Tại sao 'thử thách MoMo' có thể điều khiển tâm trí của trẻ em làm điều dại dột?
'Thử thách MoMo' khiến cho cả thế giới hoang mang vì những hậu quả mà nó mang lại, đặc biệt là đối với trẻ em.
Ngày 25/11, cơ quan công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thông tin về vụ một bé trai có tên V.P.L (8 tuổi) tử vong trong nhà vệ sinh xảy ra tại xã Bình Minh.
Thông tin ban đầu, tối ngày 21/11, cháu L. vào nhà vệ sinh để đi tắm. Lâu không thấy con ra, mẹ L. không thấy con ra nên gọi cửa nhưng không thấy con trả lời.
Dự tính có điều chẳng lành nên người mẹ nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thi thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường. Cổ áo cháu đang mặc trên người thì móc trên móc treo quần áo của nhà vệ sinh.
Sau khi cháu L. được đưa ra khỏi nhà vệ sinh thì đã ngưng thở. Gia đình đưa cháu đi cấp cứu nhưng đã tử vong trước đó. Gia đình cho biết cháu L. không có bệnh tật gì nhưng thường ngày khi chơi đùa cháu L. thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng.
Theo cơ quan chức năng nghi vấn ban đầu cháu L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo "thử thách MoMo" trên mạng xã hội. Vậy nhưng, "thử thách MoMo" (MoMo Challenge) là gì mà có thể điều khiển tâm trí của trẻ em?
Nguồn gốc của "thử thách MoMo"
MoMo - nhân vật với hình dáng búp bê có đôi mắt lồi, miệng rộng, làn da nhợt nhạt, thực chất là một tác phẩm điêu khắc có tên “Chim mẹ” của nghệ sĩ Nhật Bản - Keisuke Aisawa. Tác phẩm được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở Tokyo.
Tuy nhiên, hình ảnh kinh dị này đã được kẻ xấu sử dụng cho một thử thách khiến người chơi có thể trầm cảm và nung nấu ý định tự sát. Trong hình dáng MoMo, kẻ xấu sẽ liên lạc với người chơi qua Messenger hoặc WhatApps, buộc họ làm theo những hành động có thể gây hại cho bản thân.
Sau khi nhận thấy tác phẩm của mình bị kẻ xấu sử dụng để thực hiện hành vi nguy hại, Keisuke Aiso - cha đẻ của tác phẩm MoMo, đã hủy bức tượng đầu người mình chim này.
"Thử thách MoMo" xuất hiện khi nào?
Thử thách MoMo được phát hiện lần đầu vào tháng 7 năm 2018 bởi một YouTuber tên ReignBot. Thử thách này nhắm mục tiêu vào các thanh thiếu niên, trẻ em nhỏ tuổi.
Hệt như các "Thử thách tự hại" khác trên Internet như "Thử thách Cá voi xanh", người chơi khi tham gia sẽ được nhận các chuỗi nhiệm vụ đáng sợ.
Nếu người chơi từ chối thực, bọn chúng sẽ buông những lời đe dọa khủng khiếp. Tin nhắn của những kẻ này còn đi kèm những ngôn từ uy hiếp, hình ảnh đẫm máu thay cho sự cảnh cáo.
Tháng 2/2019, MoMo xuất hiện ẩn bên trong các video giả mạo các nhân vật hoạt hình, tựa game nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig,... Thậm chí, một số bậc phụ huynh phát hiện MoMo còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.
Những nạn nhân xấu số của "Thử thách MoMo"
Từng có lời đồn cho rằng, hàng trăm trường hợp trẻ em tự hại được phát hiện có liên qua đến "thử thách MoMo" nhưng đó chỉ là đồn đại. Dẫu vậy, danh sách những nạn nhân xấu số của "thử thách MoMo" không hề ít.
Tờ Buenos Aires từng đưa tin, thời điểm "thử thách MoMo" mới nổi lên, cảnh sát ở Argentina đã xác định nguyên nhân một bé gái 12 tuổi tự kết liễu đời mình có liên quan đến trào lưu đáng sợ này. Sau đó, chính quyền Argentina cũng đã đưa ra một cảnh báo cho các bậc cha mẹ tại đây.
Còn theo The Sun, vào ngày 28 tháng 8 năm 2018, nguyên nhân từ trần của một thiếu niên ở Ấn Độ cũng liên quan đến "thử thách MoMo". Nạn nhân 18 tuổi có tên là Manish Sarki, đã được tìm thấy trong chuồng gia súc với dòng chữ "Illuminati" và "Devil's one eye" được vẽ nguệch ngoạc trên tường.
Vào tháng 9 năm 2018, một cô gái 12 tuổi và một cậu bé 16 tuổi ở Colombia đã tự kết liễu đời mình sau khi làm theo những nhiệm vụ của "thử thách MoMo". Theo thông tin đăng tải, cậu bé 16 tuổi trước khi lìa đời đã gửi "thử thách MoMo" cho cô bé 12 tuổi.
Vào ngày 27 tháng 2 năm 2019, một cô bé 5 tuổi, đến từ Cheltenham (Anh Quốc) đã tự cắt tóc sau khi bị "tẩy não" bởi "thử thách MoMo". Sau đó, thông tin một bé gái 7 tuổi sang chấn tâm lý, tự đập đầu mình vào tường ở trường do "thử thách MoMo" cũng đã được phát hiện, theo Daily Mail.
Làm thế nào để bảo vệ trẻ nhỏ trước 'thử thách MoMo"?
Carolyn Bunting, CEO của hội nhóm bảo vệ an toàn trẻ em Internet Matters, đã khuyên các bậc phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con cái họ.
"...Sẽ là một điều tốt nếu cha mẹ ngồi xuống với con cái và nói chuyện về những thứ chúng hay xem trên Internet như những người bạn...", Carolyn Bunting chia sẻ.
Trong khi đó, phát thanh viên Andy Robertson khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tập trung tốt hơn vào những lời khuyên tích cực cho trẻ em, cho trẻ sử dụng đồ công nghệ phù hợp với lứa tuổi và quan tâm đến các tương tác trực tuyến của trẻ.
Đồng thời, tờ Telegraph cũng dẫn lại một số lời khuyên được cảnh sát Anh đưa ra để phụ huynh bảo vệ con mình trong môi trường trực tuyến, gồm:
- Đảm bảo gia đình biết được trẻ truy cập gì trên Internet.
- Đảm bảo cho trẻ biết được tầm quan trọng của thông tin cá nhân và không trao nó cho bất kỳ ai không quen biết.
- Hãy cho trẻ biết không ai có quyền yêu cầu chúng phải làm những điều mà chúng không muốn.
- Cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.