa rời bệ phóng.
Tuy nhiên phát hiện là một chuyện, đánh chặn được lại là điều khác khi vào giai đoạn công kích chỉ còn đầu đạn của tên lửa lao xuống với vận tốc Mach 7.
Độ cao cực lớn, vận tốc kinh hoàng, diện tích phản xạ radar cực nhỏ của đầu đạn rơi xuống sẽ khiến phòng không đối phương rất khó đánh chặn.
Qua hai ví dụ trên, có thể nhận biết cơ bản về trọng tâm cũng như vũ khí tấn công đường không tầm xa được hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới tin dùng.
Sau khi Nga nối gót Mỹ tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung - INF thì hầu như mọi người đều cho rằng biện pháp đáp trả của Moskva chỉ là mở rộng tầm bắn của tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr và tên lửa đạn đạo 9M723 Iskander-M.
Nhưng thật đáng ngạc nhiên khi sau đó Tổng thống Vladimir Putin lại yêu cầu quân đội nước này nhanh chóng phát triển phiên bản tên lửa hành trình đối đất siêu thanh dựa trên Kalibr, đây chính là biến thể Kalibr-M tầm bắn 4.500 km đã từng được nhắc tới.
Mặc dù nghe qua thì đây tưởng như là thứ vũ khí rất lợi hại nhưng Nga lại bị nhận xét đang đi "lệch trọng tâm", bởi tên lửa hành trình đối đất siêu thanh không hề mang các ưu điểm của thiết kế cổ điển mà ngược lại bị coi là "cao không tới - thấp không xong".
Với vận tốc Mach 3 và tầm bắn 4.500 km, Kalibr-M không thể bay thấp và lượn lách linh hoạt để tiếp cận mục tiêu như bản dưới âm, hơn nữa kích thước của nó cũng sẽ rất lớn để chứa lượng nhiên liệu cần thiết khiến cho bị mất tính tàng hình.
Vận tốc Mach 3 của Kalibr-M tưởng đã cao nhưng vẫn chưa là gì so với Mach 7 của 9M723, hơn nữa RCS của nó lại lớn, độ cao hành trình dễ bị lộ tẩy để trở thành chiếc bia cho phòng không đối phương tập bắn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tên lửa hành trình đối đất cận âm cùng tên lửa đạn đạo là vũ khí được đầu tư trọng điểm trong nhiều năm qua, bất chấp đã có khá nhiều đề xuất chế tạo tên lửa hành trình siêu âm tương tự Kalibr-M của Nga.
Theo Bach Dương/ANTĐ