Tại sao thảm án vì tình liên tiếp xảy ra?
Những vụ giết người dã man vì tình xảy ra gần đây, theo các chuyên gia một phần là do quá trình giáo dục bị lỗi, thủ phạm không nhận thức được đúng đắn những giá trị của cuộc sống.
Lệch lạc nhận thức dẫn đến lệch chuẩn hành vi
Gần đây, hàng loạt vụ án mạng nghiêm trọng bắt nguồn từ chuyện ghen tuông, mâu thuẫn tình ái. Điển hình là vụ truy sát khiến 2 người thương vong ở Bắc Ninh và vụ nổ súng giết người yêu ở Hải Phòng trong cùng ngày 24/10. Cũng trong buổi chiều ngày 24/10, Thanh niên tên B (19 tuổi, quê Thái Bình) chém bố và người thân của bạn gái nhập viện ngay trong ngày ra mắt.
Cách đây không lâu là vụ giết người tình dã man trên phố Hàng Bài (Hà Nội) rồi tự sát không thành, hay vụ chặt đứt lìa 2 tay vợ vì ghen tuông ở xã Tam An, Long Thành (Đồng Nai)… Những phút ghen tuông mù quáng đã khiến người họ từng yêu thương ra đi mãi mãi, bản thân phải trả giá đắt cho hành động tàn bạo.
Nói về những vụ việc này, chuyên gia tâm lý, xã hội học, TS Đinh Đoàn cho biết, hiện tượng cuồng yêu, cuồng ghen cho thấy sự lệch lạc về nhận thức, sự lệch chuẩn về hành vi xử sự trong cuộc sống, trong quan hệ yêu đương và trong đời sống gia đình. Trong mỗi con người đều trường tồn một phần nào đó của góc tối, của cái ác từ nhỏ li ti đến chiếm lĩnh tâm hồn. Những "hạt giống" của cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi, và chỉ cần gặp được "mảnh đất" và những điều kiện thích hợp là nó có thể nảy mầm và phát triển.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người ta phạm tội. Mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim bạo lực… đầy rẫy khiến không ít người bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó.
Tại Việt Nam, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, con người ngày được giáo dục nhiều hơn nhưng lối sống chưa hẳn đã tốt hơn. Chỉ vì xe máy va quệt nhẹ trên phố đông, chỉ cần một ánh nhìn khó chịu bị cho là "nhìn đểu", chỉ cần to tiếng trên bàn nhậu... là người ta quên mất tình đồng loại, sẵn sàng xông vào đoạt mạng nhau. Rõ ràng, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn đến văn hóa, giáo dục và tạo ra lối sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ trong một bộ phận người trẻ hiện nay. Trong khi đó, những quy định về pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng để ngăn ngừa tội phạm hữu hiệu.
Chính sự ích kỷ, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương của người đối với người chính là nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách. Mỗi con người sống cần có đức độ và những người lớn trong gia đình phải giáo dục lối sống, cách sống thương yêu đùm bọc lấy nhau cho con em mình. Đồng thời, ông bà, cha mẹ phải làm gương để con cháu noi theo.
Theo chuyên gia Đinh Đoàn, mặc dù kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật xử lý, xã hội lên án nhưng không có nghĩa là "nạn nhân vô can". Trong một số trường hợp, nạn nhân cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì những gì xảy ra, cũng bị dư luận xã hội lên án. Lối sống không nghiêm túc, buông thả, những mối quan hệ ngoài luồng phức tạp, thái độ thách thức, kích động, cách ứng xử không khéo léo khi vụ việc xảy ra, thiếu tinh thần cầu thị, nhận lỗi… đã khiến nạn nhân gặp nạn.
Giáo dục là nền tảng thay đổi hành vi
Theo các chuyên gia, cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn, biết cân bằng và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử và hành động, biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng. Chỉ cần mỗi người biết hướng thiện bằng lương tâm đích thực, cái ác sẽ chẳng thể diễn tiến khác thường hơn…
Tam giác giáo dục của nhà trường – gia đình – xã hội chính là cái nôi sản sinh ra một nhân cách cho mỗi con người. Những trường hợp mù quáng, để dẫn đến hành vi sai trái, có thể nói là do bị hổng trong giáo dục. Họ không nhận thức được đúng đắn, bị tình ái hay sự thù hận lu mờ. Do vậy, dù biết trước hậu quả, họ vẫn quyết tâm xuống tay sát hại người yêu, sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
"Yêu đương là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, một trong những yêu cầu của tình yêu là lòng chung thủy. Một trong những nỗi đau rất lớn của cả nam lẫn nữ là bị người chồng hay vợ phản bội. Do vậy khi ở trong mối quan hệ yêu đương, chính những người trẻ cũng cần phải được giáo dục nghiêm túc. Khi có nền tảng nhận thức tốt, hành xử khi yêu đương cũng sẽ khác", TS Đinh Đoàn phân tích.
Xảy ra những vấn đề này không nằm trong vấn đề đạo đức. Bởi, nói đến vấn đề đạo đức, lối sống thì rất rộng và chạm đến rất nhiều vấn đề khác. Con người đó, chỉ vài tiếng trước, họ cũng có rất nhiều hành vi, suy nghĩ tốt. Chỉ khi họ vướng vào mâu thuẫn tình cảm với người họ yêu thương nhất, họ lại mất đi sự sáng suốt như thường lệ, để cơn nóng giận, mất kiểm soát, giận dữ, tuyệt vọng dẫn dắt tư duy. Do vậy, để tránh được những tình huống đau lòng này, việc giáo dục là nền tảng quan trọng nhất. Giáo dục tốt sẽ dẫn lối hành vi, giúp con người tránh được những bi kịch mù quáng.
"Các gia đình hãy làm tốt hơn vai trò giáo dục, dẫn dắt của mình, đừng phó mặc cho nhà trường. Nhận thức của con người hình thành từ khi vừa sinh ra, đứa trẻ được giáo dục tốt sẽ có tư tưởng tốt, hướng đến cái chân – thiện – mỹ trong cuộc sống", TS Đinh Đoàn cho hay.