Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Phần Lan và Thụy Điển tham gia nhập NATO?

Một nguồn tin ngoại giao mới đây cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn các thành viên NATO bắt đầu đàm phán việc tham gia liên minh của Phần Lan và Thụy Điển.

Helsinki và Thụy Điển đã chính thức nộp hồ sơ cho người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg vào sáng thứ Tư (18/5). Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cho biết chính phủ của ông sẽ phản đối.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: DW

Bài liên quan

Phần Lan, Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO

Quốc hội Phần Lan thông qua đề xuất gia nhập NATO

Thụy Điển chính thức thông báo xin gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ nêu các điều kiện để Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO

Tất cả các đại sứ đại diện cho các quốc gia thành viên NATO đã sẵn sàng ủng hộ quyết định mở cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nguồn tin ngoại giao giấu tên nói rằng rõ ràng vấn đề sẽ không được giải quyết bởi các đại sứ NATO, ngụ ý rằng các quan chức cấp cao hơn sẽ phải cố gắng đạt được đồng thuận.

Các đồng minh sẽ chờ đợi các cuộc đàm phán giữa Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề, với hy vọng rằng Stockholm và Helsinki sẽ có được tư cách khách mời của NATO sau hội nghị thượng đỉnh Madrid vào cuối tháng 6 tới.

Tư cách khách mời cho phép hai nước tham gia với tư cách là quan sát viên trong các cuộc họp của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO từ lâu.

Nước này tuyên bố rằng cả hai nước đang chứa chấp các nhóm người Kurd thuộc Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Đơn vị Phòng vệ Nhân dân Syria (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "khủng bố". EU và Mỹ cũng phân loại PKK là một tổ chức khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lặp lại những lời phàn nàn của mình tại Ankara, nói rằng: "Chúng tôi không thể nói đồng ý với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cho đến khi họ trao trả những kẻ khủng bố cho Thổ Nhĩ Kỳ".

Để một quốc gia tham gia liên minh, tất cả 30 thành viên phải đồng ý. Tuy nhiên, các thành viên khác của liên minh đã ủng hộ hết mình cho các nước Bắc Âu và vẫn lạc quan rằng họ có thể vượt qua sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ hy vọng sẽ hoàn thành quá trình trong 6 tháng thay vì 12 tháng như thông thường.

Quốc Thiên (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-tho-nhi-ky-ngan-phan-lan-va-thuy-dien-tham-gia-nhap-nato-post195472.html