Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đưa ra mốc thời gian Thụy Điển gia nhập NATO?
Điều tưởng chừng như đã đạt được về việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO đang phải đối mặt với nhiều diễn biến không chắc chắn và bất ngờ.
Bất chấp một bước đột phá rõ ràng vào đầu tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan ngày 12/7 đã làm giảm kỳ vọng của Thụy Điển về việc quốc hội ở Ankara sớm phê chuẩn việc gia nhập NATO của nước này.
Khi được các phóng viên hỏi bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius về các bước tiếp theo và khi nào Thụy Điển gia nhập liên minh, Tổng thống Erdoğan từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể.
“Quốc hội [Thổ Nhĩ Kỳ] là cơ quan quyết định thông qua”, ông Erdoğan nói, đồng thời cho biết thêm rằng “mục tiêu của chúng tôi là thực hiện điều này càng sớm càng tốt”. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong kỳ nghỉ hè và sẽ hoạt động trở lại vào tháng 9 tới.
Bình luận của ông Erdoğan được đưa ra sau cuộc đàm phán khủng hoảng kéo dài 11 giờ trước hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius của NATO, nơi Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO đã ký một thỏa thuận chung hôm 10/7 để mở đường cho Stockholm trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.
Tuy nhiên sau thỏa thuận trên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Thụy Điển vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO - điều kiện tiên quyết đối với tất cả các thành viên NATO trước khi các quốc gia mới có thể được chấp nhận tham gia liên minh quân sự.
Về thời gian biểu của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdoğa cho biết: “Sau khi quốc hội nhóm họp trở lại, tôi tin rằng Chủ tịch Quốc hội tất nhiên sẽ đặt điều này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự”.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng việc thiết lập chương trình nghị sự của quốc hội nằm ngoài tầm tay của ông: "Có rất nhiều dự thảo luật" để thảo luận, vì vậy [quốc hội] sẽ cần đưa ra ưu tiên cho các mục trong chương trình nghị sự này".
"Ngoài ra, trước khi phê chuẩn, các nhà chức trách Thụy Điển, theo những gì đã được thảo luận, sẽ đệ trình cho chúng tôi lộ trình và sau đó, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình đó và đệ trình lên Quốc hội của chúng tôi”, ông Erdoğan nói với các phóng viên.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thông qua lộ trình mới, đánh giá liệu Thụy Điển có đạt được tiến bộ nghiêm túc trong cuộc chiến chống khủng bố hay không, trước khi bỏ phiếu phê chuẩn quy trình gia nhập của Stockholm.
Theo thỏa thuận hồi đầu tuần này, “Thụy Điển sẽ trình bày một lộ trình làm cơ sở cho việc tiếp tục đấu tranh chống khủng bố dưới mọi hình thức và hướng tới việc thực hiện đầy đủ tất cả các yếu tố của Bản ghi nhớ ba bên".
Phát biểu tại Vilnius, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông hy vọng Thụy Điển sẽ ngăn chặn việc đốt Kinh Koran ở quốc gia Bắc Âu này, bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ nỗ lực gia nhập EU của Ankara, hiện đại hóa liên minh hải quan và ủng hộ tự do hóa thị thực.
Séc ép với Thụy Điển chưa kết thúc
Theo báo Yle (yle.fi) của Phần Lan, những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Ankara hiện có kế hoạch theo dõi tiến trình của các biện pháp chống khủng bố mới đã được thống nhất với Thụy Điển.
Về Thụy Điển cam kết thúc đẩy quan hệ EU và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tại, tiến trình gia nhập khối này đang hoàn toàn bế tắc và lời hứa này của Thụy Điển được coi là "viển vông".
Do đó, việc chuyển thời gian phê chuẩn sang mùa thu có thể rất khó khăn đối với Thụy Điển. Những người phản đối tư cách thành viên NATO từ lâu đã cố gắng khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdoğan để việc gia nhập NATO bị hoãn lại.
Cách đây vài ngày, cảnh sát Thụy Điển đã nhận được ba đơn xin biểu tình với mục đích đốt kinh Koran ở Stockholm. Ở Thụy Điển, lần gần đây nhất kinh Koran bị đốt là vào cuối tháng 6 trước một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng rất tức giận.
Ngày 12/7, trong khi một số người ở Stockholm tổ chức ăn mừng tiến độ trở thành thành viên NATO của Thụy Điển, thì các nhóm cánh tả đã tổ chức các cuộc biểu tình, trong đó có một số người cầm cờ của của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Hiện không có gì ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ giám sát các nỗ lực chống khủng bố của Thụy Điển. Theo cách giải thích của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc biểu tình ủng hộ PKK là một ví dụ về việc "những kẻ khủng bố" được phép đi lại tự do trên đường phố ở Thụy Điển.
Chuyên gia người Thụy Điển về Thổ Nhĩ Kỳ Paul Levin nhận định với tờ Yle rằng sẽ rất khó thắt chặt các quy định đối với các cuộc biểu tình dưới áp lực từ Thổ Nhĩ Kỳ và sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ với Thụy Điển dường như sẽ không sớm kết thúc.